Nghịch lý ở Việt Nam: Đánh thuế rượu bia thấp trong khi thuế sữa quá cao

BizLIVE - Hầu hết các chuyên gia tại toạ đàm Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và sức khoẻ cộng đồng ủng hộ chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia và thuốc lá.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia rượu, thuốc lá

Tại cuộc toạ đàm diễn ra vào hôm qua (4/4), TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt có vai trò rất quan trọng với ngân sách, đóng góp khoảng 7% tổng thu ngân sách trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt của mặt hàng rượu bia và thuốc lá chiếm tới 60% thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho biết, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia và thuốc lá một mặt giúp tăng thu ngân sách, điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay khi ngân sách Nhà nước đang bội chi và đang trong tình trạng phải vay nợ mới để trả nợ cũ.

Theo TS. Doanh, ở Việt Nam hiện nay lại đang tồn tại sự mất cân đối khi thuế đối với các sản phẩm gây hại đến người tiêu dùng như rượu bia, thuốc lá chưa đủ cao trong khi các sản phẩm thiết yếu và phục vụ cho những đối tượng rất nhạy cảm như là sữa cho người già, trẻ em, người ốm lại bị đánh thuế cao. 
“Việc tăng thuế với rượu bia và thuốc lá là cần thiết để tăng giá thành của các sản phẩm cần được hạn chế tiêu dùng này, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật liên quan. Tôi ủng hộ việc tăng thuế và tăng hơn nữa, Thuỵ Điển đánh thuế bia, rượu rất cao, muốn mua bia rượu phải xuất trình chứng minh thư”, ông Doanh nhấn mạnh.

Nhìn nhận dưới góc độ y tế, sức khoẻ, ông Nguyễn Tuấn Lâm (Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam) cũng cho biết, việc tăng thuế là một biện pháp cùng thắng  cả cho Chính phủ và người dân trong tình cảnh ngân sách thâm hụt nặng nề. “Người dân tránh bệnh tật, nhà nước có nguồn thu bổ sung. Kinh nghiệm từ 2 nước láng giềng Thái Lan và Philippines đã chứng minh điều này là đúng”, ông Lâm nói.

Được biết cùng ngày, các tổ chức phi Chính phủ như Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng (RTCCD), Hội Y tế Công cộng Việt Nam (VPHA), Trung tâm Thông tin tổ chức phi chính phủ (NGO-IC)… cũng đã gửi văn bản đến Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ trong việc điều chỉnh giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia và thuốc lá tại Nghị định 108/2015/NĐ-CP, Thông tư 195/2015/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Thậm chí, còn kiến nghị tiếp tục nghiên cứu sớm tăng thuế thuốc lá, rượu bia để phù hợp với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới và Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới mà Việt Nam cam kết.

Các tổ chức phi Chính phủ cho rằng, các điều chỉnh giá tính thuế tiêu thụ tại Nghị định 108 và Thông tư 195 giúp tăng cường tính minh bạch trong xác định mối quan hệ của doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh, giảm nguy cơ lợi dụng của các doanh nghiệp sản xuất tự thành lập các cơ sở thương mại là công ty con để chuyển giá từ khâu sản xuất sang khâu thương mại nhằm giảm giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, gây thất thu ngân sách nhà nước hàngngàn tỷ đồng trong nhiều năm qua.

Với những thay đổi về giá tính thuế trong Nghị định 108, dự kiến giá bán lẻ của sản phẩm thuốc lá, rượu bia sẽ tăng thêm từ 2%-7%, điều này sẽ trực tiếp làm tăng thu ngân sách và có tác động theo hướng giảm nhu cầu sử dụngthuốc lá và rượu bia hiện nay.

Cũng liên quan đến Nghị định 108 và Thông tư 195, thời gian vừa qua các doanh nghiệp, Hiệp hội thuộc ngành sản xuất bia rượu, thuốc lá đang gửi nhiều đề xuất lùi thời gian áp dụng đến 1/1/2017.

Theo TÂM AN (BizLive.vn)

Từ khóa : Lê Đăng Doanh