Duyên nợ mãng cầu
(thegioitiepthi.vn) - Trên mâm cúng giao thừa ngày Tết, trái mãng cầu được xem như một quả ngon không thể thiếu. Song ít người biết rằng Bà Đen - Tây Ninh chính là nơi làm vang danh và đưa quả mãng cầu đi xa. ]]>
Không phải lúc nào cũng “cầu được, ước thấy”, trái mãng cầu Bà Đen phải qua nhiều truân chuyên mới có thể “đổi phận” như bây giờ.
Những trăn trở…
Thổ nhưỡng và khí hậu quanh chân núi Bà Đen đã ưu đãi cho Tây Ninh phát triển trái mãng cầu với hương vị rất đặc biệt mà không phải vùng đất nào cũng trồng được loại cây trái này. Thế nhưng có một thực tế nghịch lí, dù được coi là loại trái cây đặc sản của địa phương nhưng số phận trái mãng cầu cũng như những người nông dân trồng ra nó rất bấp bênh. Kinh doanh lâu năm trong ngành vận tải, anh Ngô Trần Ngọc Quốc, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nhiều lần chứng kiến “cảnh bi đát” của trái mãng cầu Bà Đen: “Có cái Tết, chủ vườn thuê chúng tôi mấy chục chuyến xe tải chở xuống Sài Gòn, rồi ra Hà Nội nhưng không bán được, cuối cùng phải chở về đổ đống, bán tháo, thậm chí phải bỏ hết vì chín rục”.
Mãng cầu cho vị ngọt thanh, dai, thơm. Ảnh: Hồng Thắm
Mãng cầu là loại cây trái khó tính, trồng nó phải đầu tư vốn và tốn công chăm sóc rất nhiều nhưng nhà vườn lại không quyết định được giá bán nên liên tục gặp cảnh được mùa, mất giá, mất sạch vốn liếng còn phải nợ ngân hàng.
Thêm vào đó, do canh tác manh mún nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống nên không phòng được dịch bệnh, dẫn tới việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đó là chưa kể, một số ít nông dân thấy cái lợi trước mắt đã sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng để tạo dáng, tạo màu cho trái, rất đẹp về hình thức nhưng bên trong ruột thường bị thối, bị chảy nước khiến người mua ngán ngại.
“Có những thời điểm người dân Tây Ninh chỉ dùng trái mãng cầu để cúng mà không dám ăn, cũng không dám làm quà biếu cho người thân, bạn bè. Điều đó thật chua xót, khiến chúng tôi trăn trở rất nhiều”.
Cũng theo anh Quốc, nếu không thay đổi cách canh tác và giữ uy tín, mãng cầu Bà Đen rất có thể biến mất ở Tây Ninh vì người ta không dám ăn, còn nhà vườn do thu nhập bấp bênh, phải phá bỏ vườn để trồng loại trái cây khác.
“Với tôi, trái mãng cầu như là 1 duyên nợ. Là người quê Tây Ninh, làm kinh doanh lâu năm nên tôi thấu hiểu nỗi chua xót của bà con nhà vườn một nắng hai sương trồng ra trái mãng cầu nhưng bán không được giá, có khi phải đổ bỏ hàng đống rồi vướng nợ nần ngân hàng”
Anh Ngô Trần Ngọc Quốc Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Natani
Gian nan tìm lại vị thế cho mãng cầu Tây Ninh
Mãng cầu Bà Đen nhờ có thổ nhưỡng đặc biệt nên trái xum xuê, thơm mát và ngọt dịu. Ảnh: Natani
Tại sao nhiều người dám bỏ ra hàng triệu đồng để ăn trái cây ngoại mà người ta lại không thể mua những trái mãng cầu Bà Đen nổi tiếng thơm ngon? Đó là câu hỏi đầy trăn trở với anh Ngô Trần Ngọc Quốc với trái mãng cầu Bà Đen. Và anh đã xác định mục tiêu: Chẳng có con đường nào khác là phải trồng ra một loại trái cây vừa có mùi vị thơm ngon lại vừa phải sạch như thuở xa xưa.
Chính vì thế, năm 2015, Ngọc Quốc cùng 5 thành viên là những người có tâm huyết và am hiểu về trái mãng cầu Bà Đen, thành lập Công ty Phụng Sơn. Cách làm của Phụng Sơn là mướn đất của nông dân để trồng thử nghiệm, thuê kĩ sư chăm sóc, thực hiện theo qui trình sản xuất nông nghiệp sạch. Kết quả, vườn cây cho trái rất sai nhưng gặp phải nạn ruồi vàng đẻ trứng lúc mãng cầu nở gai. Bao công sức bỏ ra kể như mất trắng vì trái mãng cầu đa phần đều bị dòi đục trái, hư thối hết.
