Bến Tre: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, Sở Công Thương Bến Tre đã phối hợp với các sở, ngành chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất để có thể triển khai ngay khi qua đợt hạn mặn và hết dịch bệnh.

Thông tin từ Sở Công Thương Bến Tre cho biết, trong quý I/2020 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 261,7 triệu USD, giảm nhẹ 4,65% so cùng kỳ (so với quí 1.2019 tăng trên 20%) và đạt 18,69% kế hoạch năm.

Theo Sở Công Thương, mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ, song đây vẫn là kết quả đáng khích lệ bởi các ngành hàng chủ lực như thủy hải sản, dệt may, da giày, nông sản đều đạt kim ngạch khả quản. Cụ thể, thủy hải sản tăng 16,04%; nước cốt dừa 8,68%, nước dừa 8,56%, dệt may và da giày 30,56%, túi xách 14,53%, điện tử và linh kiện 3,89%,...

ben tre ho tro doanh nghiep phuc hoi san xuat

Xuất khẩu thủy hải sản của Bến Tre 16,04% trong quý I/2020.

Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Châu Văn Bình cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tháng 3/2020. Theo đó, ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là may mặc, da giày, túi xách. Nguyên nhân là do từ giữa tháng 3, nhiều đối tác nước ngoài (chủ yếu là châu Âu, Mỹ, một số nước Bắc Mỹ) đã tạm ngưng, giảm qui mô sản lượng, giãn tiến độ nhập khẩu và không đàm phán hợp đồng mới do sức mua thị trường nhập khẩu khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng đến đầu ra của doanh nghiệp sản xuất, riêng thị trường Nhật Bản vẫn duy trì nhưng giá trị kim ngạch không lớn. Mặc khác, nguyên liệu sản xuất bị thiếu hụt trầm trọng, do nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc, một phần của Hàn Quốc và của Nhật Bản.

Cùng với đó, tình hình hạn mặn có diễn ra gay gắt, các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, không sản xuất được, nhất là các doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp, do nguồn nguyên liệu nông sản ít.

Nhận định về tình hình xuất khẩu trong thời gian sắp tới, Sở Công Thương cho rằng, từ quý II/2020, hoạt động xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng mạnh do dịch bệnh đang lan rộng sang các nước khu vực châu Mỹ, EU, Đông Á, Trung Đông, châu Phi… Đây là những thị trường xuất khẩu chủ lực và tiềm năng của tỉnh, chiếm gần 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, do các doanh nghiệp gia công hàng dệt may, da giày, túi xách chưa tìm được đối tác nhập hàng mới, bị thiếu nguyên liệu sản xuất… do đó sẽ ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu. “Hiện nay, nguồn dự trữ tại kho của một số doanh nghiệp sắp hết và nguồn nhập mới về chưa có. Nếu muốn đàm phán các đối tác mới thì ít nhất phải mất thời gian 6 tháng”, ông Bình thông tin.

Cũng theo ông Bình, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất để có thể triển khai ngay khi qua đợt hạn mặn và hết dịch bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu đối với thị trường trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới. Vừa qua, Sở đã tổ chức tiếp và làm việc với đoàn doanh nghiệp Singapore đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kết nối giao thương ngành rau củ quả, thực phẩm tại tỉnh Bến Tre,....

Ngoài ra, sở sẽ tập trung giúp doanh nghiệp khởi động lại các hợp đồng đã ký, giữ được các khách hàng truyền thống và mở rộng đối tác mới thông qua các hội chợ triển lãm, hội chợ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP Bến Tre. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng chuỗi 12 cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Theo Kim Ngân (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Bến Tre, Hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi sản xuất