Virus corona có thể gây thiệt hại 160 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu

(thegioitiepthi.vn) - Virus Vũ Hán len lỏi mọi ngóc ngách Trung Quốc có thể khiến nền kinh tế hàng đầu châu Á “bốc hơi” 62 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm Canh Tý 2020. Trong bối cảnh đó, chính quyền ông Tập Cận Bình sẽ phải tìm cách xoay xở để ngăn chặn cú đánh mạnh hơn vào cỗ máy tăng trưởng vốn bị “bầm tím” từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

60 tỷ USD “đội nón ra đi” vì virus corona

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (nCoV) được phát hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) từ giữa tháng 12/2019 đến nay đã khiến 304 ca tử vong. Số trường hợp nhiễm bệnh tại đất nước tỷ dân lên tới hơn 14.000 người, nhiều hơn cả dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) giai đoạn từ năm 2002-2003.

Đợt dịch bùng phát mạnh mẽ đúng vào thời gian cao điểm của cuộc di cư lớn nhất thế giới diễn ra mỗi năm tại Trung Quốc, được biết đến với tên Xuân Vận, khi hàng trăm triệu người dân nước này trở về đoàn tụ gia đình trước thềm năm mới âm lịch, số khác mang theo nguồn thu nhập khổng lồ và khoản tiền vừa được thưởng Tết Nguyên đán đi du lịch trong hoặc ngoài nước. Nhiều người dân Vũ Hán có thể đã rời khỏi nhà vào kỳ nghỉ này, càng dấy lên nỗi sợ hãi về chủng virus mới corona lây lan rộng hơn nữa.

Tính đến ngày 2/2, thêm 45 trường hợp tử vong vì virus corona ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, nâng tổng số người chết lên 304. Gần 2.600 trường hợp mới được xác nhận mắc bệnh. Ảnh: SCMP

Những con số không ngừng “leo thang” buộc chính quyền ông Tập Cận Bình thực hiện các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh diễn biến phức tạp, bao gồm đóng cửa các kết nối giao thông công cộng, phong tỏa nhiều thành phố lớn, hàng chục triệu người dân, những hoạt động mua sắm, vui chơi cũng bị hạn chế... Hơn nữa, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh tại đây như Starbuck McDonald's, KFC, Pizza Hut, Aplle, Tesla... cũng tuyên bố đóng cửa vô thời hạn. Thậm chí, dịch bệnh kéo dài khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Global Times cho biết, một số nhà kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể sụt giảm hai điểm phần trăm trong quý đầu tiên của năm nay, đồng nghĩa với 62 tỷ USD bị “thổi bay”.

"Nếu dịch bệnh kéo dài thêm một tháng nữa, tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2020 ở Trung Quốc có thể giảm xuống 2% so với cùng kỳ - thấp nhất trong nhiều thập kỷ, và giảm từ mức 6% trong quý cuối năm 2019. Thậm chí sụt mạnh 4% hoặc thấp hơn trong năm nay", các nhà phân tích cho biết.

Trong khi đó, nhà kinh tế Zhang Ming của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc suy đoán dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 3 sẽ kéo tăng trưởng kinh tế giảm xuống 1% còn 5% trong quý đầu tiên. Theo Zhang Ming, đây là kịch bản lạc quan nhất, song ông không đưa ra dự báo cụ thể nếu đợt dịch bệnh tiếp diễn lâu hơn nữa.

Người dân Trung Quốc thấp thỏm đón năm mới. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang trải qua một mùa xuân buồn. Ảnh: CNBC

Thiệt hại sẽ còn nghiêm trọng hơn

Chuyên gia kinh tế Zhang Ming và các nhà phân tích khác cho rằng hậu quả của virus Vũ Hán thậm chí còn nghiêm trọng hơn đại dịch SARS, khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhanh chóng lao dốc.

Theo ước tính của Bloomberg, 2/3 nền kinh tế hàng đầu châu Á tiếp tục rơi vào tình trạng tê liệt đến hết tuần sau. Bởi vì 14 tỉnh và thành phố của Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và mở cửa trở lại vào ngày 10/2. Các tỉnh thành này chiếm gần 69% tổng GDP của Trung Quốc năm ngoái và cung cấp 78% hàng xuất khẩu vào tháng 12/2019. Những nơi này còn sản xuất 90% sản lượng đồng, ít nhất 60% sản lượng thép, 65% dầu và 40% sản lượng than. Trong đó, bao gồm các tỉnh sản xuất chủ chốt ở phía đông Trung Quốc như Quảng Đông - quê hương của trung tâm công nghệ Thâm Quyến, Thượng Hải - nơi có cảng lớn nhất Trung Quốc và nhà máy Tesla mới được xây dựng hay Giang Tô - nơi sản xuất giày Nike, trung tâm tơ lụa của đất nước tỷ dân. Hà Nam ở miền trung Trung Quốc có nhà máy Foxconn lớn chuyên sản xuất iPhone và các thiết bị điện tử...

