Giải cứu 100.000 tấn thanh long không thể sang Trung Quốc vì nCoV
Sáng 2/2, Sở Công Thương Bình Thuận phối hợp với các Sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất thanh long bàn giải pháp cấp bách tìm đầu ra cho gần 100.000 tấn thanh long đang ùn ứ và có khả năng hư hỏng tại địa phương này khi thị trường tiêu thụ chính đóng cửa vì virus Corona.
Với 90% sản lượng thanh long của tỉnh Bình Thuận được xuất khẩu sang Trung Quốc, khi các cửa khẩu của nước này đóng cửa vì virus Corona, nông dân Bình Thuận ngay lập tức gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu loại trái cây này.
Bên cạnh đó, hiện tại các thương lái đang thu mua nhỏ giọt loại trái cây này với giá khoảng 4.000 – 6.000 đồng/kg, còn các hợp tác xã mua cao hơn với 10.000 đồng/kg nhưng chọn lọc khắt khe hàng sạch, đẹp,… nên nhà vườn gặp nhiều khó khăn vì bán cũng lỗ mà treo quả lại trên cây chờ thông thương cửa khẩu cũng đầy rủi ro.
Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận họp bàn đầu ra cho trái thanh long khi thị trường tiêu thụ chính đóng cửa đóng cửa vì virus Corona |
Trước tình hình một lượng lớn nông sản thanh long (gần 100.000 tấn trong thời kỳ thu hoạch) có khả năng hư hỏng hoàn toàn vì không có đầu ra, Sở Công Thương Bình Thuận đưa ra 5 giải pháp trọng tâm để giải cứu gồm: Tăng cường tiêu thụ thanh long trong nước; dự trữ hàng đông lạnh; đẩy mạnh chế biến; tìm kiếm thị trường khác ngoài Trung Quốc và kiến nghị chính sách hỗ trợ của Nhà nước thu mua, dự trữ mặt hàng này.
Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, các thị trường tiêu thụ khác ngoài Trung Quốc như Ấn Độ, Nhật Bản hay Mỹ rất khắt khe trong thu mua và đa số sản phẩm thanh long Bình Thuận không đáp ứng yêu cầu.
"Trong ngày mai (3/2), Sở sẽ kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT sẽ có hướng đi phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho nông sản thanh long Bình Thuận trong giai đoạn này", ông Tài cho hay.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Bình Thuận khuyến cáo nông dân nên hạn chế cho thanh long ra trái, giảm diện tích canh tác và mạnh dạn tham gia vào quy trình sản xuất thanh long sạch theo công nghệ VietGap, GlobalGap để hạn chế rủi ro trong sản xuất.
Ngành nông nghiệp cũng cho hay, từ đây đến giữa tháng 2, giá thanh long tiếp tục giảm và nếu không có giải pháp tìm kiếm đầu ra hữu hiệu, sẽ đến lúc hàng chục ngàn tấn trái cây này chỉ chờ ngày hư hỏng và vứt bỏ./.
Theo VOV (Báo Công Thương Điện Tử)
Từ khóa : thanh long, nCoV