Không nản chí, anh Ngọc Quốc cùng nhóm kĩ sư trẻ khăn gói sang Đài Loan ở lại hàng tháng ròng chỉ để học kinh nghiệm trồng mãng cầu.
“Đài Loan rất chú trọng nông nghiệp công nghệ cao. Kĩ sư ở đó rất năng động, am tường kĩ thuật, nhưng khi tôi có ý định xin một nhánh mãng cầu về nhân giống, họ nhất định không cho”, anh Ngọc Quốc kể.
“Phải đến lần thứ 5, chúng tôi may mắn gặp một nông dân sản xuất giỏi, có mấy chục năm kinh nghiệm trồng mãng cầu tại Đài Loan. Ông vui vẻ truyền lại cho chúng tôi cách thụ phấn nhân tạo trên hoa và đặc biệt là kĩ thuật bao trái chống ruồi vàng đẻ trứng tạo dòi trên trái mãng cầu. Thú thiệt là chúng tôi mừng còn hơn ai cho mình một thúng vàng”, anh Quốc chia sẻ.
Lên bờ, xuống ruộng
Phải bỏ chi phí hàng tỉ đồng qua Đài Loan học kinh nghiệm trồng mãng cầu, Công ty Phụng Sơn lại đối mặt với chuyện nan giải khác, đó là khi tạo ra được trái mãng cầu sạch đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn VietGAP thì lại không bán được vì giá chênh lệch nhiều so với trái mãng cầu ngoài chợ.
Tâm huyết của Natani là làm cho người Tây Ninh tự hào về trái mãng cầu Bà Đen. Ảnh: Natani
Công ty đưa mãng cầu sạch chào hàng tại siêu thị Aeon (TP.HCM) cũng không bán được vì người tiêu dùng chưa biết chất lượng của trái cây sạch được trồng như thế nào. Giá mãng cầu thời điểm đó khoảng 38.000 đồng/kg, trong khi giá mãng cầu ngoài chợ chưa tới 10.000 đồng/kg. Hậu quả là hàng tấn mãng cầu sạch tươi ngon lâu ngày bị hư thối rồi trở thành phân bón lại cho... gốc mãng cầu.
Dù rất đau khi gặp thất bại nhưng anh Ngọc Quốc vẫn tâm huyết: “Hơn 3 tỉ đồng đầu tư bốc hơi nhưng kết quả chưa thấy đâu, anh em cổ đông chán nản rút lui nhưng tôi thì không từ bỏ ước mơ”.
Năm 2016, anh Quốc mua lại cổ phần, xây dựng và đổi tên thành Công ty Cổ phần Natani (Mãng cầu Tây Ninh). Thời điểm này anh Quốc nhận được sự hợp tác của anh Nguyễn Thế Tân.
“Điều kiện kinh tế của tôi cũng khá ổn, nhưng thấy anh Quốc dành nhiều tâm huyết với trái mãng cầu quê hương nên anh em cùng góp sức. Xây dựng Natani, chúng tôi muốn góp phần nâng giá trị để người dân Tây Ninh luôn phải tự hào khi nhắc tới trái mãng cầu Bà Đen thơm ngon”, anh Nguyễn Thế Tân, Giám đốc Công ty Natani chia sẻ.
Có lợi cho nông dân thì làm
Năm 2018, Natani mở rộng liên kết hợp tác với các nhà vườn canh tác theo qui trình nông nghiệp sạch (organic), đồng thời ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật công nghệ cao, hữu cơ vi sinh để tạo ra được trái mãng cầu vừa có hương vị thơm, dai như truyền thống lại vừa đảm bảo sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Ngoài việc giúp nông dân xây dựng hệ thống tưới tự động, các kĩ sư của Natani hướng dẫn bà con nông dân về kĩ thuật bao trái, một trong những yếu tố sống còn với trái mãng cầu.
Vốn là trái cây khó tính “đỏng đảnh như con gái” nên việc chăm sóc mãng cầu khá kì công. Natani đã hợp tác cùng các nhà vườn hướng dẫn kĩ thuật bao trái 2 lớp hoàn toàn chống được ruồi vàng phá hoại, đảm bảo trái mãng cầu được phát triển tốt. Trước đây, người nông dân trồng mãng cầu tốn rất nhiều công cho việc “tách hoa” với trung bình 300 hoa/cây thì nay công ty hướng dẫn nông dân thụ phấn nhân tạo trên hoa và chỉ thụ phấn khoảng 60 hoa/cây nhưng cho hiệu quả cao hơn.