Nhiều doanh nghiệp lớn đóng cửa giữa lúc bùng phát dịch bệnh khiến kinh tế Trung Quốc lao đao. Hàng triệu người dân có nguy cơ thất nghiệp trong thời gian dài. Ảnh: Getty Images

Lệnh phong tỏa toàn bộ nhiều thành phố lớn cũng có thể giáng một đòn mạnh vào ngành sản xuất Trung Quốc và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo Warwick McKibbin - Giáo sư kinh tế của Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, virus corona có thể gây thiệt hại 160 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu, gấp 4 lần so với SARS.

Ngoài ra, đối phó với đại dịch mới sẽ khiến một số vấn đề khác của Trung Quốc trở nên khó giải quyết hơn, bao gồm cả mối quan hệ thương mại phức tạp với Mỹ.

Là một phần của thỏa thuận đình chiến thương mại đạt được hồi đầu tháng 1, Bắc Kinh đồng ý mua 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trong hai năm tới. Các nhà phân tích nhận định rằng việc thu hẹp nhu cầu nội địa ở Trung Quốc sẽ khiến nước này gặp khó khăn nếu muốn thực hiện lời hứa đó. Nếu virus tiếp tục lây lan, làm suy yếu sức mua, những mục tiêu với Mỹ có thể vượt xa tầm với.

Mặc dù vậy, vẫn có một nhà phân tích hy vọng cuộc chiến thương mại sẽ không leo thang chỉ vì Trung Quốc "tạm thời" không thể thực hiện các cam kết thương mại của mình. Ken Cheung - chiến lược gia ngoại hối châu Á tại Mizuho Bank bày tỏ lạc quan: “Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra, vậy nên ông Donlad Trump sẽ cân nhắc trước khi hành động để không làm ảnh hưởng đến mình”.

Những năm gần đây, thị trường lao động Trung Quốc cũng gặp không ít biến động. Các ngành nghề truyền thống tạo ra rất nhiều việc làm, như lĩnh vực công nghệ, đã bị tổn thương bởi thương chiến, suy thoái kinh tế. Sự bùng phát của virus corona sẽ khiến mọi thứ tồi tệ hơn, ảnh hưởng đến khoảng 290 triệu công nhân nhập cư. Phần lớn từ các vùng nông thôn lên các thành phố để làm nhân viên giao hàng, nhân viên phục vụ, làm việc trong các ngành xây dựng, sản xuất... nhưng lương thấp, dẫn đến các cuộc biểu tình.

Hàng loạt nhà máy và doanh nghiệp ngừng hoạt động giữa lúc dịch bệnh lây lan sẽ khiến hàng triệu công nhân khó tìm được việc làm sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc. Hơn 10 triệu công nhân nhập cư từ tỉnh Hồ Bắc cũng có thể bị phân biệt đối xử vì sợ rằng họ mang mầm bệnh và lây truyền cho người khác.

Zhang Ming cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc có thể đạt mức cao kỷ lục trong những tháng tới.

Vị này nói thêm dịch bệnh kéo dài cũng làm cho giá các mặt hàng tiêu dùng đắt đỏ. Ngân sách bị thắt chặt vì nợ phình to, và cuộc khủng hoảng thịt heo do cơn sốt dịch tả heo châu Phi bùng phát vào năm ngoái khiến giá thịt heo tăng vọt. Theo Tân Hoa Xã, hiện giá rau cũng tăng lên khi mọi người đổ xô đi mua nhu yếu phẩm cơ bản trong đợt bùng phát virus.

Thực tế đã rất tồi tệ

Đó mới chỉ là dự đoán. Hiện vẫn chưa rõ tác động của virus corona đối với nền kinh tế Trung Quốc nhưng trước mắt có thể thấy ngành vận tải, du lịch, lĩnh vực vật tư y tế của nước này đang phải hứng chịu những “đòn đau” đầu tiên thông qua các số liệu chính thức vừa được công bố.

Theo CNBC, các quan chức Trung Quốc thừa nhận trong cuộc họp báo đặc biệt hôm 26/1 rằng virus nCoV hiện là vấn đề “nóng” và đang bắt đầu tàn phá nền kinh tế số một châu Á trong ngắn hạn.

Đầu tiên, dịch bệnh truyền nhiễm từ người sang người khiến lưu lượng hành khách sụt giảm đáng kể. Du lịch - ngành công nghiệp mang về cho Trung Quốc hàng tỷ đô la trong dịp Tết Nguyên đán - lao đao do ảnh hưởng của lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Hoạt động kinh doanh của nhiều công ty lữ hành, khách sạn bị gián đoạn trong khi các hãng hàng không lớn hủy bỏ toàn bộ chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Các điểm du lịch nổi tiếng ở đất nước tỷ dân cũng thông báo không đón khách dịp này.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Liu Xiaoming cho biết, trong ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, hoạt động vận tải nói chung sụt xuống còn 28,8% so với năm trước. Cụ thể, giao thông hàng không dân dụng giảm 41,6%, giao thông đường sắt giảm 41,5% và giao thông đường bộ giảm 25%.

