Tìm đầu ra cho sản phẩm: Doanh nghiệp “tự cứu mình”

Bên cạnh hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, để hạn chế những tác động thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do dịch Covid-19, doanh nghiệp nên chủ động lên phương án “tự cứu mình” thông qua những giải pháp cụ thể.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Công ty TNHH New Green Way Việt Nam (Hà Nội) - cho biết, công ty kinh doanh mặt hàng chè, chủ yếu phục vụ XK sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện dịch Covid-19, không có hợp đồng hay đơn hàng được ký, khiến DN rơi vào tình trạng khó khăn về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Lượng XK giảm khoảng 70% so với thời điểm trước khi có dịch bệnh.

tim dau ra cho san pham doanh nghiep tu cuu minh
Tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản là yêu cầu cấp thiết hiện nay

Không những vậy, hoạt động kinh doanh, bán lẻ trong nước cũng chịu thiệt hại, với sản lượng giảm khoảng 60%. Theo đó, công ty mới hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu. “Hiện nay, chúng tôi buộc phải giảm lương bằng việc đi làm ít giờ, nghỉ luân phiên, thậm chí lãnh đạo chỉ nhận 50% lương” - đại diện Công ty TNHH New Green Way Việt Nam - chia sẻ.

Đây cũng là tình trạng nhiều DN gặp phải trong thời điểm này, buộc phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) do bị “đứt gãy” một số chuỗi cung ứng về nguyên liệu đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Theo đó, cần có cơ chế hỗ trợ kịp thời và thiết thực cũng như triển khai nhanh các chính sách mới được ban hành, nhằm giúp đỡ các DN vượt qua khó khăn.

“Các ngân hàng nên giãn các khoản vay đến hạn, không đưa vào diện cảnh báo rủi ro, đồng thời nới lỏng thời gian phải nộp thuế thu nhập DN, bảo hiểm xã hội… để DN tự cơ cấu vốn” - đại diện Công ty TNHH New Green Way Việt Nam kiến nghị.

Từ góc độ cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang - cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, dự báo gây khó khăn trong việc XK các sản phẩm nông-lâm-thủy sản. Sở đề xuất, Bộ Công Thương tạo điều kiện để kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, nhất là các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương. Đặc biệt, sắp tới đến mùa vải thiều, để tiêu thụ ở thị trường trong nước và tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường XK khác.

Trước vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Công Thương, UBND các tỉnh, nhất là các địa phương có những vùng trồng lớn như vải thiều hay dưa hấu, thanh long… nếu gặp vướng mắc trong XK, sẽ đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm.

“Nếu trong trường hợp có những vướng mắc, DN cũng như các địa phương hãy gửi phản hồi về Vụ Thị trường trong nước, chúng tôi sẽ tổng hợp, kiến nghị lãnh đạo Bộ, Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho DN trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp” - ông Hoàng Anh Tuấn nói.

Bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, cộng đồng DN cũng cần chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn thông qua tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm có giá trị kinh tế cao; tăng cường tổ chức xúc tiến thương mại… Khi DN chủ động thích ứng với rủi ro, thì mức độ thiệt hại sẽ thấp hơn và chính sách hỗ trợ của nhà nước mới phát huy hiệu quả.

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, cùng ý chí vượt khó của cộng đồng DN… hoạt động SXKD sẽ nhanh chóng được hồi phục.

Theo Quỳnh Nga (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : đầu ra, Doanh nghiệp tự cứu mình