Doanh số bán ra của nhiều siêu thị tăng vọt bất chấp dịch nCoV
Kể từ khi mở cửa bình thường trở lại sau tết tới nay, doanh số bán ra của siêu thị Emart Gò Vấp (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) ghi nhận liên tục tăng mạnh so với thời điểm sau tết năm ngoái.
Đại diện của siêu thị Emart Việt Nam chia sẻ, doanh số của siêu thị này tăng trưởng ở mức 2 con số mỗi ngày, thậm chí có ngày tăng tới 40%. Theo vị này, doanh số tăng mạnh chủ yếu tập trung vào thực phẩm tươi sống, đồ khô - mì gói, đường, bột ngọt, nước mắm gạo, chất tẩy rửa (chủ yếu là nước rửa tay, nước sát khuẩn) do người tiêu dùng mua để tích trữ. Các ngành hàng khác như điện máy, thời trang hầu như không bán được hàng.
“Theo ước tính của chúng tôi, tổng ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng hơn 50%, có những ngành tăng vượt bậc như thực phẩm khô là tăng 1,5 lần, giấy vệ sinh gần gấp đôi, hóa mỹ phẩm 50%... Do vậy, dù một số ngành hàng khác giảm lượng bán ra nhưng tính bình quân tổng các ngành hàng vẫn giữ mức tăng trưởng tốt”, vị đại diện này cho biết.
Người tiêu dùng mua dưa hấu được giảm giá tại siêu thị Co.omart |
Tương tự, các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra của nhà bán lẻ Saigon Co.op cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao trong những ngày qua. Đại diện của Saigon Co.op nhận xét, mặc dù lượng khách đến các siêu thị của Saigon Co.op ghi nhận không cao như thường lệ nhưng giá trị hóa đơn của khách hàng lại tăng mạnh hơn.
Theo Saigon Co.op, các mặt hàng tiêu thụ mạnh thời điểm này vẫn là hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng giúp tăng sức đề kháng và có lợi cho sức khỏe do nhiều người tiêu dùng trên cả nước quan tâm nhiều.
Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu vẫn ghi nhận mức tiêu thụ tốt |
Các siêu thị cho biết, cùng với việc tăng nguồn hàng, kiểm soát chất lượng đầu vào, các siêu thị đang tích cực thực hiện nhiều chương trình giảm giá, kích cầu để hỗ trợ người tiêu dùng. Đơn cử như Co.opmart đã phối hợp với các nhà cung cấp giảm giá 20% cho các mặt hàng cá tra, giảm 15% cho các sản phẩm thịt heo và giảm từ 15-20% cho các mặt hàng nông sản…
Trong khi đó, các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi 24/7 lại không mấy khả quan trong kinh doanh. Ghi nhận tại các trung tâm thương mại lớn như Takashimaya, Vincom… ở trung tâm quận 1, TP. Hồ Chí Minh cho thấy, lượng khách rất vắng vẻ, còn ở các cửa hàng tiện lợi cũng không khá khẩm hơn.
Đại diện của chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 cho biết, doanh thu bán ra của nhiều cửa hàng thuộc hệ thống này đã sụt giảm tới 40% so với thời điểm trước khi dịch nCoV bùng phát trên toàn cầu như hiện nay. Nhà bán lẻ này còn lo ngại nếu dịch nCoV kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nặng hơn do kinh tế suy giảm, nhu cầu giảm sút.
Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành bán lẻ, sở dĩ các trung tâm thương mại vắng bóng khách hàng vì người dân hạn chế đến chỗ đông người. Trong khi đó, ở các cửa hàng tiện lợi - theo tính toán của người tiêu dùng do giá cả nhiều mặt hàng cao hơn siêu thị, vì thế mà các cửa hàng này chỉ hút hàng nước rửa tay và khẩu trang, dẫn tới doanh số giảm.
Đánh giá về thị trường bán lẻ trong ngắn hạn, các chuyên gia của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, lượt khách mua sắm tại các cửa hàng sẽ giảm do người tiêu dùng hạn chế đến những nơi công cộng để tránh khả năng lây nhiễm virus Corona, và tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cần thiết (dược phẩm) thay vì các mặt hàng như công nghệ, điện máy. Tuy nhiên, các chuyên gia SSI cũng lưu ý rằng, thói quen tiêu dùng có thể sẽ chuyển từ thương mại truyền thống (chợ truyền thống) sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn vệ sinh.
Từ khóa : Doanh số, siêu thị, dịch nCoV