TS. Cấn Văn Lực: Thị trường tài chính có quy mô gấp 3 lần nền kinh tế Việt Nam, cảnh báo 6 rủi ro cần phòng vệ
Thách thức đầu tiên của ngành tài chính là thể chế dành cho ngành fintech đang ra quá chậm so với sự phát triển của thị trường, thứ hai là việc buộc phải đạt chuẩn Basel II sẽ tạo áp lực lớn lên ngành ngân hàng, thứ ba là không có đầu mối quản lý rủi ro chung cho cả 3 mảng ngân hàng – bảo hiểm – chứng khoán….
6 thách thức của thị trường tài chính trong năm 2020
"Bất kể nền kinh tế nào luôn có 3 thị trường chính là thị trường lao động, thị trường hàng hóa, và thị trường tài chính. Riêng thị trường tài chính, tại Việt Nam, thị trường này đã chiếm tới 323% GDP năm 2019. Do quy mô đã gấp 3 lần quy mô nền kinh tế, nên nếu có bất kỳ trục trặc nào ở thị trường tài chính thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn", TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói, cho biết.
Năm 2019, thị trường tài chính phát triển tích cực hơn và lành mạnh hơn, đóng góp quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn hơn, giảm bớt phát hành trái phiếu lãng phí, lượng cung tiền ra nền kinh tế tốt, đảm bảo mức lạm phát 2,73%.
Khả năng chống chịu của nền kinh tế tốt hơn, với dự trữ ngoại hối lên tới gần 80 tỷ USD, tương đương với 3,7 tháng nhập khẩu. Tuy đây chưa phải là một mức cao, nhưng là kỷ lục từ trước tới nay. Trong những năm tới chúng ta sẽ phấn đấu dự trữ ngoại hối tương đương với 6 đến 8 tháng nhập khẩu.
"Những thành tựu trên đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam tiến nhanh trên bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu vừa được WEF công bố, từ 77 lên 67 trong số 141 nền kinh tế", ông Lực kết luận.
Bên cạnh đó, thể chế trong năm qua cũng có nhiều cải thiện, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm được thông qua, Ngân hàng Nhà nước có nhiều chính sách quan trọng liên quan đến lãi suất, thanh khoản, tín dụng. Nền kinh tế số, ngân hàng số, fintech đang được hình thành dù còn một số bất cập.
Về mảng chứng khoán: trong năm qua, huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá tốt, với 250 nghìn tỷ, tăng 7% so với 2018. Dù vậy, ông Lực cho rằng, chúng ta cần phải tạo điều kiện hơn nữa để tạo cân bằng cho thị trường tài chính do hiện nay nguồn vốn vẫn đang dựa quá nhiều vào ngân hàng. Trên thị trường cổ phiếu, năm qua huy động 314 nghìn tỷ, tăng 13% so với năm trước.
Năm 2019, cổ phiếu nhóm công nghệ và viễn thông có diễn biến tốt nhất trên sàn chứng khoán khi tăng tới 36,7%, lĩnh cực ngân hàng bảo hiểm tăng 20%, riêng nhóm công ty chứng khoán thì không thuận lợi lắm khi giảm 16,3%.
Về mảng tín dụng: tín dụng tăng 13,7%, đây là mức tăng trưởng tương đối tích cực, và đang được điều chỉnh giảm dần. Hiện tín dụng vẫn chiếm 135% GDP, mức tương đối cao so với quy mô nền kinh tế cũng như mức độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chất lượng các khoản vay đang tốt lên. Kết thúc năm 2019, nợ xấu nội bảng giảm về 1,89%, gộp cả nợ xấu tiềm ẩn và nợ ở VAMC nữa là khoảng 4,6%. Theo đó, kế hoạch đưa nợ xấu về dưới 3% vào năm 2020 là tương đối khả thi.
Về fintech: ngân hàng số và fintech đang phát triển mạnh mẽ. Hiện có tới 94% ngân hàng đã hình thành chiến lược phát triển ngân hàng số, thanh toán qua mobile banking tăng mạnh.
Về vốn cho nền kinh tế: năm vừa rồi, tăng trưởng dòng vốn đạt 12% thì không thể nói là thiếu vốn, tuy nhiên vẫn còn tình trạng nơi thừa – nơi thiếu, có nhiều doanh nghiệp chưa thể hấp thu.
Về thách thức trong năm 2020: ông Cấn Văn Lực cho rằng, năm tới Việt Nam sẽ có 6 thách thức chính như sau.
Thứ nhất, thể chế cho kinh tế số, ngân hàng số quá chậm, cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như của mỗi doanh nghiệp còn phân tán.
Thứ hai, rủi ro bên ngoài ngày càng phức tạp, năm tới sẽ ảnh hưởng tới giá dầu, giá vàng, tỷ giá…
Thứ ba là vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng, áp lực trả nợ công.
Thứ tư, là vấn đề an ninh mạng. Năm 2019, số vụ tấn công mạng đã tăng 104%, trong khi đó, song chỉ có 25% doanh nghiệp nói có khả năng nhận biết rủi ro an ninh mạng.
Thứ năm, rủi ro tài chính đang đan xen, nhưng chưa có đầu mối chung cho tất cả các mảng như ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm để phòng ngừa cũng như quản lý, đây là rủi ro hệ thống.
Cuối cùng, chúng ta sẽ quản lý nền kinh tế tài chính như nào trong bối cảnh đã có tới 58 ngân hàng đang nghiên cứu thành lập đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình?!
Bất động sản tiếp tục công cuộc sàng lọc trong năm 2020
Ở khía cạnh khác, thị trường bất động sản TP.HCM mà cả TP Hà Nội đều gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Nguồn cung năm 2019 tại TP. HCM giảm 52% trong khi thị trường Hà Nội cũng giảm 26%, do đó giá bất động sản đã bị đẩy tăng lên trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lặng hơn năm trước.
Cụ thể, giá bất động sản ở TP.HCM đã tăng 12%, giá ở Hà Nội tăng 6% trong năm qua, tùy từng phân khúc, địa bàn. Dù vậy, ở một số tỉnh khác như Quảng Ninh, Bình Thuận trong năm qua, bất động sản lại tăng trưởng rất tốt, nhà đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh này.
"Theo đó, tôi cho rằng thị trường bất động sản vẫn đang trong quá trình cơ bản sàn lọc chứ không đến mức độ bi quan. Một trong những nguyên nhân chính là do thể chế, chính sách không theo kịp sự phát triển của bất động sản, như vấn đề condotel chẳng hạn. Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ phải có chính sách pháp lý phù hợp cho phân khúc này. Thứ hai liên quan đến rà soát, thanh tra kiểm tra", ông Lực nói.
Thực ra, trong năm qua, doanh nghiệp bất động trên sàn làm ăn khá tốt, giá cổ phiếu tăng trung bình khoảng 13% so với năm trước.
Liên quan đến tài chính bất động sản: tín dụng cho bất động sản tăng bình quân 14,5% trong năm qua. Về việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22, ông Lực khẳng định thông tư này sẽ có ảnh hưởng tích cực hơn đối với thị trường bất động sản, vay mua nhà, sửa chữa nhà vẫn chỉ chịu hệ số rủi ro 50%, còn kinh doanh bất động sản thì hệ số rủi ro vẫn ở mức 200%.
Bên cạnh đó, luật mới cho phép quỹ đầu tư bất động sản hoạt động, điều này sẽ giúp thu hút nhiều hơn vốn vào ngành này.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : TS. Cấn Văn Lực, Thị trường tài chính, nền kinh tế Việt Nam