Nhà hàng, quán ăn kẻ khóc người cười mùa dịch nCoV
(thegioitiepthi.vn) - Kể từ khi dịch bệnh nCoV bùng phát và lan rộng, người dân hạn chế ra đến nơi đông người nhà hàng, quán nhậu khóc ròng. Tuy nhiên, nhiều ứng dụng giao thức ăn lên ngôi.
Quán vắng khách, nhiều hàng quán phải chịu lỗ mỗi ngày. Ảnh: Phong Thanh
Nhà hàng, quán nhậu muốn "bệnh" theo dịch
Hơn 2 tháng qua kể từ khi nghị định 100 được áp dụng, và sau đó là ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, hàng trăm quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng trở nên ế khách. Hàng loạt nhà hàng, quán nhậu mở cửa phải chịu thô lỗ mỗi ngày từ chục triệu đến cả trăm triệu đồng vì không có khách.
“Trước Tết thì bị nghị định 100, sau Tết thêm dịch bệnh; giờ mỗi ngày quán phải chi lỗ gần 20 triệu vì ế khách” đó à chia sẻ của anh Thành Trung, quản lý một nhà hàng trên đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM.
Theo ghi nhận, tối thứ 7 là thời điểm ăn nên làm ra của các quán nhậu do người dân tận hưởng những ngày cuối tuần bằng các buổi tiệc tại các hàng quán. Tuy nhiên, dù đã hơn 19g30 nhưng nhiều nhà hàng, quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng chỉ có lèo tèo vài bàn khách, thậm chí một số quán không có một bóng khách nào.
Tiết lộ với phóng viên, anh Thành Trung, quản lý một nhà hàng trên đường Phạm Văn Đồng cho biết tháng trước với ảnh hưởng từ nghị định 100, quán có thể chủ động hỗ trợ khách bằng các dịch vụ giữ xe, gọi taxi hay Grab cho khách. Kể từ qua Tết đến nay đã hơn 10 ngày nhưng tình hình doanh thu của quán chỉ có vài chục triệu, số tiền này không đủ trả chi phí cho các khoản lặt vặt nhà hàng.
“Mỗi ngày nhà hàng phải chịu lỗ hơn 15 triệu. Với cái đà dịch này chắc quán cũng “bệnh” theo luôn quá”, anh Trung than thở.
Vắng khách nhiều quán chỉ hoạt động cầm chừng. Ảnh: Phong Thanh
“Quán khai trương từ mùng 6 tới giờ mà khách vào ít lắm, ngày nhiều lắm cũng được 50 bàn. Hôm nay là thứ 7 rồi mà từ chiều giờ mới có 10 bàn thôi, kiểu này chủ quán lỗ dữ lắm”, bảo vệ quán nhậu nhận xét.
Tương tự, tuyến phố ẩm thực Vĩnh Khánh (Q.4) thường ngày đông đúc, tối nay cũng vắng lặng. Quán xá ế ẩm là tình cảnh chung của hầu hết các doanh nghiệp, người kinh doanh trong lĩnh vực giải trí, nhà hàng ăn uống tại các TP.HCM hiện nay.
Hàng loạt các chuỗi cà phê, cửa hàng bán thức ăn nhanh nổi tiếng tại TP.HCM đều vắng khách. Trưa ngày 8/2, tại quán cà phê nổi tiếng trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), chỉ 5 bàn là có khách ngồi; còn lại hầu hết khách hàng đến mua ly mang về. Theo một nhân viên phục vụ cho biết, bình thường khoảng khung giờ trưa, tất cả 40 bàn của quán kể cả trong và ngoài đều có khách. Kể từ sau Tết đến nay tình hình kinh doanh của quán trở nên ảm đạm hẳn.
Các chuỗi cửa hàng cà phê ế khách vì dịch nCoV. Ảnh: Phong Thanh
“Chưa bao giờ mình thấy quán lại vắng khách đến vậy. Nhớ mấy ngày trước Tết, dù là ngày thường hay cuối tuần tầm giờ trưa và tối là khách ngồi gần như kín bàn. Giờ dù cao điểm nhưng đông lắm cũng chỉ 20 - 30 khách là cao” Chị Thu Trang, nhân viên phục vụ chia sẻ.
