Sony đóng cửa website mobile: chưa phải là chấm hết
Việc Sony đóng cửa website mobile đã tồn tại suốt 10 năm qua cho thấy dấu hiệu rút lui của ông lớn khỏi làng smartphone. Nhưng sự rút lui này không phải là báo hiệu cho cái "chết" của thương hiệu. Ngoài smartphone, Sony vẫn còn nhiều mảng kinh doanh hiệu quả và thậm chí là kẻ dẫn đầu.
Doanh số điện thoại sụt giảm qua các năm
Quý 3 năm ngoái, Sony chỉ bán được 600.000 điện thoại, và là quý kinh doanh đáng quên nhất lịch sử thương hiệu di động này. Tuy nhiên quý cuối cùng của năm 2019 khởi sắc hơn khi Sony bán ra được 1,3 triệu điện thoại thông minh trong quý, gấp đôi so với quý trước đó. Doanh số điện thoại tăng vọt được cho là hưởng lợi từ hiệu ứng mua sắm lớn của người dùng trong kỳ nghỉ lễ cuối năm 2019.
Tuy nhiên, khởi sắc như thế cũng không thể xoay chuyển tình thế rằng Sony thật sự đang dần biến mất trên biểu đồ smartphone Thế giới. Sự thất bại của Sony dễ hình dung hơn nếu đặt bên cạnh Samsung hay Apple. Trong quý 4/2019, iPhone xuất xưởng được 70,7 triệu chiếc, còn Samsung bán ra được 68,8 triệu chiếc. Điều này đồng nghĩa với việc, Sony bán smartphone cả quý còn không bằng Apple, Samsung hay Huawei... bán trong 1 ngày.
Về tình hình kinh doanh tổng thể, Sony đã ghi nhận mức suy giảm lợi nhuận trong quý 4/2019 xuống khoảng 300,1 tỷ Yên (2,74 tỷ USD), giảm 20% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu do tác động từ thương vụ mua lại nhà xuất bản âm nhạc EMI vào mảng giải trí của công ty.
Điện thoại không phải là một trong các chân kiềng của Sony
Chiếc smartphone Sony đầu tiên được công bố và phát hành năm 2008. Thời điểm đó Sony vẫn còn liên doanh với công ty viễn thông Ericsson của Thụy Điển - do đó, chiếc điện thoại này đã được đặt tên là Sony Ericsson Xperia X1. Với các sản phẩm sau này, Sony đạt đến đỉnh cao vào năm 2014 khi đạt doanh số 40 triệu smartphone trong năm. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng, smartphone của Sony chưa bao giờ nằm trong danh sách những điện thoại có doanh số cao nhất toàn cầu. Vào năm 2014, doanh số của Samsung dẫn đầu thị trường với 317 triệu chiếc, gấp 7 lần Sony.
Smartphone chưa bao giờ là sản phẩm chủ chốt hay trụ cột của Sony. Đó chỉ là một mảng ngách mà Sony tạo ra dựa trên những thế mạnh của mình: cảm biến camera và công nghệ âm thanh của hãng. Giờ đây hãng có thêm các mảng mới như phim, âm nhạc và trò chơi.
Quý 4/2019, mảng Giải pháp hình ảnh và cảm biến Sony hưởng lợi nhờ smartphone tích hợp nhiều ống kính và tăng kích cỡ cảm biến. Nhờ có đơn hàng từ các nhà sản xuất lớn như Apple, Huawei, Xiaomi, Sony thu về 2,7 tỷ USD và khoản lãi 690 triệu USD. CFO Totoki vui mừng cho biết: "Chúng tôi thậm chí còn không thể tích trữ đủ lượng hàng tồn kho như dự tính". Sony đã tăng dự báo doanh thu và lợi nhuận cả năm nhờ tình hình khả quan của mảng này.
