Tân GĐ điều hành Grab Việt Nam: Grab đã bước qua giai đoạn "đánh nhau với đối thủ", hướng tới trách nhiệm lớn hơn cùng xây dựng thị trường
3 tháng trở lại đây, cả 3 ghế CEO của Top 3 ứng dụng gọi xe trên thị trường Việt Nam - GoViet, beGroup và nay là Grab - đều có sự thay đổi. Trả lời Trí thức trẻ, tân Giám đốc điều hành Grab Nguyễn Thái Hải Vân cho biết việc củng cố bộ máy lãnh đạo cao cấp của Grab tại Việt Nam nằm trong kế hoạch khá dài hạn của Grab. Hiện Grab đã bước qua giai đoạn gọi là "đánh nhau với đối thủ", hướng tới trách nhiệm lớn hơn cùng xây dựng thị trường. Chương tiếp theo của Grab, bà Vân cho biết, sẽ là một chương khá thú vị...
Ngay sau khi Grab công bố chính thức về sự thay đổi nhân sự cấp cao tại thị trường Việt Nam, bà Nguyễn Thái Hải Vân – tân Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, người thay thế ông Jerry Lim - dành thời gian chia sẻ với Trí thức trẻ lý do có sự thay đổi này, cũng như "chương thú vị" tiếp theo của Grab tại thị trường mà mảng kinh doanh cốt lõi của Grab đã có sự phân định rạch ròi.
* Từng giữ cương vị Phó Chủ tịch Marketing của Unilever, lý do gì khiến chị rời tập đoàn trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG), nơi chị gắn bó 17 năm để chuyển sang Grab – một siêu ứng dụng về công nghệ?
Rất nhiều người hỏi tôi câu này. Suốt 17 năm làm ở Unilever, với đặc thù của ngành hàng tiêu dùng nhanh là đưa ra những sản phẩm rất thiết thực và gần gũi với đời sống hàng ngày, tôi dành nhiều thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc, ghé thăm người dân từ trong bếp cho tới toilet, bàn trang điểm... để thực sự hiểu họ sống như thế nào, mong chờ điều gì và còn ngại điều gì.
Tất cả những câu chuyện đó đã tích tụ cho tôi niềm đam mê rất lớn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày thông qua những sản phẩm thiết thực. Thực ra, đó cũng chính là lý do Grab thu hút tôi. Trong thời gian khá ngắn ngủi ở Việt Nam (gần 6 năm), Grab đã gần như định hình một thói quen di chuyển rất khác cho người dân, làm cho cuộc sống của nhiều người giờ tiện lợi hơn rất nhiều.
Hơn nữa, Grab bây giờ cũng là một trong những kỳ lân giá trị nhất thị trường Đông Nam Á, cho nên độ phủ khá rộng khắp và hệ sinh thái ngày càng mở rộng. Tôi nhìn thấy một tương lai rất lớn ở Grab, có thể mở rộng và phục vụ tốt hơn nữa để hướng đến một ngày công nghệ thực sự thay đổi chất lượng cuộc sống của người Việt.
* Thời gian gần đây, việc thay sếp xuất hiện khá nhiều ở các siêu ứng dụng tại Việt Nam, GoViet và mới đây là beGroup. Vì sao Grab lại quyết định chọn thời điểm này để "thay tướng"? Việc thay đổi này sẽ ảnh hưởng thế nào tới hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam?
Tôi không đưa ra nhận định gì về các công ty bạn. Riêng với Grab, việc củng cố bộ máy lãnh đạo cao cấp của Grab tại Việt Nam đã nằm trong kế hoạch khá dài hạn của Grab, vì Grab nhắm tới việc đẩy mạnh hơn nữa cam kết phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua công nghệ. 3 năm nay, họ đặt mục tiêu tìm được một người lãnh đạo rất hiểu cuộc sống người Việt, hiểu tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu thực tế của người Việt. Việc thay đổi này nằm trong kế hoạch kinh doanh dài hạn của công ty.
Mới 6 năm, Grab đã xây dựng được một thương hiệu mà theo kinh nghiệm trước kia của tôi, trung bình ở Việt Nam để làm được ít nhất phải mất mười mấy năm
Về phía tôi, dù mới vào công ty 2 tháng, nhưng tôi rất kinh ngạc bởi những gì các bạn làm trong công việc kinh doanh và hoạch định hàng ngày với châm ngôn luôn đặt khách hàng là trung tâm. "Khách hàng" mà tôi nhắc tới ở đây không chỉ là người dùng (end users), mà bao gồm cả các đối tác tài xế, đối tác nhà hàng. Team Grab đặt yếu tố này là mục tiêu hàng đầu trong tất cả những kế hoạch kinh doanh của mình.
Thêm nữa, Grab có một đội ngũ nhân viên cực trẻ và năng động. Hồi trước, tôi là một trong những người khá trẻ mà bây giờ gia nhập Grab, tôi thành người già nhất rồi (cười). 100% nhân viên là người Việt. Tuổi trẻ cộng thêm niềm tự hào người Việt, các bạn rất nhiệt huyết trong việc làm sao đưa công nghệ vào đời sống sâu hơn nữa.
Sau khi gia nhập thì tôi mới nhận thấy rằng mình rất may mắn khi tiếp nhận một công việc kinh doanh đã đạt rất gần tới mốc phát triển bền vững lâu dài. Nói một cách nôm na, xét tần suất sử dụng của người dùng đối với Grab app và mức độ trung thành của khách hàng, mới 6 năm, Grab đã xây dựng được một thương hiệu mà theo kinh nghiệm trước kia của tôi, trung bình ở Việt Nam để làm được ít nhất phải mất mười mấy năm.