Không ra quán chuyển qua đặt đồ ăn giao tận nhà
Dù dịch chưa bùng phát mạnh tại nước ta nhưng người dân thành phố đã có nhiều phương án chủ động phòng ngừa, trong đó đặt đồ ăn qua ứng dụng.
Với sự tiện ích từ các dịch vụ đặt hàng, giao hàng qua các ứng dụng trên smartphone hiện nay đang là lựa chọn tối ưu của nhiều người. Không chỉ tiện ích, nhiều nhà cung cấp dịch vụ còn tung nhiều hình thức khuyến mãi để lôi kéo người tiêu dùng sử dụng dịch vụ nhiều hơn như: Miễn phí phí giao hàng, giảm giá các món ăn, tặng mã giảm giá 20 - 50%…
Giữa lúc dịch bệnh nên nhiều người cũng không còn mặn mà ra đường nhờ vậy, các dịch vụ giao đồ ăn nhanh hiện nay đang được các bạn trẻ lựa chọn nhiều hơn trước.
Nhiều người chọn đặt hàng qua ứng dụng vừa tiện lợi và khỏi phải tụ tập đông đúc. Ảnh: IT
Kể từ khi thông tin thành phố có người nhiễm dịch bệnh, với tâm lý lo ngại dịch bệnh chị Tường Vi (ngụ Q. Phú Nhuận) thời gian gần đây đã thường xuyên sử dụng ứng dụng đặt đồ ăn trên điện thoại nhiều hơn trước.
"Mình mê nhất là món ốc ở quận 3, lúc trước cuối tuần hay lui tới ăn. Quán nổi tiếng nên người ta tới ăn đông lắm; giờ có dịch bệnh ra đó thấy sợ sợ nên toàn rủ mấy đứa trong phòng đặt về ăn thôi", chị Vi cho biết.
Chị Ngọc Thuỷ, chủ một quán bún bò nổi tiếng trên đường Phan Văn Trị, Q. Gò Vấp cho biết từ sau Tết quán mở cửa trở lại đến nay quán vắng khách, nhưng thu nhập vẫn ổn định nhờ chị đã đăng ký dịch vụ giao hàng của các ứng dụng hiện nay nên khách quen vẫn ủng hộ thường xuyên.
"Lúc chưa có dịch, quán mỗi ngày bán được tầm 150 tô/ngày, giờ nhờ có mấy em tài xế Grab với Now tới ship đồ ăn cũng nhiều nhờ vậy mà quán cũng không thất thu nhiều" chị Ngọc Thuỷ vui vẻ cho biết.
Tương tự, anh Đỗ Hùng chủ quán ốc trên đường trên đường Trường Sa, Q. Phú Nhuận cho biết: "Cứ tưởng dịch này ế lắm, ai ngờ bán cũng không đến nỗi tệ nhờ có giao hàng".
Theo anh Hùng, trước đây đã đăng ký kinh doanh trên ứng dụng Grab và Go-Viet nhưng doanh thu từ đây thường ít, mỗi ngày khoảng hơn chục đơn hàng, khách chủ yếu ăn trực tiếp tại chỗ, quán có 20 bàn mà đêm nào cũng đông nghẹt. Hiện tại mỗi ngày khách đến chỉ bằng ½ lúc trước chủ yếu là khách quen, còn khách đặt qua app thì tăng lên nhiều hơn nhờ đó doanh thu của quán không gặp khó khăn.
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP, TPHCM hiện có 19.353 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và 24.264 người tham gia kinh doanh. Trước yêu cầu phòng, chống dịch bệnh do nCoV, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các địa phương cần đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm và khám sức khỏe cho những người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng như hướng dẫn cách vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : Nhà hàng, quán ăn, kẻ khóc, người cười, mùa dịch nCoV