Xu hướng tiêu dùng thay đổi theo hướng nào?

Dịch Covid-19 đã và đang thay đổi hành vi của người tiêu dùng ở cả cơ cấu hàng hóa và hình thức mua sắm

hay đổi cơ cấu hàng hóa

Theo số liệu từ Worldpanel, ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong hai tháng đầu năm 2020.

xu huong tieu dung thay doi theo huong nao
Mua sắm online "lên ngôi" trong mùa dịch

Tác động của dịch Covid 19 đã khiến người tiêu dùng thay đổi cơ cấu hàng hóa mua sắm. Cụ thể, ngành hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm đóng gói và sản phẩm chăm sóc cá nhân duy trì tăng trưởng, trong khi các ngành hàng đồ uống giảm sâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sau khi thông tin về dịch bệnh lan truyền rộng rãi tại Việt Nam và tạo ra ảnh hưởng, người tiêu dùng Việt Nam tại khu vực thành thị 4 thành phố chính có xu hướng mua trữ 3 nhóm hàng hóa là các sản phẩm vệ sinh cá nhân và gia đình như nước rửa tay, xà phòng và các sản phẩm lau chùi nhà cửa; thứ hai là nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi và gia vị nấu ăn; thứ ba là các sản phẩm bổ sung dưỡng chất và giúp nâng cao hệ miễn dịch. Trong đó nhóm thứ nhất đã tăng trưởng hai chữ số, thậm chí ba chữ số.

Đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã liên tục có các cuộc họp, buổi làm việc cũng như văn bản gửi các địa phương, các kênh bán lẻ nhằm triển khai các giải pháp đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân. Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện nay các mặt hàng như nước rửa tay, gel rửa tay khô đã đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Với mặt hàng khẩu trang y tế, một số địa phương đã quy định số lượng bán hạn chế cho người dân mỗi lần mua hàng tại các hiệu thuốc, một số siêu thị, trung tâm thương mại cũng đưa ra quy định mỗi người chỉ được mua số lượng có hạn để tránh tình trạng mua tích trữ đẩy nhu cầu tăng cao đột biến.

Đối với các hàng hóa thiết yếu khác như lương thực, thực phẩm…, nguồn cung vẫn được bảo đảm: qua theo dõi tổng hợp báo cáo tại các địa phương và kiểm tra tình hình thực tế tại các siêu thị, đến hiện tại nguồn cung các hàng hóa thiết yếu vẫn được bảo đảm, không có hiện tượng khan hiếm hàng, thiếu hàng gây sốt giá.

Mua sắm online “lên ngôi”

Sự thay đổi không chỉ diễn ra ở giỏ hàng của người tiêu dùng, mà còn ở việc lựa chọn các kênh mua sắm trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát. Cũng theo Worldpanel Mua sắm trực tuyến chiếm ưu thế và bùng nổ ấn tượng. Nhiều người mua sắm trực tuyến hơn so với bình thường, đóng góp vào mức tăng trưởng 3 chữ số chỉ trong 1 tháng kể từ khi có thông báo chính thức về dịch bệnh ở Việt Nam.

Còn theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 673,96 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,3% của cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng hạn chế đến nơi công cộng mua sắm. Thay vào đó, mua sắm online là hình thức được nhiều người tiêu dùng chọn lựa hơn. Xu hướng này dự kiến còn kéo dài, đặc biệt là sau khi chính quyền các địa phương đã vận động nên tránh tiếp xúc đám đông, thay vào đó là mua sắm hàng trực tuyến để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.

Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hiện nay các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thực phẩm đều triển khai chương trình bán hàng qua điện thoại hoặc đặt hàng qua ứng dụng, trang web, giảm tần suất đến siêu thị. Doanh số qua kênh bán hàng không tiếp xúc này được ghi nhận tăng mạnh, có nhà bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng 10 lần so với ngày thường.

Trước nhu cầu này, từ ngày 16/3, hệ thống Saigon Coop đã triển khai thêm dịch vụ nhân viên siêu thị gửi đến tận nhà khách hàng phiếu đặt hàng có sẵn danh mục gồm 3 nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ thiết yếu, hóa phẩm. Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục này và liên hệ siêu thị bằng các hình thức gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua zalo, viber, tin nhắn theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được đưa tới nhà.

Mới đây, ứng dụng Be cũng đã tung ra dịch vụ ‘Be đi chợ" giải quyết nhu cầu mua hàng của người dân trong thời điểm dịch bệnh. Theo đó, thông qua ứng dụng này, khách hàng có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu từ bó rau, vỉ trứng... với hóa đơn không quá 500.000 đồng có thể yêu cầu tài xế được kết nối "đi chợ giùm". Khách chọn điểm mua hàng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng món hàng muốn mua và tài xế sẽ thực hiện công việc còn lại...

Hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán lẻ vượt qua giai đoạn khó khăn, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tập trung phát triển thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam triển khai phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường nội địa. Đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị thanh toán, khuyến khích ứng dụng thanh toán điện tử trong việc phân phối hàng hoá trên môi trường trực tuyến. Phối hợp với các đối tác, sàn thương mại điện tử ở nước ngoài để tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mở rộng thị trường đầu ra, phát triển kênh phân phối mới là xuất khẩu hàng hoá qua thương mại điện tử xuyên biên giới; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để thúc đẩy quản lý theo chuỗi, thiết lập hệ thống kiểm soát ngẫu nhiên đối với các doanh nghiệp thực phẩm (nông sản, nông sản chế biến...), tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, xác định mức độ an toàn của thực phẩm.

Theo Bảo Ngọc (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Xu hướng tiêu dùng