Lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục “sáng”

(NTD) - Các ngân hàng niêm yết đạt lợi nhuận lớn trong năm vừa qua và được các công ty chứng khoán duy trì quan điểm tích cực về triển vọng lợi nhuận của ngành trong năm 2020.

“Câu lạc bộ 10.000 tỷ”

Ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng phân tích - Khách hàng tổ chức Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank KimEng, nhận định: Những ngân hàng tốt nhất, mạnh nhất Việt Nam đều đã niêm yết. Những ngân hàng chưa đưa cổ phiếu lên sàn là những ngân hàng nhỏ và cũng không có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Chính điều này mà 18/31 ngân hàng thương mại cổ phần lên sàn đều báo lợi nhuận rất tốt trong năm 2019. Các ngân hàng này đạt 110.590 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đã có 6 ngân hàng gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng. Đó là Vietcombank, Techcombank, VietinBank, BIDV, VPBank và MB. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 23.123 tỷ đồng, gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận tỷ USD.

Tuy nhiên, KienLongBank và NCB đạt chưa tới 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đây cũng là 2 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng âm so với năm trước. Năm 2019, NCB và Kien Long Bank báo lợi nhuận giảm 37,4% và 70,4% so với năm 2018.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất thuộc về VietinBank khi tăng trưởng 74,8% so với năm 2018. Kế đến là TPBank (71,3%), LienVietPostBank (68,1%), VietBank (52,9%), VIB (48,8%), SHB (47%).

Vietcombank có lợi nhuận cao nhất ngành nhưng tốc tăng trưởng chỉ 26,6% - thấp hơn mức bình quân 29,5% của ngành. Trước đó, năm 2018, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngành là 30,6% nhưng Vietcombank lên tới 61,1%.

Thu nhập lãi thuần tiếp tục là nguồn thu quan trọng nhất khi chiếm đến 76,8% tổng thu nhập của 18 ngân hàng niêm yết. Biên lãi ròng (NIM) của các ngân niêm yết được cải thiện từ mức 3,1% của năm 2018 lên 3,4%, của toàn ngành là 3,56%. Cải thiện NIM của các ngân hàng đến từ tăng trưởng tín dụng bán lẻ, bao gồm tài chính tiêu dùng ở một số ngân hàng như: VPBank, HDBank, MBBank, SHB...

Thu phí dịch vụ tăng 32% và chiếm 10,7% tổng thu nhập của ngân hàng. Các ngân hàng có thu phí dịch vụ tăng trưởng mạnh là VietBank, LienVietPostBank, VIB, NCB, VPBank...

Tổng thu nhập tăng 20,8% nhưng chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng có tốc độ tăng thấp hơn, lần lượt là 15% và 18,8% đã giúp lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết tăng 29,5%.

Lạc quan về “triển vọng lợi nhuận”

CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định: NIM toàn ngành cải thiện nhẹ từ 3,56% lên mức 3,62% trong năm 2020 nhờ: Lãi suất cho vay và huy động sẽ tiếp tục giảm nhẹ, hỗ trợ tăng trưởng chung toàn thị trường; cơ cấu lại các khoản vay sang cho vay SME và cá nhân giúp cải thiện NIM; nới trần tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) từ 80% lên 85% giúp giảm bớt áp lực huy động đối với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nhưng các ngân hàng Nhà nước sẽ bị áp lực khi từ 90% về 85%.

Thu nhập ngoài lãi sẽ tăng ấn tượng từ thu phí dịch vụ và các phần thu hồi từ các khoản nợ xấu, kinh doanh trái phiếu và ngoại hối. Việc tăng trưởng phí sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2020 khi các ngân hàng đẩy mạnh thu phí từ dịch vụ thanh toán, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance)... Bên cạnh đó, một vài ngân hàng dự kiến sẽ ghi nhận các khoản one off lớn đến từ thu một lần phí bancassurance như: Vietcombank, TPBank...

Nhiều ngân hàng đã cắt giảm chi phí hoạt động, tập trung tăng nâng suất lao động và áp dụng digital banking (ngân hàng số) vào giúp tiết giảm chi phí. Xu thế này được dự báo diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt tại TPBank, Techcombank. Đối với bộ máy cồng kềnh của BIDV, VietinBank, Vietcombank sẽ mất nhiều thời gian hơn để có thể áp dụng công nghệ.

Một yếu tố không thế không nhắc đến khi đánh giá triển vọng lợi nhuận của ngân hàng là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Một số ngân hàng ghi nhận giảm mạnh chi phí dự phòng, hỗ trợ lợi nhuận trong thời gian qua như Techcombank, ACB. Trong năm 2020, BSC kỳ vọng chi phí trích lập dự phòng sẽ giảm tỷ trọng trong tổng thu nhập nhờ: Một số ngân hàng đã trích lập xong VAMC trong năm 2019: Các ngân hàng đã xử lý xong nhiều nợ tồn đọng thời gian trước sẽ giảm áp lực trích lập chi phí dự phòng.

CTCP Chứng khoán SSI đánh giá: Các ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất bao gồm Vietcombank, BIDV, VPBank, MB và Techcombank. SSI duy trì quan điểm tích cực về triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2020.

Lao động ngành ngân hàng tăng 7.000 người

Theo thống kê vào cuối năm 2019 từ 18 ngân hàng niêm yết và MSB, SeABank, OCB, PGBank có 189.182 người đang làm việc tại ngân hàng mẹ, tăng 7.003 người so với đầu năm.

BIDV sở hữu nhiều lao động nhất khi có 23.716 người, tiếp theo là VietinBank và Vietcombank khi sở hữu lần lượt 22.331 người và 18.408 người.

Sacombank là ngân hàng tư nhân có số lượng lao động đông đảo nhất với 18.108 nhân sự. Xếp ngay phía sau là ACB, Techcombank nhưng chỉ có 10.794 người và 10.539 người.

Sở hữu lực lượng lao động thấp nhất ngành là NCB và PGBank khi chỉ có 1.701 người và 1.640 người.

Trong năm 2019, nhiều nhà băng tuyển dụng thêm lao động như: VIB tăng 1.746 người, Vietcombank tăng 1.696 người, Techcombank tăng 1.329 người, TPBank tăng 1.215 người, LienVietPostBank tăng 1.079 người.

SHB, VietinBank, NCB, OCB, VPBank là những đơn vị lại giảm nhân sự. Số lượng nhân viên giảm mạnh nhất thuộc về VPBank khi giảm 2.030 người, kế đó là OCB giảm 1.120 người. SHB, VietinBank và NCB giảm từ 200-300 lao động.

Như Nguyễn

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : Lợi nhuận, ngành ngân hàng