Golden Gate đóng cửa một nhà hàng Nhật thời buổi nhà nhà "Year End Party" và 4 cái sai khi lựa chọn địa điểm trong ngành F&B

Cận Tết là thời điểm các nhà hàng chật kín khách với những bữa tất niên bất tận, nhưng đây cũng là thời điểm Golden Gate quyết định đóng cửa một nhà hàng Nhật mang thương hiệu Daruma. Daruma Trung Hòa Nhân Chính có diện tích khá rộng rãi, nhưng nằm lọt thỏm khuất trong tòa nhà 34T Hoàng Đạo Thúy, bên ngoài mặt đường là 2 nhà hàng King BBQ và ThaiExpress của Redsun-ITI.

Trong những post quảng bá, khuyến mãi chương trình tiệc Giáng Sinh và Year End Party, Daruma Trung Hòa Nhân Chính đã biến mất khỏi danh sách nhà hàng gợi ý trên Fanpage cũng như trên website chính thức của Daruma – thương hiệu nhà hàng concept Nhật Bản của CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate).

Daruma Trung Hòa Nhân Chính khai trương năm 2015, là một trong những cửa hàng đời đầu của Daruma, bên cạnh điểm bán Giảng Võ và Indochina Plaza. Một chuyên gia F&B cho biết, ở thời kỳ đỉnh cao, cửa hàng này bên cạnh việc là "nhà hàng chuẩn" để các Daruma khác đưa người về đào tạo, còn là điểm bán được "chăm chút" hơn hẳn với những ưu đãi riêng với các món xiên nướng, tặng bánh xèo Nhật, dessert..., nhưng dần các ưu thế ấy không còn.

Trong nghề kinh doanh nhà hàng, ai cũng biết câu Địa điểm, Địa điểm và Địa điểm. Ai cũng biết, nhưng ai cũng quên

Phân tích lý do đóng cửa Daruma Trung Hòa Nhân Chính, chuyên gia này cho biết lý do cốt tử là Địa điểm (Location).

"Trong nghề kinh doanh nhà hàng, ai cũng biết câu Địa điểm, Địa điểm và Địa điểm. Ai cũng biết, nhưng ai cũng quên, tôi cũng quên".

"Nhiều khi nó rẻ quá, mình ham mà quên. Hoặc mặt bằng đó diện mạo bên trong đẹp quá, đôi khi mình cũng quên. Hoặc nhắm một mắt, bởi mê nhà đó quá nên làm mà quên vị trí quan trọng như thế nào...", doanh nhân Lý Quý Trung – nhà sáng lập Phở 24 chia sẻ về bài học xương máu khi chọn sai địa điểm mở nhà hàng trên kênh Youtube cá nhân.

Daruma Trung Hòa Nhân Chính đặt trên mặt bằng phải nói là "xấu" bậc nhất trên đường Hoàng Đạo Thúy. Thời buổi chiếm vị trí độc tôn, những thiếu sót về địa điểm có thể "du di", nhưng khi cạnh tranh trong ngành F&B ngày càng khốc liệt, thì yếu điểm này ngày càng lộ rõ.

Dưới đây là 4 cái sai khi chọn địa điểm của Daruma Trung Hòa Nhân Chính:

1- Không dễ NHÌN

Daruma (nơi khoanh đỏ) nhìn từ đường Hoàng Đạo Thúy.

Nhà sáng lập Phở 24 cho biết: Một vị trí tốt, một mặt bằng tốt phải dễ nhìn, dễ tìm.

Đối chiếu với case của Daruma, một chuyên gia khác trong ngành F&B phân tích: Vị trí thụt lùi vào bên trong của cơ sở Trung Hòa Nhân Chính khiến cơ sở này "thiệt thòi" rất nhiều trong khi 2 đối thủ khác là King BBQ và ThaiExpress của Redsun-ITI nhìn bề ngoài lại rất bắt mắt.

Hoàng Đạo Thúy là con đường ngắn bậc nhất Hà thành, nhưng đoạn đường kéo dài vài trăm mét ấy hội tụ cực nhiều các brand F&B lớn. Đi ngang qua đường chính dễ dàng nhìn thấy McDonald's, My Way, Cuon n Roll, Tokyo Deli, Cowboy Jack’s và Ashima (2 thương hiệu nhà hàng khác của Golden Gate), nhưng bạn căng mắt ra cũng rất khó tìm Daruma.

Vị trí của Daruma nằm thụt lùi sâu bên trong cung đường chính, khá thiệt thòi so với các đối thủ cùng phân khúc.

Vị trí nằm khuất sâu bên trong vốn đã rất thiệt thòi, biển hiệu của Daruma lại khá nhỏ và chìm so với King BBQ và ThaiExpress, cộng thêm mặt tiền cửa hàng, cánh cửa nhỏ đi vào không hướng ra mặt đường mà hướng bên hông.