Trong khi báo giới còn bận khai thác câu chuyện điện thoại Xperia ngắc ngoải, vẫn ám ảnh với việc mỗi quý bán được bao nhiêu chiếc smartphone, Sony đã rẽ theo con đường khác từ lâu. Họ không bỏ rơi TV hay smartphone, nhưng nó không còn là mối quan tâm số một nữa.
Cũng như việc doanh số iPhone không còn đại diện cho tình hình kinh doanh của Apple nữa. Còn Microsoft đã qua rồi cái thời tập trung bán bản quyền Windows, tìm mọi cách vượt mặt Google hay Apple. Sony thực hiện chiến lược này từ sớm và nay đã thu về trái ngọt.
Họ chấp nhận ưu tiên hoạt động giải trí lên trên đồ điện tử, đặt trọng tâm vào những nơi là thế mạnh. Sony là tập đoàn giải trí lớn thứ 6 toàn cầu, dựa theo doanh thu gộp từ hai công ty con là Sony Pictures và Sony Music, đều ở Mỹ. Bản thân Sony Pictures là một trong năm hãng phim lớn nhất Hollywood. Còn Sony Music là hãng ghi âm lớn thứ hai thế giới, nhà xuất bản âm nhạc lớn nhất toàn cầu.
Riêng mảng Trò chơi và Dịch vụ mạng có doanh thu 2042,1 triệu yên, lợi nhuận 256,2 triệu yên, chiếm tận 27% lợi nhuận. Như vậy, có thể thấy mảng "Smartphone" hay thậm chí là toàn mảng phần cứng của Sony đều không phải là trụ cột của hãng, không đem lại nhiều lợi nhuận bằng những mảng Cảm biến hình ảnh hay phim, âm nhạc.
Cụ thể, doanh thu của năm 2019 (từ 1/1/2019 đến 31/12/2019) của Sony đạt 8638,7 triệu Yên, lợi nhuận đạt 892,7 triệu Yên. Lợi nhuận từ mảng Sản phẩm Điện tử & Giải pháp (Bao gồm tất cả những sản phẩm điện tử như điện thoại, máy ảnh, tivi, camera) đạt 106 triệu Yên, chiếm chỉ 11% trong tổng lợi nhuận dù doanh thu chiếm 22%. Trong khi đó, mảng Giải pháp hình ảnh và cảm biến có doanh thu 1186,1 triệu Yên, chiếm 13% doanh thu nhưng lợi nhuận đạt 223,2 triệu Yên, chiếm đến 23% lợi nhuận của năm.
Như vậy kiềng ba chân của Sony được tạo nên từ Giải pháp hình ảnh và cảm biến, Trò chơi và dịch vụ mạng, dịch vụ tài chính.
Theo nghiên cứu từ IC Insights, thị trường cảm biến hình ảnh CMOS đạt 16,8 tỉ USD vào năm 2019. Dự kiến, năm 2020 sẽ tăng thêm 20% do nhu cầu đến từ các điện thoại thông minh hiện nay. Hầu hết các siêu phẩm được ra mắt cuối năm 2019, đầu năm 2020 tới đây đều sở hữu ít nhất 3 camera trở lên.
Điện thoại càng nhiều ống kính, các hãng sản xuất cảm biến như Sony, Samsung càng bận rộn. Đặc biệt là Sony khi hãng đã phải liên tục tăng ca sản xuất các đơn hàng cảm biến cho họ nhà táo cắn dở mà vẫn không đủ. Hiện tại, Sony dẫn đầu thị trường cảm biến với 51% thị phần, và Samsung đứng thứ hai mới chỉ chiếm được 20%.
Mặc dù Sony thu hẹp lại thị trường kinh doanh điện thoại thông minh, nhưng rõ ràng mảng cảm biến của hãng là một trong hai đứa con vàng lại lợi nhuận nhiều nhất cho Sony hiện nay. Nên việc hãng thu hẹp dần mảng smartphone cũng không có gì đáng lo ngại trước những con số còn lại.
Hoài Viễn
Theo www.nguoitieudung.com.vn
Từ khóa : Sony, đóng cửa, website mobile