Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua sàn thương mại điện tử

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán các mặt hàng nông, thủy sản ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang gặp khó khăn. Ngành chức năng đang triển khai các giải pháp “giải cứu” trước mắt và liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua thương mại điện tử.

“Giải cứu” nông sản tồn đọng

Ông Lê Văn Thành, ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: Gia đình ông đang nuôi gần 1.000 con vịt, theo chu kỳ vịt thả nuôi từ 52-55 ngày sẽ xuất bán; tuy nhiên, đến nay vịt thả nuôi gần 70 này nhưng vẫn chưa bán được. Theo ông Thành, số lượng vịt trên đạt trọng lượng 2,5-2,7 kg/con, do không bán được nên mỗi ngày gia đình phải bỏ tiền triệu để chi phí thức ăn, chưa kể công chăm sóc.

Không chỉ gà vịt bị ứ đọng mà các loại thủy sản cũng bị ảnh hưởng, ông Hoàng Kinh Kha ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Gia đình ông đang nuôi hơn 45.000 con cá diêu hồng, đã tới kỳ thu hoạch tuy nhiên nhiên cá vẫn chưa bán được do ảnh hưởng dịch Covid-19. “Trung bình mỗi ngày gia đình phải chi đến 3,5 triệu tiền thức ăn cho cá, nếu kéo thêm thời gian thì gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, mong chính quyền địa phương cũng như tỉnh có những chính sách hỗ trợ tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm để người dân tiếp tục ổn định sản xuất”, anh Kha nói.

Tương tự tại xã Quảng Thọ huyện Quảng Điền phải đối mặt với tình trạng ứ đọng với hơn 60 ha rau má, bình quân cho thu hoạch 6 tấn, trong khi đó chỉ tiêu thu được 3 tấn, 50% sản lượng còn lại buộc phải vứt bỏ hoặc làm thức ăn cho cá.

thua thien hue ho tro tieu thu san pham nong nghiep qua san thuong mai dien tu
Nhiều hộ dân, trang trại gia cầm được các đơn vị, ban ngành "giải cứu" tiêu thụ sản phẩm trước ảnh hưởng của dịch Covid-19

Theo ngành Nông nghiệp huyện Quảng Điền, đến thời điểm hiện nay toàn huyện Quảng Điền có hơn 29.500 con gia cầm, 21.700 con thủy cầm đến thời kỳ xuất chuồng nhưng không thể tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch covid -19. Qua tính toán bình quân mỗi trang trại gà có 5.000 con mỗi ngày tiêu tốn thức ăn 1 triệu đồng, nếu tình trạng này kéo dài thì người nông dân thì sẽ gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Trước khó khăn của nông dân, UBND huyện Quảng Điền đã huy động các tổ chức đoàn thể và các cơ quan vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động chung tay tiêu thụ các mặt hàng nông sản cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp huyện cũng liên kết với công ty TNHH MTV Chăn nuôi Quốc Trung thực hiện thu mua số gà tồn đọng trong các trang trại với công suất thu mua 200 - 300 con gà/ngày; HTX Quảng Thọ cũng đang liên kết với các doanh nghiệp, công ty trên trên địa bàn để giúp nông dân tiêu thụ số rau tồn đọng.

Hỗ trợ tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử

Nhằm giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân trên địa bàn trong mùa dịch; đồng thời duy trì các hoạt động sản xuất, tạo việc làm, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên minh HTX tỉnh đã cho ra mắt "Sàn kinh tế hợp tác" (https://kinhtehoptac.com) để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

Trang "Sàn kinh tế hợp tác" hoạt động từ ngày 24/3/2020, trang cung cấp các thông tin về các sản phẩm nông nghiệp khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; kết nối giữa nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Qua "Sàn kinh tế hợp tác", người dùng thực hiện giao dịch mua hàng trực tuyến thông qua thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, giao hàng tận nơi...

thua thien hue ho tro tieu thu san pham nong nghiep qua san thuong mai dien tu
San kinh tế hợp tác sẽ hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trong thời đại công nghệ 4.0

Ông Đặng Văn Chính – Phụ trách Sàn kinh tế hợp tác cho biết: Theo ước tính đến nay đã có trên 10 nghìn lượt truy cập "Sàn kinh tế hợp tác" với hàng nghìn người đăng ký thành viên và thông tin mua sắm. Từ ngày 24/3 đến nay, đã có một số lượng lớn hàng nông sản của người nông dân trong tỉnh được tiêu thụ với mức giá vừa đảm bảo cho người nông dân thu hồi nguồn vốn và mức lãi cơ bản để tái tại sản xuất trong thời gian tới.

Chị Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu Cơ Huế Việt cho biết: Sau chiến dịch chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, công ty đã thu mua hơn 6500 con gà vịt sạch từ các trang trại huyện Quảng Điền và Phong Điền. Sau khi thu mua Công ty giới thiệu sản phẩm trên Sàn Kinh tế hợp tác, trung bình công ty bán khoảng 100 con gà vịt sạch trong một ngày. “Việc hình thành "Sàn kinh tế hợp tác" dưới hình thức bán hàng và kết nối trực tuyến bước đầu đã góp phần tích cực trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con nông dân cũng như định hướng phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử cho các doanh nghiêp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, chị Huệ chia sẻ.

Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Sàn Kinh tế hợp tác là một công cụ rất hữu ích trong việc giúp người dân giải cứu những nông sản hiện nay đang tồn đọng do dịch Covid-19. Thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo Hôi doanh nhân, Hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và người nông dân cùng trao đổi hợp tác nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương là đầu mối phối hợp với chính quyền các huyện làm việc trực tiếp với các hộ nông dân, cơ sở sản xuất để nắm bắt số liệu, số lượng yêu cầu cần hỗ trợ tiêu thụ.

Theo Hầu Tỷ (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Thừa Thiên Huế, Hỗ trợ tiêu thụ, sản phẩm nông nghiệp, thương mại điện tử