Khách ngồi bên trong có lẽ rất thoải mái khi tầm nhìn ra khoảng sân rộng cả nghìn m2, nhưng cũng chính khoảng sân ấy cứ đến dịp Trung thu, lễ Tết, một loạt gian hàng tạm thời được căng lên, che lấp hoàn toàn những kẽ hở không gian có thể nhìn vào được Daruma từ bên ngoài đường chính Hoàng Đạo Thúy.

Từ phía Daruma nhìn ra, tầm nhìn bị che bởi những gian hàng dựng lên những ngày cận Tết.

2- Không dễ TÌM

Lần đầu tôi đến Daruma là theo lời hẹn ăn trưa từ đối tác, phải vòng đi vòng lại đôi lần và điện thoại liên tục, được báo là lấy cửa hàng ThaiExpress làm mốc để rẽ vào và loay hoay một hồi mới tìm được địa điểm.

Vài lần sau ra ăn, quả thực vẫn phải lấy mốc cửa hàng khác để tìm, và vẫn loay hoay như cũ. Lối vào cách xa đường chính và bên ngoài cửa hàng không có điểm gì nổi bật để nhớ tới.

Từ vị trí của King BBQ và ThaiExpress rẽ vào một đoạn, vẫn rất khó tìm lối vào Daruma (hình chữ nhật khoanh đỏ trong ảnh).

3- Đối tượng khách hướng tới là ai?

Cũng bởi không dễ nhìn cũng chẳng dễ tìm, Daruma Trung Hòa Nhân Chính đã mất một lượng lớn khách vãng lai. Lượng khách chủ yếu của quán phụ thuộc nhiều vào khách trong tòa nhà.

Khách văn phòng vốn chỉ hay ăn trưa, đã ăn trưa thì một lựa chọn phổ biến nhất là ăn set, trong khi thế mạnh của Daruma lại là món lẩu.

Khi chủ yếu chỉ phục vụ được khách vào bữa trưa, Daruma vướng lỗi khi mô hình trở thành one-meal concept (mô hình F&B chỉ phục vụ một bữa). Theo doanh nhân Lý Quý Trung, mô hình one-meal concept là mô hình chỉ phục vụ một bữa ăn, mà nếu chỉ phục vụ Breakfast (ăn sáng), hoặc Lunch (ăn trưa), hoặc chỉ Dinner (ăn tối) là "tiêu".

"Phải 2-meal concept mới "ngon ăn". Tức đông buổi trưa và tối, hoặc ít nhất sáng và trưa. Hay nữa là sáng - trưa - chiều - tối cũng có khách vô nhà hàng mới là lý tưởng", nhà sáng lập Phở 24 phân tích.

4- "Hàng xóm" của mình là ai?

Chỉ dài vài trăm mét, nhưng Hoàng Đạo Thúy hội tụ cực nhiều các brand F&B lớn.

Thuở sơ khai, Daruma chiếm vị trí độc tôn về món Nhật trên đường Hoàng Đạo Thúy. Nhưng dần theo thời gian, một loạt thương hiệu F&B khác xuất hiện. Cùng phân khúc món Nhật thì có Tokyo Deli, mặc dù cũng nằm thụt lùi, nhưng rất dễ nhìn từ đường lớn. Cùng phân khúc lẩu thì Daruma bị cạnh tranh bởi chính "người anh em" Ashima.

Trong khi đó, một "đối thủ" đáng gờm khác là Manwah xuất hiện tại tòa nhà Centerpoint Lê Văn Lương, giáp ngay ngã tư Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thúy. Còn nếu tính về sản phẩm thay thế, không có món Nhật, khách hàng vẫn còn một loạt lựa chọn khác trên cung đường này từ món Việt, món Thái, món nướng, món cuốn...

Xét về món lẩu, Daruma cũng không có nhiều lợi thế về giá khi khá "lửng lơ", bớt đi một chút khách có thể ghé Kichi-Kichi, cao một chút có thể chuyển sang Manwah.

Theo website chính thức, Golden Gate hiện sở hữu 17 thương hiệu F&B trong các phân khúc lẩu (Ashima, Kichi-Kichi, Hutong, Manwah, Ba con cừu); BBQ (Sumo, GoGi...), món Nhật (Daruma, iSushi, Osaka Ohsho), Bia (Vuvuzela), món phương Tây (Cowboy Jack’s, Chili’s), concept khác như 37 Street (món Việt) và iCook (mô hình thực phẩm sơ chế).

Tính đến nay, Daruma đã 3 lần đóng cửa hàng. Ngoài Daruma Trung Hòa Nhân Chính, các cửa hàng đóng trước đó gồm cơ sở Daruma Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Daruma Duy Tân. Tính cả cửa hàng mới mở ở Dịch Vọng Hậu, hiện thương hiệu này còn 5 cửa hàng tại Hà Nội.

Hiện cả 5 cửa hàng Daruma co cụm một góc, tập trung tại các trung tâm thương mại và khu văn phòng.

Bảo Bảo

Theo Trí Thức Trẻ

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : Golden Gate, nhà hàng Nhật