Người dân đổ xô mua sắm, siêu thị tại TP.HCM vẫn không khan hiếm hàng hoá

(thegioitiepthi.vn) - Thông tin về dịch Covid- 19 tái phát đã khiến nhiều người tại TP.HCM đổ xô đến các siêu thị mua lương thực, nhu yếu phẩm dự trữ. Tuy vậy, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn vẫn đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng hoá phục vụ nhu cầu người dân.
Xếp hàng mua thực phẩm dự trữ
Chiều 7/3, cận dịp lễ Quốc tế phụ nữ và trùng vào thời điểm cuối tuần, rất nhiều người dân đã đổ xô về các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… để mua thực phẩm, nhu yếu phẩm dự trữ.
Ghi nhận thực tế của PV, từ lúc 17 giờ, nhiều hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM như Lotte Mart, Co.op Mart/Coopmart, Big C… đã đông nghẹt khách hàng.
Tại các quầy bán bán gạo, mì tôm, rau củ quả, giấy vệ sinh…hàng trăm người quây quanh, nhộn nhịp chờ đến lượt được mua. Đa số, khách hàng đều cố gắng mua nhiều hơn nhu cầu bình thường để dự trữ. Đến cao điểm 19 giờ cùng ngày, số lượng khách hàng đổ về các siêu thị càng lúc càng đông đúc.

Người dân đổ xô về các siêu thị tại TP.HCM để mua sắm. Ảnh: Hồng Trâm
Theo ghi nhận, dù số lượng khách hàng rất đông nhưng nhìn chung hàng hoá tại các siêu thị vẫn rất phong phú đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Điển hình, tại cửa hàng Lotte Mart Gò Vấp, gian hàng bày bán mì gói vẫn đầy ắp hàng. Hàng chục loại mì, với hàng trăm thùng được bày biện đủ các hương vị, giá cả để khách hàng tự do lựa chọn. Tương tự, các gian hàng bày bán gạo, giấy vệ sinh, rau củ quả… tràn đầy hàng hoá. Khách hàng thoải mái lựa chọn, không có cảnh chen lấn, tranh giành.

Khách hàng trật tự mua mì gói, không có cảnh chen lấn. Ảnh: Hồng Trâm
Tại khu vực tính tiền của các siêu thị, dòng người nối đuôi nhau, chen chân chật cứng. Những xe đẩy, giỏ hàng đầy ắp mì gói, phở khô, rau củ quả, giấy vệ sinh… được xếp nối tiếp nhau. Tuy đông đúc, nhộn nhịp nhưng mọi người đều kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt, tuyệt nhiên không có cảnh chen chúc, mất trật tự.

Những giỏ xe đầy ắm thực phẩm của người dân. Ảnh: Hồng Trâm
Anh Đinh Công Mạnh (nhân viên bán hàng BigC Gò Vấp) cho biết: “Số lượng khách hàng đến siêu thị bỗng tăng đột biến trong hôm nay. Từ sau Tết Nguyên đán 2020, đây là ngày đầu tiên siêu thị đón nhận số lượng khách đến mua sắm đông đúc đến vậy. Đa số, các khách hàng đều chọn mua mì gói, thịt đông lạnh cùng các thực phẩm khác để dự trữ”.
“Bắt đầu từ chiều 7/3, nhân viên bán hàng chúng tôi phải làm việc rất vất vả vì số lượng khách mua sắm, chờ ở quầy tính tiền quá đông. Siêu thị phải mở tất cả các quầy, tăng cường lực lượng nhân viên, bảo vệ để đảm bảo phục vụ khách”, anh Mạnh cho biết thêm.