“Hiện tại, Công ty Natani liên kết với nhà vườn khoảng 100 ha và sẽ mở rộng diện tích trong thời gian tới. Kết hợp với công ty, bà con sẽ được bao tiêu đầu ra, giá cả ổn định để yên tâm sản xuất, sau khi trừ hết chi phí sẽ lãi ròng khoảng 200 triệu/ha/2 vụ. Chúng tôi còn hỗ trợ các kĩ sư thường xuyên đến chăm sóc vườn, cải tạo đất bằng qui trình sinh học”, anh Tân - Giám đốc Natani cho biết.
Natani hiện còn đang thử nghiệm dự án trồng cây sả Java (giống Ấn Độ) để lấy tinh dầu sả. Loại sả tím này được trồng xen canh dưới gốc mãng cầu vừa giúp bảo vệ đất, xua đuổi côn trùng gây hại vừa giúp tăng thu nhập cho nông dân từ việc khai thác tinh dầu sả, dùng nguyên liệu trồng nấm và làm phân bón hữu cơ.
Cho mãng cầu “đi Tây” và xây giấc mơ thương hiệu quốc gia
Trong năm 2019, Natani bắt đầu giải được bài toán thị trường. Natani đã bỏ chi phí 500 triệu đồng phối hợp cùng siêu thị Aeon - Nhật tổ chức chương trình “siêu thị khuyến mãi” mời người tiêu dùng ăn thử, đánh giá mãng cầu Bà Đen organic, qua đó giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn chất lượng và sự khác biệt của loại mãng cầu này. Hiện tại, trái mãng cầu Bà Đen đã được tiêu thụ mạnh ở nhiều siêu thị lớn như: Aeon, Big C, VinMart, Co.op Mart, Bách Hóa Xanh và chuỗi cửa hàng trái cây sạch tại TP.HCM. Mức tiêu thụ trung bình 2-3 tấn/ngày.
Nhờ được các kĩ sư của Natani hướng dẫn bà con nông dân về kĩ thuật bao trái, mãng cầu Bà Đen không còn tình trạng bị côn trùng gây hại. Ảnh: Hồng Thắm
Mãng cầu Bà Đen cũng được Natani đóng gói trái cây tươi xuất khẩu qua Bắc Mỹ, Nga, châu Phi theo đường hàng không.
Công ty Natani cũng đang từng bước xây dựng dự án chế biến các sản phẩm liên quan tới trái mãng cầu Bà Đen như nước ép mãng cầu, mức mãng cầu, kem mãng cầu, yaourt mãng cầu…
Anh Ngô Trần Ngọc Quốc cho biết thêm: “Là vùng tiếp giáp đoạn cuối dãy Trường Sơn và đồng bằng châu thổ Nam Bộ nên khí hậu, thổ nhưỡng Tây Ninh rất đặc biệt để phát triển cây mãng cầu mà trên thế giới chỉ có một vài nơi như vậy”.
Ngày 10/8/2011 Cục Sở hữu trí tuệ kí Quyết định số: 1804/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lí số 00027 cho sản phẩm mãng cầu “Bà Đen”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh là tổ chức quản lí chỉ dẫn địa lí “Bà Đen” cho sản phẩm mãng cầu.
“Mãng cầu Bà Đen đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận chỉ dẫn địa lí là lợi thế rất lớn để mãng cầu của Tây Ninh vươn xa. Chúng tôi đang mơ đến một ngày mãng cầu Bà Đen sẽ trở thành thương hiệu quốc gia, được nhiều người trên thế giới biết tới”, anh Ngọc Quốc tâm sự.
Cùng dạo quanh dưới những tán mãng cầu trĩu quả chờ ngày thu hoạch cho vụ Tết Canh Tý, với tay hái trái mãng cầu chín cây bẻ đôi, anh Ngô Trần Ngọc Quốc mời chúng tôi ăn thử. Quả thật, hơn 10 năm rồi tôi mới dám ăn lại trái mãng cầu vì nỗi ám ảnh “trái cây nhúng thuốc”. Mùi trái chín thoang thoảng hòa quyện cùng vị ngọt thanh, thơm mát nơi đầu lưỡi tạo cảm giác thư thái cho chủ lẫn khách giữa không gian xanh mát, bạt ngàn của các vườn mãng cầu trải dài tận chân núi. Tôi cảm nhận cả sự ấm áp của người Tây Ninh gửi gắm trong hương vị thơm ngọt của trái mãng cầu Bà Đen.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : mãng cầu