Doanh nhân tuổi Canh Tý Dương Công Minh: Buôn xoài lỗ vốn phải bán nhà trả nợ, làm thủ tục bị "chặt chém" liền tự mở công ty BĐS
Ông Dương Công Minh là người sáng lập nên Tập đoàn bất động sản Him Lam. Từ một công ty kinh doanh địa ốc đến nay Him Lam đã trở thành một công ty lớn với 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, khu vui chơi giải trí, sân golf.
"Tôi vào Sacombank nhưng thương hiệu Sacombank vẫn là Thành Sacombank, còn tôi chỉ là Minh Him Lam", Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank Dương Công Minh chia sẻ tại buổi lễ sinh nhật tuổi thứ 28 của ngân hàng này sau 3 năm giữ vai trò vừa là cổ đông lớn nhất, vừa là Chủ tịch. Trong giới kinh doanh, tên tuổi vị doanh nhân này gắn liền với thăng trầm của Tập đoàn Him Lam và Ngân hàng Liên Việt.
Không được làm quan, quyết chí làm giàu
Ông Minh sinh năm 1960 tại Bắc Ninh trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1984 Dương Công Minh tốt nghiệp ngành vật giá, Đại học Kinh tế kế hoạch nay là Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi tốt nghiệp và hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Minh trở thành sỹ quan làm việc tại công ty xuất nhập khẩu thuộc Bộ Quốc phòng tại miền Nam. Sau này nhớ lại ông Minh tự đánh giá mình có điều kiện thuận lợi để "làm quan".
Tuy nhiên thời điểm này ông Minh gặp nhiều yếu tố "chính trị" không thuận lợi cho quan lộ. Thời gian làm việc tại công ty xuất nhập khẩu đem lại cho ông kinh nghiệm về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Pháp, Anh, Nhật. Hết nghĩa vụ quân sự, nhận thấy đường làm quan của mình không có cửa sáng, ông Minh về Bắc Ninh tìm đường làm giàu.
Trong một dịp đến Lạng Sơn, ông Dương Công Minh nhận ra nhu cầu nhập chuối Việt Nam từ Trung Quốc khá lớn nên quyết định góp vốn cùng bạn để buôn bán. Những năm 1980, xoài rất hiếm nhưng Trung Quốc lại có nhu cầu lớn. Ông Minh và bạn mỗi năm chuyển hướng sang xuất 2-3 xe xoài mỗi năm. Dần dần làm ăn lớn, với 10 xe xoài xuất khẩu năm 1989 dem lại cho ông Minh và bạn lãi khoảng 2 tỷ đồng.
Với tham vọng lớn hơn, bạn ông Minh quyết định vay mượn để xuất 110 xe xoài. Tuy nhiên 10 xe đầu chất lượng xoài ổn nhưng 100 xe còn lại toàn bộ là xoài non, nhanh hỏng. Từ vụ làm ăn này ông Minh lỗ sạch vốn và phải bán ngôi nhà 1.000m2 trên đường Cộng Hòa để trả nợ cho bạn. Sự kiện này khiến mọi người gán cho ông cái tên Minh "xoài".
Bị "chém" đẹp khi bán nhà, tự mở công ty bất động sản
Để bán ngôi nhà 1.000m2 nhằm trả nợ, ông Dương Công Minh có cơ hội tiếp xúc với môi giới nhà đất để làm thủ tục. Tuy nhiên những năm 1989, môi giới thường đòi giá rất cao khi giúp ai đó bán nhà, thường lên tới 1/7 giá bán nhà cho phí lo thủ tục.
"Nhà tôi nếu bán là 350 triệu đồng nhưng hợp thức hóa giấy tờ mất 50 triệu đồng. 50 triệu nhiều quá, tôi tự đi làm, tổng cộng hết 3 triệu đồng. Hệ thống quản lý xã hội khi đó rất không ổn. Những cái dịch vụ công đáng lẽ nhà nước phải làm thì lại chuyển thành dịch vụ công, mà chuyển thành dịch vụ công thì bị còn chặt chém", ông Minh nhớ lại.
Từ đây vị doanh nhân quyết định tự mày mò đi làm thủ tục nhà đất cho chính mình và công ty hợp thức hóa nhà đất với giá 20 triệu đồng (giảm 60%) năm 1991. Lợi nhuận 300% sau khi chi các loại chi phí. Him Lam trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên làm về nhà đất được mở tại Tp.HCM.
