Cà phê Việt Nam tiếp tục chinh phục thế giới

Nhờ “làn sóng” đầu tư của các doanh nghiệp mà năm 2019, xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan đã đạt 143 ngàn tấn, giá trị 516 triệu USD. Về hiệu quả kinh tế giá trị xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan gấp đôi xuất khẩu cà phê nhân.
 

Mặc dù gặp khó

Trong top 10 nước trên thế giới bị tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu Việt Nam đứng thứ 6. Cây cà phê cũng như các cây khác đều bị tác động xấu của biến đổi khí hậu. Mùa vụ không theo chu kỳ cũ, thời tiết nóng lên có những vùng sẽ không phù hợp với khí hậu để trồng cà phê nữa mà phải chuyển đổi sang trồng cây khác.

ca phe viet nam tiep tuc chinh phuc the gioi
Nghiên cứu giống và thu hoạch cà phê

Sau kế hoạch tái canh giai đoạn 1 gần 120.000 ha; đến nay đã tái canh được khoảng 118.000 ha. Địa phương tiến hành công tác tái canh tốt nhất là tỉnh Lâm Đồng. Song trong quá trình tái canh, nhiều diện tích đã chuyển sang trồng cây khác hoặc xen canh quá mức 100 cây khác trên 1ha cho phép, đã ảnh hưởng đến vườn cà phê và sản lượng sau này.

Ngoài 120.000ha tái canh giai đoạn 1 đến giai đoạn 2 phải tái canh trên 100.000ha nữa. Do biến đổi thời tiết, số lượng cà phê tái canh chưa vào thời kỳ khai thác năng suất cao, vườn cà phê già năng suất thấp nên sản lượng và lượng cà phê nhân xuất khẩu đều giảm. Lượng cà phê xuất khẩu theo thống kê của hải quan đến ngày 31/12/2019 chỉ đạt 1,61 triệu tấn và giá trị 2,77 tỷ USD, giảm 14,2% về lượng và 21,5% về giá trị.

… Nhưng vẫn giữ vững vị thế

Tuy vậy, chúng ta đã chuyển mạnh để thực hiện chiến lược thời kỳ phát triển mới với phương châm: “Năng suất- chất lượng- giá trị gia tăng”. Làn sóng đầu tư mạnh mẽ chưa từng có của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào khâu chế biến cà phê rang xay và hòa tan. Đến nay, Việt Nam đã có 4 nhà máy công suất từ 4.000 - 20.000 tấn của Olam, Nestlé, Cà phê Ngon, TATA đang hoạt động. Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp nước ngoài đang chuẩn bị đầu tư vào nhà máy làm cà phê hòa tan và rang xay.

Các nhà đầu tư trong nước cũng không kém năng động, mặc dù nguồn vốn dài hạn bị hạn chế hơn. Công ty Tín Nghĩa đầu tư giai đoạn 1 công suất 4.000 - 5.000 tấn và đang chuẩn bị giai đoạn 2 nâng công suất lên 10.000 tấn. Tập đoàn Intimex vừa khánh thành nhà máy cà phê hòa tan ở Bình Dương công suất 4.000 tấn và dự kiến đến 2025 sẽ đầu tư để đạt công suất 20.000 tấn/năm. Công ty Việt Mỹ đầu tư nhà máy công suất 1.000 tấn. Công ty An Thái đầu tư nhà máy công suất 6.000 tấn. Vinacafe Biên Hòa có 2 nhà máy công suất 5.000 tấn, Trung Nguyên 2 nhà máy… Các nhà máy cà phê rang xay nhỏ và trung bình phát triển ở nhiều vùng của các công ty: Mê Trang, Vĩnh Hiệp, Phúc Sinh…

Đặc biệt khâu đầu tư của các nhà máy cà phê phối trộn phát triển rất nhanh. Các sản phẩm mới của cà phê như cà phê lon của Vinacafe Biên Hòa, viên cà phê nén của Nestlé.

Để phục vụ cho nhu cầu rang xay nhỏ lẻ, Xí nghiệp cơ khí Vinanhatrang đã cung cấp cho thị trường các máy rang xay cà phê nhỏ và trung bình phục vụ cho các cửa hàng và các chuỗi cà phê muốn tự rang xay, tự tạo ra gu và thương hiệu.

Nhờ có làn sóng đầu tư này mà năm 2019 xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan đã đạt 143 ngàn tấn, giá trị 516 triệu USD. Về hiệu quả kinh tế giá trị xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan gấp 2 lần xuất khẩu cà phê nhân. Tiêu thụ cà phê trong nước cũng tăng, đặc biệt từ một quốc gia theo “văn hóa uống trà”, đến nay chúng ta đã có trên 30.000 quán cà phê. Nhiều chuỗi mang các thương hiệu nổi tiếng như Trung Nguyên, cà phê Cộng, Vinacafe…

Tiêu thụ cà phê trong nước đến nay đã đạt 10% và sẽ tăng lên 15% trong những năm tới. Riêng 5 tỉnh Tây Nguyên, cà phê đóng góp 30% GDP toàn ngành, tạo việc làm cho trên 2 triệu người trồng, chế biến và phân phối cũng như hệ thống quán cà phê. Nhiều start-up đến nay bắt đầu khởi nghiệp từ cà phê. Trên thế giới, cà phê Việt Nam vẫn giữ vững vị trí thứ hai.

Cà phê cũng là ngành hàng nông sản duy nhất của Việt Nam tổ chức được “Ngày cà phê” vào 10/12 hàng năm – lấy dấu mốc ngày Bác Hồ về thăm nông trường cà phê Đông Hiếu - Phủ Quỳ (10/12/1961). Đến nay, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam tổ chức thành công 3 lần lễ hội để quảng bá cho cà phê, thúc đẩy văn hóa thưởng thức cà phê và tôn vinh những doanh nghiệp, những người nông dân đóng góp cho ngành cà phê phát triển. Cuối năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đăng cai tổ chức Ngày cà phê lần thứ 4 với sự tham gia của các nước Aseanvà là sự kiện quan trọng để chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Asean.

Theo Lương Văn Tự (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Cà phê Việt Nam, chinh phục thế giới