Tìm thị trường mới cho hàng hóa Việt

Do số ngày làm việc ít hơn và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 1 đều bị ảnh hưởng. Bộ Công Thương đang nỗ lực cùng các doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường mới nhằm tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn hiện nay.    
 

Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng đầu tiên của năm 2020 ước đạt 38,1 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 1 năm nay chỉ có 17 ngày làm việc do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán, làm cho kim ngạch xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK) ước tính đều giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2019.

tim thi truong moi cho hang hoa viet
Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm trong tháng 1

Trong đó, kim ngạch XK ước đạt 19 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch NK cao hơn, ước đạt 19,1 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ.

Trong đó, kim ngạch XK của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 6,3 tỷ USD, giảm 11,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,68 tỷ USD, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng chủ lực có kim ngạch tăng so với cùng kỳ là điện tử, máy tính và linh kiện; gỗ và sản phẩm gỗ…

Về các nhóm hàng, kim ngạch XK nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm 21,9% so với tháng 12/2019 nhưng giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong nhóm này, ngoại trừ sắn và các sản phẩm từ sắn, các mặt hàng khác đều có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt gần 0,294 tỷ USD, giảm 36,3% so với cùng kỳ. XK nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 15,88 tỷ USD, giảm 15,1% so với tháng 12/2019 và giảm 13,8% so với cùng kỳ.

Cùng chung xu hướng giảm của kim ngạch XK, kim ngạch hàng hóa NK tháng 1/2020 ước tính đạt 19,1 tỷ USD, giảm 14,4% so với tháng 12/2019. Như vậy, sau năm 2019 xuất siêu cao, tháng đầu tiên của năm 2020, cả nước đã nhập siêu 100 triệu USD, bằng 0,5% kim ngạch XK.

Trong tháng 1/2020, có 6 mặt hàng XK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Bộ Công Thương nhận định, kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 1 giảm so với tháng 12 năm 2019 và giảm so với cùng kỳ năm 2019 do có kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc thực tế chỉ là 17 ngày. Bên cạnh đó, giá XK và giá nhập khẩu trong tháng 1 tuy không biến động mạnh so với tháng trước, nhưng hầu hết đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trừ một số mặt hàng như dầu thô, xăng dầu do giá dầu thế giới tăng khi xảy ra những bất ổn ở khu vực Trung Đông cũng như việc xung đột Mỹ-Trung bước đầu hạ nhiệt.

Tìm cơ hội ở các thị trường mới

Theo nhận định của Bộ Công Thương, mức giảm nhập khẩu tháng 1 thấp hơn mức giảm của XK và cán cân thương mại tháng 1 quay trở lại nhập siêu, tuy nhiên mức nhập siêu không lớn. Diễn biến này phù hợp với xu hướng các doanh nghiệp đã hoàn tất các đơn hàng XK trước Tết và sau Tết cần một thời gian để các doanh nghiệp quay trở lại đạt năng suất cao và ổn định lực lượng lao động. Đặc biệt, do ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19 nên phía Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất nước ta đã áp dụng một số biện pháp hạn chế giao thương, ảnh hưởng đến XK các loại nông sản, đặc biệt là các mặt hàng đang vào vụ thu hoạch như dưa hấu, thanh long.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona ngay lập tức đã tác động mạnh đến giá nhiều loại nông sản. Theo đó, nhóm doanh nghiệp XK trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt do ảnh hưởng của dịch cúm này.

Hoạt động xuất nhập khẩu sang Trung Quốc thời gian gần đây cũng chịu tác động xấu do nhu cầu tiêu thụ giảm. Đơn cử, chuỗi Starbucks ở Trung Quốc tạm đóng cửa rất nhiều cửa hàng dẫn đến nhu cầu về cà phê giảm. Ngoài ra, một số chuỗi cửa hàng như McDonald, KFC đặc biệt là ở Vũ Hán cũng tác động đến nhu cầu tiêu thụ cà phê trắng. Hoặc nhiều nhà hàng khác của Trung Quốc cũng vắng khách dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung giảm.

Trong bối cảnh đó, mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để XK theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng. Doanh nghiệp cũng cần liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…

​Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các thị trường XK mới, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, trái cây trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời tiếp tục theo dõi và có thông báo, khuyến cáo đến các địa phương, doanh nghiệp khi có những diễn biến mới của bệnh dịch có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo Bảo Ngọc (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : hàng hóa Việt