Khách hàng trật tự xếp hàng, không có cảnh chen lấn. Ảnh: Hồng Trâm
Đứng chờ khá lâu mới đến lượt tính tiền, chị Trần Mỹ Hạnh (36 tuổi, nội trợ) cho biết: “Thời điểm dịch Covid- 19 mới bùng phát, tôi cùng gia đình đã đến siêu thị tìm mua mì gói, nước mắm, thịt, trứng, hoa quả khô… để dành ăn dần. Tuy nhiên, có thông tin về các ca nhiễm mới, tôi liền đi siêu thị mua thêm thực phẩm cho gia đình. Tôi thấy cũng có rất nhiều người cũng như tôi tìm đến siêu thị để mua thêm thực phẩm vì lo ngại dịch bệnh sẽ phức tạp thêm”.
Theo đó, khách hàng có xu hướng tìm đến các siêu thị, trung tâm thương mại lớn để mua sắm thực phẩm. Tại các cửa hàng tiện lợi như hệ thống Vinmart, số lượng khách không tăng đột biến so với ngày thường.
Hàng hoá dồi dào cung ứng cho thành phố
Mới đây, Sở Công Thương TP.HCM cho biết hiện nay tại một số hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố có mãi lực mua hàng tăng. Theo đánh giá, sự biến động xuất phát từ một bộ phận người dân mua hàng số lượng lớn, cụ thể là các mặt hàng lương thực – thực phẩm thiết yếu, thực phẩm khô…
Nắm được thông tin trên, Sở Công Thương đã chủ động làm việc với đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM như Big.C, Saigon Co.op, Satra, Vinmart, Lotte Mart, , AEON Mall,… Qua đó, cơ quan chức năng khẳng định lượng hàng hóa rất dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ từ 2-3 tháng cho thị trường thành phố.

Lượng mì gói vẫn dồi dào tại siêu thị, không có cảnh khan hàng. Ảnh: Hồng Trâm
Đồng thời, các đơn vị phân phối đã chủ động làm việc với các đơn vị sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực – thực phẩm thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trong 6 tháng cuối năm. Việc có một số thông tin khan hiếm hàng hóa và các quầy kệ trống là do nhân viên chưa kịp đưa hàng hóa lên kệ, hoàn toàn không có vấn đề thiếu hụt hàng hóa.
Do đó, Sở Công Thương thành phố thông tin người dân không nên tích trữ hàng hóa trong thời điểm hiện nay, gây tâm lý hoang mang, xáo trộn thị trường. Ngoài ra, người dân nên ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến để hạn chế đến những nơi tập trung đông người (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) và lựa chọn những đơn vị phân phối uy tín để mua hàng, tránh tình trạng vừa mua phải hàng giá cao mà chất lượng không đảm bảo.

Lượng gạo vẫn đầy ắp tại các siêu thị lớn địa bàn TP.HCM. Ảnh: Hồng Trâm
Ở góc độ sản xuất, các doanh nghiệp trong chương trình "bình ổn thị trường thành phố” cam kết sẽ ưu tiên cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, đại diện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, hiện mặt hàng thịt heo cung ứng ra thị trường không có dấu hiệu sụt giảm. Đối với sản phẩm thực phẩm chế biến, các doanh nghiệp đều khẳng định sản lượng đảm bảo đủ cung ứng đến hết quý 2/2020 và đảm bảo không tăng giá.

Các doanh nghiệp cam kết sẽ ưu tiên cung ứng, đảm bảo hàng hóa. Ảnh: Hồng Trâm
Theo đó, đại diện Vissan cho biết, nguồn hàng thực phẩm chế biến chiếm 1/2 tỷ trọng sản xuất của công ty, hiện nguyên liệu dự trữ cho sản xuất đủ dùng đến tháng 3/2021, do đó giá thành sản phẩm sẽ luôn được đảm bảo.
Đối với mặt hàng gia cầm (thịt gà, thịt vịt), sản lượng cung ứng ra thị trường tăng gấp 2 - 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ mọi năm. Nhiều doanh nghiệp có chính sách giảm giá 2 - 3% hỗ trợ người dân trong mùa dịch và đảm bảo nguồn hàng dự trữ không thiếu, cũng như giá cả ổn định. Đồng thời, các doanh nghiệp cho biết, sản lượng gạo dự trữ dảm bảo cung ứng đủ trong 6 tháng tới và giá không có biến động lớn.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : đổ xô mua sắm, siêu thị, khan hiếm