Bộ Công Thương: Cùng cả nước khẩn trương, quyết liệt phòng, chống dịch nCoV

Trước diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV), Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp ứng phó.
 

 

Cụ thể, ngày 29/1, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Công văn số 79-CV/TW, trước đó ngày 28/1, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg; và hôm nay (01/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch nCoV… Cùng đó, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó, Bộ Công Thương đã khẩn trương vào cuộc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ: “Chống dịch như chống giặc”

“Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu”

Đây là nội dung xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch nCoV tại Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch nCoV gây ra vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày hôm nay.

bo cong thuong cung ca nuoc khan truong quyet liet phong chong dich ncov
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch

Quyết định số 173/QĐ-TTg của Thủ tướng nêu rõ, thời gian xảy ra dịch là từ ngày 23/01/2020 - thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch, gồm các địa phương: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa (đã có 6 trường hợp mắc bệnh). Nguyên nhân do chủng mới của vi rút Corona gây ra với tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch là Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.

Về các biện pháp phòng, chống dịch, Quyết định số 173/QĐ-TTg của Thủ tướng nêu rõ: Thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm: Thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch; Khai báo, báo cáo dịch; Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; Tổ chức cách ly y tế; Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; Các biện pháp bảo vệ cá nhân; Kiểm soát ra, vào vùng có dịch; Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch; Hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch; và các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch.

Cùng với việc ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30/01/2020; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 và Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01 /2020 và các chỉ đạo của Bộ Y tế, các quy định của pháp luật có liên quan.

Trước đó, ngày 31/1, chủ trì cuộc họp khẩn triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch nCoV của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch nCoV (Ban Chỉ đạo), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo – đã nhấn mạnh, trước hết, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, như: Bảo đảm khẩu trang; kiểm soát cửa khẩu; tổ chức lễ hội; quản lý trường học;…

Cụ thể, về sử dụng khẩu trang để phòng chống dịch bệnh, các thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế khuyến nghị người dân nên sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng để phòng chống dịch, giữ gìn sức khỏe. Tuy vậy, trên cơ sở khuyến cáo của WHO, các chuyên gia cho rằng, người dân chỉ nên sử dụng khẩu trang y tế chuyên dụng ở những nơi có nguồn lây nhiễm cao, như: những người tiếp súc, chăm sóc trực tiếp với người bệnh, người nghi mắc bệnh… còn lại có thể sử dụng các loại khẩu trang thông thường, bảo đảm giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

bo cong thuong cung ca nuoc khan truong quyet liet phong chong dich ncov
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, như: Bảo đảm khẩu trang; kiểm soát cửa khẩu; tổ chức lễ hội; quản lý trường học

Cũng tại cuộc họp quan trọng này, báo cáo về công tác bảo đảm khẩu trang phòng dịch, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định năng lực sản xuất khẩu trang của Việt Nam đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong nước với khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế (khẩu trang N95, khẩu trang 3 lớp). Tuy nhiên, theo Thứ trưởng An, do phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu kháng khuẩn, nên bên cạnh giải pháp đa dạng hóa nguồn nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất, cần tập trung kiểm soát chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm các đối tượng găm hàng, đầu cơ, tăng giá khẩu trang y tế; chỉ xuất khẩu khẩu trang y tế khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Bộ Công Thương khẩn trương, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh

Về phía Bộ Công Thương, trong phạm vi trách nhiệm được giao, trong đó, phải đảm bảo bình ổn thị trường trong nước, duy trì và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hoá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các sản phẩm trọng tâm phục vụ công tác phòng, chống dịch… ngay sau các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và lãnh đạo Bộ liên tiếp có các cuộc họp quan trọng với các đơn vị chức năng bàn giải pháp ứng phó của Ngành, trong đó, tinh thần chỉ đạo chung là nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương nghiên cứu, đánh giá toàn diện những tác động bất lợi của dịch nCoV đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, XNK cả trong và ngoài nước; tập trung nhân lực, vật lực thực hiện tốt công tác kiển tra, kiểm soát thị trường, từ biên giới đến nội địa…

Trong các cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặc biệt nhấn mạnh tinh thần chung là kiên quyết phòng, chống dịch nCoV một cách hiệu quả, song vẫn phải đảm bảo ổn định và phát triển thị trường trong nước, duy trì ổn định hoạt động xuất, nhập khẩu với Trung Quốc, chủ động nghiên cứu tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu thay thế cho hàng hoá của Việt Nam.

bo cong thuong cung ca nuoc khan truong quyet liet phong chong dich ncov
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Kiên quyết phòng, chống dịch nCoV song vẫn phải đảm bảo ổn định và phát triển thị trường, ổn định sản xuất, xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam

Sau những chỉ quyết liệt nói trên, ngày 31/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh nCoV, trong đó yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách, từ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường; theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với kịnh bản điều hành giá của Chính phủ… đến chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng tại thị trường trong nước trong đó cần tập trung hỗ trợ kết nối các mặt hàng nông, thủy sản từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Cục, Vụ liên quan thực hiện đánh giá chính xác và toàn diện về tác động của dịch nCoV gây ra đối với quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc từ đó có biện pháp hiệu quả nhằm giảm tối đa thiệt hại kinh tế do dịch bệnh. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng giải pháp nhằm tìm kiếm thị trường thay thế cho các sản phẩm XNK từ Trung Quốc; đánh giá tác động tổng quan chung của dịch bệnh đối với hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam với các nước trên thế giới…

Riêng đối với lực lượng Quản lý thị trường, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra cao điểm về vấn đề cung ứng, phân phối các trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh không để các cơ sở bán hàng đầu cơ, trục lợi từ việc nhu cầu sử dụng tăng cao và xử lý nghiêm nếu có các hành vi vi phạm...

Cũng trong nỗ lực cùng cả nước phòng, chống dịch nCoV, ngày 01/2, Bộ Công Thương đã đưa ra khuyến cáo thương nhân ưu tiên trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu phòng chống dịch nCoV, trong đó, Bộ Công Thương nhấn mạnh, do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhu cầu đối với các mặt hàng, như: khẩu trang y tế, hóa chất diệt khuẩn và một số chủng loại trang thiết bị, vật tư y tế khác có thể sẽ tăng rất cao.

Do đó, để bảo đảm đáp ứng trang thiết bị, vật tư y tế cho việc phòng chống dịch, Bộ Công Thương khuyến cáo các thương nhân sản xuất, kinh doanh khẩu trang, hoá chất diệt khuẩn, găng tay y tế tăng cường sản xuất và ưu tiên cung cấp các sản phẩm này cho nhu cầu phòng chống dịch ở trong nước.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra việc cung ứng, phân phối các trang thiết bị y tế phòng chống dịch, xử phạt các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá trang thiết bị, vật tư y tế, tác động tiêu cực đến thị trường và tâm lý người dân.

Theo Hoàng Châu (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Bộ Công Thương, chống dịch nCoV