Không chỉ căng mình phòng chống dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới thuộc họ corona (nCoV) gây ra, Trung Quốc còn đối mặt với nhiều thách thức lớn khác như vấn đề việc làm, phục hồi tổn thất kinh tế, tiếp tục đàm phán thương mại với Mỹ... Ảnh: CNN

Về lĩnh vực vật tư y tế, "Chúng tôi đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, đặc biệt là bộ đồ bảo hộ và khẩu trang ở tâm dịch Vũ Hán", Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Wang Jiangping nói và cho biết thêm hiện nay, mỗi ngày tỉnh Hồ Bắc cần đến khoảng 100.000 trang phục bảo hộ nhưng chỉ sản xuất được vài chục nghìn chiếc. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu về trang thiết bị y tế, Trung Quốc đã huy động 40% năng lực sản xuất, bất chấp đang trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Từ khi biết virus corona lây truyền từ người sang người thông qua đường hô hấp, chính quyền Trung Quốc khuyến cáo người dân đeo khẩu trang. Thậm chí, nếu ai không thực hiện ở một số địa điểm công cộng sẽ bị phạt nặng. Các sản phẩm liên quan khác như bộ dụng cụ kiểm tra virus và quần áo bảo hộ cũng đang "cháy hàng".

Ngày 1/2 mới đây, chính phủ Trung Quốc trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ hy vọng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tạo điều kiện mua vật tư y tế thông qua các kênh thương mại để chống dịch viêm phổi.

Theo thông tin bổ sung từ Bộ Tài chính Trung Quốc, chính quyền trung ương và địa phương nước này vừa rót thêm 1,6 tỷ USD (11,2 tỷ nhân dân tệ), nâng số tiền lên 12,6 tỷ USD để hỗ trợ điều trị, chăm sóc y tế, mua thiết bị và các công tác kiểm soát dịch bệnh khác.

Bên cạnh đó, virus Vũ Hán cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp phim ảnh Trung Quốc. Thám tử phố Tàu 3, Lạc lối ở Nga, Đội bóng chuyền nữ Trung Quốc, Khương Tử Nha, Gấu Boonie, Cấp tiên phong và Giải cứu đồng loạt thông báo hoãn ra mắt. Đây là 7 bộ phim “bom tấn” được nhiều khán giả mong đợi và hứa hẹn cạnh tranh nhau mang về doanh thu phòng vé “khủng” mùa Tết Nguyên đán năm nay, ước tính đạt được 1 tỷ USD trong 3 ngày đầu năm mới. Theo Tân Hoa Xã, năm ngoái Trung Quốc bội thu hơn 5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 721 triệu USD) tại các rạp chiếu phim, chiếm gần 8% doanh thu bán vé hàng năm của nước này.

Ngoài ra, các hoạt động mừng xuân Canh Tý 2020 cũng không được tổ chức. Nhiều ngôi sao Hoa ngữ quyết định hoãn tổ chức liveshow ở thành phố Vũ Hán hoặc những khu vực lân cận...

Ưu tiên chống dịch để giải cứu kinh tế

Theo nhận định của Zhang Ming, chính quyền ông Tập Cận Bình cần phải hành động quyết liệt hơn nữa trong những tháng tới để ngăn chặn sự lây lan của virus corona đang tàn phá nền kinh tế vốn rất mong manh. Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GDP tụt xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm khi Trung Quốc phải đối mặt với nợ xấu gia tăng và chịu thiệt hại từ căng thẳng thương mại với Mỹ.

Để giải cứu nền kinh tế, Trung Quốc sẽ phải đặt mục tiêu dập tắt dịch bệnh Vũ Hán lên hàng đầu. Ảnh: Getty Images

Ngày 26/1, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được giao nhiệm vụ trực tiếp thị sát công tác đối phó dịch bệnh viêm phổi cấp tại một cơ sở y tế ở tâm dịch Vũ Hán. “Quyết định này cho thấy việc ngăn chặn virus hiện đang là "ưu tiên hàng đầu" của chính phủ” - tờ People's Daily viết trong một bài bình luận gần đây.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý và Giám sát Ngân hàng Trung Quốc thông báo sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp trong các khu vực bị thiệt hại nặng nhất thông qua các chính sách như cắt giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn...

Ngân hàng Trung Quốc kéo dài thời gian chi trả các khoản vay trong vài tháng đối với người dân ở Vũ Hán và những thành phố còn lại của tỉnh Hồ Bắc nếu mất nguồn thu nhập vì dịch bệnh. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khẳng định sẽ đảm bảo có đủ thanh khoản trên thị trường tài chính khi hoạt động trở lại vào thứ 2 tới sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 10 ngày. Khi thị trường Hồng Kông mở cửa vào đầu tuần này, chỉ số Hang Seng (HSI) đã giảm gần 6% chỉ sau vài ngày giao dịch.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Virus corona, nền kinh tế toàn cầu