EVFTA mở ra một cơ hội rộng lớn cho ngành nông nghiệp Việt

(thegioitiepthi.vn) - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mở ra một cơ hội rộng lớn cho ngành nông nghiệp, bởi đây là một thị trường lớn, hàng năm lượng nhập khẩu nông sản của EU khoảng 150 tỷ USD.

EVFTA mở ra một cơ hội rộng lớn cho ngành nông nghiệp Việt. Ảnh: T.L

Còn nhiều dư địa để Việt Nam đưa hàng sang EU

Mới đây, tại Tọa đàm "EVFTA - Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ", do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, cho rằng, tham gia EVFTA, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên cũng có thuận lợi là cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và EU mang tính bổ sung cao, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp.

Ông Thái cho biết thêm, hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu đứng thứ 2 các nước ASEAN xuất sang EU. Điều này chứng tỏ sau một thời gian hội nhập, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên, khi chưa có EVFTA, kết quả đã như vậy thì khi EVFTA có hiệu lực sẽ có cơ sở hơn nữa để Việt Nam vươn lên.

Nói về những cơ hội mà EVFTA mang lại, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết, hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu trên toàn cầu mới được trên 40 tỷ đô, xuất khẩu sang EU mới khoảng trên 5 tỷ đô.

“Chúng ta còn rất nhiều dư địa khi giảm thuế để chúng ta có thể đưa hàng sang EU. Đặc biệt, thu nhập trung bình của người dân ở EU thuộc mức thu nhập cao, họ sẽ sẵn sàng trả cho những mặt hàng giá cao hơn và chất lượng, tiêu chuẩn cao hơn. Đây là một cơ hội rất tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình không chỉ về số lượng mà quan trọng là về chất lượng để theo đúng định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp mà giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn, bền vững về môi trường hơn và con người hơn”, ông Tuấn bày tỏ.

Cũng theo ông Tuấn, EU có lẽ là trường hợp đầu tiên khi giảm thuế cho cả hàng chế biến nông sản, điều đó mang lại rất nhiều lợi ích khi mà Việt Nam có cơ hội đưa hàng sang thị trường này. Theo như ước lượng của một số nhóm nghiên cứu, khi Hiệp định này được thực thi, nó thể giúp tăng trưởng xuất khẩu mỗi năm trên 1 tỷ đô vào thị trường EU, và từ đó cũng giúp cho một phần nào tăng trưởng GDP trong nông nghiệp vào cỡ 0,4 – 0,5% /năm.

Đặc biệt, với một loạt các yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu, nếu chúng ta vượt qua được thì có nghĩa là chúng ta có thể đưa hàng sang các thị trường khác. Trong bối cảnh chúng ta vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa thành chuỗi liên kết nên rất khó để mà quản lý thì ngành nông nghiệp cần tận dụng tốt các cơ hội mà xử lý các thách thức; làm sao tổ chức được sản xuất, đổi mới mô hình sản xuất cho ngành nông nghiệp.

“Chúng tôi hướng tới đặt mục tiêu là phát triển kinh tế hợp tác xã, mục tiêu đến năm 2020 có 15.000 hợp tác xã và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư thành những cái chuỗi ví dụ như là trong khoảng 3 – 4 năm vừa qua, số doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp đã tăng khoảng 3 lần (12.381 doanh nghiệp và đã dựng lên khoảng 1.400 chuỗi sản phẩm an toàn)”.

EVFTA - thách thức với ngành nông nghiệp sẽ lớn hơn

Ông Tuấn bày tỏ, trong lĩnh vực nông nghiệp, một thách thức lớn đó là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tiêu biểu nhất là ngành chăn nuôi. Đối với các doanh nghiệp đủ lớn họ có đủ khả năng để cạnh tranh, còn đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hợp tác xã thì đây là một thách thức lớn.

EU là trường hợp đầu tiên khi giảm thuế cho cả hàng chế biến nông sản. Ảnh: T.L

“Một trong những khâu yếu trong hội nhập của chúng ta là công tác đào tạo nguồn nhân lực để chủ động thích ứng với hội nhập còn yếu, trong đó có lực lượng làm công tác tư pháp chủ động bảo vệ, đấu tranh bênh vực các ngành hàng của mình một cách chính đáng. Thời gian tới, chúng ta cần phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, có nguồn nhân lực để đảm bảo chủ động tham gia quá trình kiện tụng, xử lý tranh chấp và đảm bảo tính minh bạch, bênh vực quyền lợi chính đáng cho người nông dân, sản phẩm của nông dân, cũng như lường trước để cảnh báo, không rơi vào những hoàn cảnh như vậy”, ông Tuấn nói

Đặc biệt theo ông Tuấn, trước khi nói về tranh chấp, khi đưa ra kiện thì trong nhà chúng ta phải sạch sẽ, nên trong thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp khi tham gia các Hiệp định đã luôn đảm bảo các tiêu chuẩn mà EU cho là quan trọng nhất.

“Chúng tôi đã tập trung nỗ lực xử lý một loạt vấn đề như xử lý gỗ đảm bảo chứng chỉ bền vững, gỡ thẻ vàng với ngành thủy sản, tập trung nỗ lực cao nhất để làm sao xây dựng được mã số vùng trồng… Những việc đó phải làm từ câu chuyện chính sách, khung pháp lý, đầu tư hỗ trợ, tuyên truyền vận động với người dân và doanh nghiệp”, ông Tuấn cho biết.

Hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp với bộ Công Thương triển khai theo dõi thương mại nông nghiệp của thị trường Liên minh Châu âu. Nếu có tranh chấp, phía Bộ đã có chủ trương phối hợp với các Hiệp hội để có thông tin đầy đủ, thậm chí liên kết với Hiệp hội, ngành hàng bên châu Âu để nếu có việc gì, Việt Nam có thể xử lý trước khi đưa ra kiện tụng. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để tham gia vào câu chuyện tranh chấp, câu chuyện hàng giả để xây dựng cơ chế hòa giải trong EVFTA…

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : EVFTA, nông nghiệp Việt