Ngành công nghiệp hỗ trợ: Tìm cơ hội trong khó khăn
Tác động từ dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đang đối mặt với rủi ro vì doanh thu giảm. Nhưng, nhờ biết tận dụng cơ hội trong khó khăn, riêng ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lại tăng doanh số nhờ đơn hàng tăng
Tín hiệu vui
Khó khăn trong xuất khẩu (XK), giúp nhiều DN ngành CNHT đã chuyển hướng tiêu thụ tại thị trường trong nước. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho các DN sản xuất, mà còn giúp DN CNHT được hưởng lợi, bởi tiêu thụ nội địa vừa rút ngắn thời gian giao dịch, vừa giảm chi phí vận chuyển đang tăng cao.
Chuyển hướng tiêu thụ tại thị trường nội địa là giải pháp mà doanh nghiệp CNHT ứng phó với khủng khoảng |
Đơn cử như Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, do bị hạn chế nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, một số DN đã tìm đến công ty sản xuất nguyên liệu trong nước. Nhờ đó, lượng đơn đặt hàng của công ty đã tăng gấp đôi.
“Việc này không chỉ hỗ trợ các DN dệt may trong nước sản xuất thuận lợi hơn mà còn giúp họ hưởng lợi, bởi tiêu thụ nội địa vừa giúp rút ngắn thời gian giao dịch, vừa giảm chi phí vận chuyển”- đại diện DN cho hay.
Tiếp đến phải kể đến các DN trong ngành cao su, từ 3 tháng nay họ sản xuất các linh, phụ kiện như gioăng cho ngành cấp thoát nước, gioăng silicon nắp hộp thức ăn y tế, hay giày đi tuyết XK tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Đức.
Ông Trần Minh Khải – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Cao su Thái Dương - bày tỏ, nguồn hàng từ Trung Quốc bị gián đoạn, nên đa số khách hàng chuyển đến đặt hàng tại Việt Nam nhiều hơn.
“Từ đầu năm đến nay các đơn hàng về linh kiện, phụ trợ đều có đơn hàng, XK của công ty tăng trung bình hơn 10%. Đây là cơ hội cho các DN Việt Nam tổ chức lại sản xuất và khai thác hết công suất nhà máy”- ông Trần Minh Khải thông tin.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TP.Hồ Chí Minh (Trung tâm) - cho biết, bên cạnh các DN đầu tư nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam, các nhà sản xuất ở các nước cũng trực tiếp liên hệ với Trung tâm để nhờ hỗ trợ tìm nhà cung cấp và đặt hàng sản xuất. Cụ thể, có ít nhất 5 nhà sản xuất với thương hiệu lớn trên thế giới gồm 2 DN Nhật Bản và 2 DN Hàn Quốc đang sản xuất tại Trung Quốc cùng một nhà sản xuất tại Đức có đề nghị này. Những DN trên chuyên sản xuất những mặt hàng điện tử gia dụng, máy móc công nghiệp đặt hàng những sản phẩm cơ khí chính xác, linh kiện điện tử, xi mạ…
“Đây là cơ hội cho các nhà cung cấp, sản xuất các sản phẩm CNHT trong nước phát triển và mở rộng thị trường”- bà Lê Nguyễn Duy Oanh khẳng định.
Chủ động trước “khủng hoảng”
Thực tế trên cho thấy, dù đang trong giai đoạn khó khăn nhưng cũng mở ra những cơ hội, nếu tận dụng được, các DN CNHT trong nước hoàn toàn có khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các DN CNHT cần làm tốt bài toán đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất để có thể đảm nhận những đơn hàng lớn.
Cụ thể, theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, bản thân DN phải quyết tâm trong việc thay đổi tư duy quản trị, cộng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước và sự đồng hành hỗ trợ của nhà sản xuất (đơn vị mua hàng). Vấn đề này, trong những năm qua Tập đoàn Samsung đã thực hiện và đưa được một số nhà cung cấp trong nước trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các dự án ở Việt Nam của hãng hiện nay.
Theo Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam, nhiều DN khác trong ngành cũng liên tiếp nhận được đơn đặt hàng. Tuy nhiên, do phải đảm bảo về quy trình sản xuất, tối ưu chi phí sản xuất, nên DN cần thêm thời gian mới có thể đáp ứng.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, số DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT đang chiếm khoảng 5% trong tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, nhiều DN đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, còn một số DN vẫn thiếu và yếu về quy mô cũng như năng lực. Vì thế, các sản phẩm của họ chủ yếu vẫn là linh, phụ kiện đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phát triển ngành CNHT. Cụ thể là đầu tư nguồn lực từ ngân sách trung ương và địa phương để tập trung phát triển CNHT, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Quyết tâm thay đổi tư duy và tận dụng tối đa những chính sách hỗ trợ của nhà nước, có thể giúp ngành CNHT đứng vững trong khủng hoảng. |
Từ khóa : Ngành công nghiệp hỗ trợ, Tìm cơ hội