* Theo chị, việc có một vị sếp dày thâm niên trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh sẽ giúp ích thế nào cho hoạt động của Grab?
Tôi thấy có 3 điểm:
Thứ nhất, tôi hiểu được nhu cầu, tập tính sinh hoạt hàng ngày của người Việt Nam. Đây là một lợi thế rất lớn mà tôi có thể đưa vào và phối kết hợp với khả năng về công nghệ, data (dữ liệu) sẵn có của Grab, sẽ là một nền tảng để chúng tôi đưa ra được những sản phẩm và cách phục vu phù hợp hơn nữa nhu cầu hàng ngày.
Chính sự phối hợp đó sẽ giúp cho tham vọng đưa công nghệ vào phục vụ cuộc sống hàng ngày sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.
Thứ hai, Grab đang ở một giai đoạn mà để lan tỏa rộng hơn nữa thì phải bắt đầu làm rất nhiều về định hướng hành vi người tiêu dùng. Grab đã phục vụ được tầng lớp rất cởi mở với Tech (công nghệ) rồi, nhưng để phục vụ tốt hơn, đi sâu hơn thì cần phải định hướng được người dùng, làm sao chuyển sang dùng Tech thường xuyên hơn, đưa vào các lĩnh vực mà hiện tại họ chưa quen thuộc với việc dùng Tech.
Kinh nghiệm xây dựng và định hướng hành vi người tiêu dùng suốt những năm tôi làm FMCG cũng là một lợi thế.
Thứ ba, xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững. Tôi tham gia Unilever từ những ngày đầu, thấy được chặng đường gần như khởi nghiệp tại Việt Nam, sau đó xây dựng mô hình kinh danh bền vững và lâu dài. Tôi sẽ mang những kinh nghiệm đó để phục vụ khi gia nhập đội ngũ của Grab.
Đó là 3 giá trị tôi có thể mang lại được.
* Hiện tại thế cục tại thị trường chính – Ride-Hailing (Gọi xe) - đã phân định xong, một số cho rằng be và GoViet không còn là những đối thủ đáng gờm của Grab. Chị có nghĩ mình sẽ "nhàn" hơn người tiền nhiệm?
Tôi nhìn ở góc độ: Giờ Grab đã được người tiêu dùng và đối tác đón nhận khá sâu rộng. Bước tiếp theo của Grab là phải tập trung hơn nữa để định hướng thay đổi hành vi người tiêu dùng để hướng tới cả một thị tường phát triển bền vững.
Tôi nghĩ chương tiếp theo của Grab thú vị không kém. Đây sẽ là chương để mình hướng tới tham vọng hỗ trợ đất nước Việt Nam đưa công nghệ vào phát triển kinh tế, hay cùng với Chính phủ xây dựng nền kinh tế 4.0. Grab đã bước qua khỏi giai đoạn mà chúng ta gọi là "đánh nhau với đối thủ", mà phải nhìn về trách nhiệm lớn hơn của mình là hướng tới để cùng xây dựng thị trường.
* Chị vừa nhắc tới "Chương tiếp theo của Grab". Xin chị chia sẻ cụ thể hơn?
Grab được sử dụng khá rộng rãi trong 1 - 2 lĩnh vực, tiếp theo chúng tôi muốn mở dịch vụ rộng hơn nữa, thành một hệ sinh thái hướng tới bền vững và nhiều chức năng để người dùng sử dụng hơn. Nếu bạn hình dung, chúng tôi mong muốn có thể xây dựng Grab thành bạn đồng hành cho người dân từ sáng đến tối, giúp cho việc hàng ngày của bạn trở nên thuận lợi và nhanh hơn rất nhiều. Đấy là mục tiêu số 1.
Tất cả mô hình kinh doanh của Grab tổng đã rất gần với mục tiêu phát triển bền vững
Mục tiêu thứ 2, chúng tôi chỉ mới phục vụ được những thành phố chính. Còn rất nhiều tỉnh thành mà nhu cầu của người dân đã bắt dầu có, cơ sở hạ tầng, tức mức độ thâm nhập của smartphone, Internet, 3G... có rồi, nhưng dịch vụ của Grab chưa phủ tới. Bước thứ 2, Grab sẽ tăng cường sự hiện diện để lan tỏa đến đông đảo tỉnh thành hơn, và nhắm tới cả nước.
Mục tiêu thứ 3, cũng là mục tiêu tôi rất đam mê, là chiến dịch "Grab vì cộng đồng". Năm nay chúng tôi sẽ công bố lộ trình thực hiện sứ mệnh này một cách cụ thể và rõ ràng hơn, để không phải chỉ một mình Grab mà thu hút được sự hỗ trợ từ người dùng, đối tác, Chính phủ, để thực hiện sứ mệnh này một cách hiệu quả hơn nữa.
Đồng thời, mục tiêu rất lớn tiếp theo là hợp tác với Moca để đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, và hy vọng sẽ giới thiệu được các dịch vụ tài chính toàn diện hơn nữa đến với người dân.
* Khi nãy chị có đề cập đến việc xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững. Yếu tố bền vững này có bao hàm bền vững về tài chính? Không biết có mảng nào của Grab đã có lãi, ví như mảng gọi xe chẳng hạn?
Chuyện bền vững ở đây cũng bao gồm cả bền vững về tài chính. Tôi không chia sẻ được các thông tin tài chính cụ thể, chỉ có thể nói là tất cả mô hình kinh doanh của Grab tổng đã rất gần với mục tiêu phát triển bền vững.
* Xin cảm ơn chị!
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : GĐ điều hành, Grab Việt Nam, Grab