Quyết định khởi nghiệp lần 2 của ông Minh khá liều lĩnh khi vay nóng, vay lãi suất cao để khởi sự kinh doanh, đồng thời phải thuê thêm nhân sự kiến trúc sư, kỹ thuật. Ông Minh cho rằng lúc này mình không còn gì để mất cả. Cùng lắm là về âm, nhưng âm về tài sản, còn dương về kiến thức, trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh. Cái lớn nhất là bản lĩnh.
Thành lập từ năm 1994, từ một công ty kinh doanh địa ốc đến nay Him Lam đã trở thành một công ty lớn với 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, khu vui chơi giáo trí, sân golf tiêu chuẩn quốc tế… tại Tp.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác.
Từ lĩnh vực chính là phát triển nhà ở và khu đô thị, Him Lam nay đã vươn sang nhiều lĩnh vực khác như Du lịch – nghỉ dưỡng, Đầu tư tài chính – Ngân hàng, Phát triển nguồn nhân lực và Nông Lâm thủy sản.
Trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hệ thống Him Lam hiện sở hữu 2 sân golf có vị trí đắc địa ngay gần trung tâm của 2 đầu tàu kinh tế là Sân golf Long Biên và sân golf Tân Sơn Nhất do CTCP Đầu tư Long Biên trực tiếp triển khai. Cách đây vài năm, Him Lam cũng khởi công 2 dự án khu du lịch – nghỉ dưỡng cao cấp có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, quy mô 50ha tại đảo Hòn Dấu tại quận Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng.
Đến nay, Him Lam đã làm tới 75 dự án BĐS và đa số đã hoàn thành, tất cả đều được đánh giá cao về chất lượng. Công ty này đang mở rộng thêm các sản phẩm ở Hà Nội, tập trung tại Long Biên, sẽ ra mắt từ năm 2021 và duy trì lượng hàng trong vòng 10 năm.
Song song với việc đầu tư vào bất động sản, đầu tư tài chính và ngân hàng, tập đoàn này còn là chủ đầu tư và đang điều hành hoạt động các trường mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh: Hoàng Mai I, Hoàng Mai II, Hoàng Mai III..., trong đó Trường Hoàng Mai I là trường đạt chuẩn quốc gia.
Ngoài bất động sản, ông Minh còn ghi dấu ấn trong lĩnh vực tài chính với Ngân hàng Liên Việt. Tại ngân hàng này, Him Lam là cổ đông sáng lập đồng thời là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%. Cá nhân ông Dương Công Minh không nắm giữ cổ phần của ngân hàng nhưng vợ ông Minh, bà Lê Thị Vân Thảo cùng em gái Dương Thị Liêm sở hữu gần 5% cổ phần.
Tuy nhiên để tránh sở hữu chéo, trước khi có tên trong Hội đồng quản trị Sacombank, Him Lam của ông Dương Công Minh đã phải công khai chính thức thoái vốn khỏi Liên Việt và ngày thực hiện vụ này là 23/6/2017, chỉ cách đúng 1 tuần so với thời điểm ông nhận chiếc ghế nóng nhất ở Sacombank.
Năm 2018, trong sự kiện ra mắt nền tảng giao dịch bất động sản Homehub.vn, ông Minh cho rằng trong khởi nghiệp yếu tố may mắn chỉ chiếm 30%, và không phải may mắn tự đến mà chính chúng ta phải tạo ra.
"Tôi vẫn hay nói với nhân viên câu "há miệng chờ sung", nhưng há miệng dưới gốc cây sung mới có cơ hội. Muốn há miệng chờ sung thì phải mò ra gốc cây sung. Đi ngoài đường quả sung nó rơi cũng không vào mình đâu", ông từng trả lời phỏng vấn Zing.
Ngoài may mắn, điều kiện cần là kiến thức, Ông Dương Công Minh cho rằng điều kiện đủ là "gan to". Theo ông khi người trẻ đã nhìn thấy cơ hội thì phải máu lửa. Nhìn cách ông Minh khởi nghiệp Him Lam ở thời điểm phải bán nhà trả nợ chúng ta sẽ hiểu hơn về lời khuyên này.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : tuổi Canh Tý, Dương Công Minh, Buôn xoài, công ty BĐS