2020: Bùng nổ cổ phiếu ngân hàng lên sàn

(NTD) - Nhằm tạo hàng hóa cơ sở cho thị trường chứng khoán, nhiều ngân hàng sẽ đưa cổ phiếu lên sàn ngay trong năm 2020 giúp nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn và hoạt động của các tổ chức tín dụng này cũng được công khai, minh bạch hơn.

12 ngân hàng phải lên sàn

Nhằm đa dạng cơ cở hàng hóa trên thị trường chứng khoán, đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” nêu rõ: Thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.

Ngoại trừ DongABank nằm trong diện kiểm soát đặc biệt, cổ phiếu bị cấm chuyển nhượng thì theo đề án trên, 12 ngân hàng phải đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Đó là, ABBank, BaoVietBank, MSB, Nam A Bank, OCB, PGBank, PVcomBank, Saigonbank, SeABank, SCB, VietABank và Viet Capital Bank. Đây đều là những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Trong nhóm này, MSB và Viet Capital Bank là 2 ngân hàng tiên phong đưa cổ phiếu lên sàn. MSB đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Viet Capital Bank đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp mã chứng khoán BVB và chuẩn bị đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM.

Nam A Bank, OCB đã được đại hội đồng cổ đông thông qua việc đưa cổ phiếu lên sàn HOSE từ nhiều năm trước nhưng đến hết năm 2019 vẫn chưa thực hiện được do thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi. Đại diện OCB cho biết, việc niêm yết cần chọn thời điểm thích hợp để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các cổ đông.

Các ngân hàng còn lại sẽ phải trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 về việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán và bảo đảm đúng tiến độ theo quy định của đề án.

Các ngân hàng chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán chiếm 1/3 số ngân hàng thương mại cổ phần nhưng quy mô tương đối nhỏ. Tổng vốn điều lệ gần 77.000 tỷ đồng với 6 ngân hàng có vốn xoay quanh 3.000 tỷ đồng. Tổng tài sản hơn 1,5 triệu tỷ đồng, huy động vốn đạt 1,05 triệu tỷ đồng, cho vay 0,87 triệu tỷ đồng.

Trong đó, SCB là ngân hàng nổi trội nhất, thậm chí ngân hàng này có quy mô tổng tài sản, huy động vốn, cho vay khách hàng lớn nhất trong khối ngân hàng TMCP tư nhân và xếp trên các tên tuổi: Sacombank, ACB, MB, Techcombank, VPBank...

Tiến trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Agribank có thể được thực hiện trong năm 2020 sẽ tạo nguồn cung rất lớn cho thị trường khi ngân hàng này có vốn điều lệ hơn 30.000 tỷ đồng.

Ẩn số

Trong năm 2019, một số cổ phiếu ngân hàng tạo được con sóng lớn. Nổi bật nhất là VCB của Vietcombank khi tăng đến 72% giúp vốn hóa tăng thêm 6,1 tỷ USD (tương đương 141.579 tỷ đồng) lên 14,55 tỷ USD, trở thành doanh nghiệp có vốn hóa xếp thứ nhì trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ sau Vingroup.

Cổ phiếu VCB đã góp một phần đến sự tăng điểm của thị trường chứng khoán trong năm 2019. Cổ phiếu của những ngân hàng như: BIDV, KienLongBank, Eximbank, VIB, MB cũng tạo được dấu ấn tốt khi tăng 18-39%. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều ngân hàng có cổ phiếu bị giảm điểm trong năm 2019 như: VietBank, LienVietPostBank, Sacombank, SHB, HDBank, Techcombank, NCB.

Ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng phân tích - Khách hàng tổ chức Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank KimEng nhận định: Biến động giá cổ phiếu ngành ngân hàng không phản ánh hết sức mạnh khả năng sinh lời của ngân hàng.

Cổ phiếu ngân hàng là cổ phiếu rất phức tạp. Nếu chỉ nhìn vào sự tăng trưởng lợi nhuận sẽ không đánh giá đúng, nhà đầu tư cần nhìn vào chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn), ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) và những chỉ số sức mạnh cạnh tranh khác. Các nhà đầu tư cá nhân và ngắn hạn không nhìn vào những chỉ số trên mà họ tìm kiếm các ngân hàng có tin gì không, ai mua, ai bán, lợi nhuận tăng trưởng có tốt không để lướt sóng. Nên những cổ phiếu bị đầy room, nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia hỗ trợ mặc dù cổ phiếu giảm về mức hấp dẫn. Cổ phiếu của ngân hàng còn room có xu hướng tăng giá tốt hơn những ngân hàng hết room.

Tuy nhiên, còn room nhưng hoạt động ngân hàng không mạnh thì giá cổ phiếu không thể tăng nhiều được. Vietcombank vừa còn room, vừa có lợi nhuận tốt nhất ngành ngân hàng nên cổ phiếu đã tăng rất cao. Lợi nhuận của BIDV không tốt nhưng room còn nên giá cổ phiếu cũng tăng khá. Mặc dù có tỷ số ROE, ROA rất tốt nhưng VPBank, Techcombank đã hết room, cổ phiếu không thể tăng giá. Ngoài ra, Techcombank, VPBank có tỷ trọng lớn trong VN30 nên thường bị điều tiết VN30 trong các hợp đồng phái sinh. Một số ngân hàng còn room nhưng hoạt động không tốt nên cổ phiếu không tăng giá được.

Đánh giá về các ngân hàng chưa đưa cổ phiếu lên sàn, ông Quản Trọng Thành nhận định: Những ngân hàng tốt nhất, mạnh nhất Việt Nam đều đã niêm yết. Những ngân hàng chưa đưa cổ phiếu lên sàn là những ngân hàng nhỏ và cũng không có nhiều lợi thế cạnh tranh. Nhà đầu tư nước ngoại chỉ chọn những cổ phiếu tốt nhất chứ không thể đầu tư vào tất cả các ngân hàng.

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành giúp các ngân hàng có điều kiện giảm được chi phí huy động vốn cũng như giảm lãi suất cho vay nhưng bảo đảm không ảnh hưởng quá nhiều đến lợi nhuận của ngành nhằm bảo đảm quá trình tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Những quy định về an toàn vốn, trích lập dự phòng, cho vay tiêu dùng hay giảm lãi suất huy động đang được thực hiện rất nhịp nhàng và có lộ trình hợp lý để các ngân hàng không bị ảnh hưởng quá nhiều về tăng trưởng, khả năng sinh lời trong tương lai. Như vậy, cổ phiếu của những ngân hàng có hoạt động tốt, room còn sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới còn ngược lại khả năng tăng giá rất mong manh.

Nguyễn Như

 

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : Bùng nổ cổ phiếu, ngân hàng lên sàn