Đẩy nhanh dự án công nghiệp trọng điểm
Có mức tăng trưởng khá trong quý I/2020 với 5,28%, nhưng diễn biến của dịch Covid-19 đang khiến thị trường đầu ra của các sản phẩm công nghiệp gặp khó.
Duy trì tăng trưởng
Theo Bộ Công Thương, quý I/2020, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%, đóng góp 58,4%. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 5,28% so với cùng kỳ năm trước. Con số này thấp hơn nhiều mức tăng của quý I/2018 và 2019, song vẫn đóng góp 1,89 điểm phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Một số ngành sản xuất công nghiệp (SXCN) có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, tăng 28,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế và khai thác quặng kim loại, tăng 22,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, tăng 8,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, tăng 8,4%.
Sẽ tập trung tái cơ cấu một số ngành công nghiệp lớn |
Đáng chú ý, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, chủ yếu là điện thoại di động, linh kiện điện tử - ban đầu dự đoán sẽ sụt giảm do nguồn cung linh phụ kiện đầu vào bị hạn chế, nhưng lại là ngành tăng trưởng tốt, với mức tăng 14,3%.
“Nguyên nhân, do Samsung cho ra đời dòng điện thoại di động thế hệ mới S20, tiêu thụ tốt trong tháng 2 và 3 với khối lượng lớn. Thứ hai, dòng vốn đầu tư FDI tiếp tục dịch chuyển vào Việt Nam. Thứ ba, các sản phẩm ngành này XK vào các thị trường truyền thống tốt hơn”- ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – phân tích.
Thúc đẩy tái cơ cấu
Nếu như trong tháng 1, 2, dịch Covid-19 mới bùng phát ở một số quốc gia, khiến ngành công nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, thì bắt đầu từ tháng 3, dịch đã lan đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế hoạt động của các trung tâm thương mại… tác động lớn đến thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, cùng với đó là những vấn đề về sản xuất và người lao động.
Bước sang quý II/2020, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tập trung thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực SXCN. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ, cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho SXCN, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn như: Dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ theo hướng bền vững hơn… tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một đối tác, thị trường.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm. Phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu. Đồng thời, đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế hàng nhập khẩu.
Từ khóa : dự án công nghiệp, trọng điểm