Để tránh cảnh ‘ngủ đông’ lâu dễ chết lâm sàng, nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt chuyển hướng bán thức ăn, thực phẩm online

Bắt đầu từ tháng 3/2020, kha khá nhà hàng – khách sạn trực thuộc Saigontourist mở thêm dịch vụ bán online, nền tảng đặt phòng trực tuyến iVIVU triển khai dịch vụ bán combo cơm trưa online, trong khi những doanh nghiệp lữ hành nho nhỏ như Huế Smile hay BI Travel đóng cửa chuyển hẳn sang bán đặc sản địa phương.

Dạo một vòng mạng xã hội cùng các kênh truyền thông, chúng ta sẽ dễ dàng thấy rất nhiều tay chơi mới xuất hiện trong mảng bán thức ăn – thực phẩm online, nhiều nhất là công ty đến từ ngành lữ hành. Sau khi có lệnh giãn cách xã hội, hầu hết doanh nghiệp lữ hành đã tạm đóng cửa văn phòng.

Nếu đi sâu tìm hiểu một chút, không khó để chúng ta có thể lý giải xu hướng này: đơn giản bởi ẩm thực là một mảng mà hầu hết công ty lữ hành buộc phải am hiểu – trải nghiệm nếu muốn làm tốt công việc của mình. Tuy nhiên, không phải công ty lữ hành nào cũng có thể dễ dàng nhảy sang lĩnh vực mới này, mà ít nhất phải có nền tảng sẵn.

Như Saigontourist, ngoài việc bán tour, họ còn hệ thống gần 100 nhà hàng – khách sạn rải rác khắp cả nước; việc chuyển từ bán offline sang online có thể khó khăn, nhưng không phải là không thể. Ngoài ra, khách sạn, nhà hàng của Saigontourist thuộc phân khúc 4 đến 5 sao, song món ăn khá thuần Á và thường nằm giữa trung tâm thành phố, thuận lợi cho việc vận chuyển tận nhà.

Ngược lại, dù Sun Group cũng có hệ thống khách sạn – resort trải dài khắp cả nước, song hầu hết cơ sở của họ nằm khá xa trung tâm thành phố, món ăn theo phong cách quốc tế nên lại khó để bán online.

Hay như iVIVU, trực thuộc Thiên Minh Group. Tập đoàn này lại có một hệ thống nhà hàng 3 sao tên Spice Viet trải đều các thành phố lớn, giúp iVIVU có thể nhanh chóng cho ra thêm dịch vụ mới là giao cơm trưa tận nhà. Trong khi các nền tảng du lịch trực tuyến khác như Traveloka, Booking hay Agoda, nếu muốn tham chiến vào lĩnh vực này sẽ phải set-up rất lâu.

Ở khía cạnh khác, do có quy mô nhỏ và am hiểu văn hoá, ẩm thực địa phương, nên CEO của Huế Smile hay BI Travel khi phải đóng cửa doanh nghiệp lữ hành của mình, dễ dàng chuyển hẳn sang bán đặc sản Huế hoặc Phan Rang mà không có bất cứ rào cản nào. Nếu là doanh nghiệp lữ hành lớn, như Viettravel hoặc Lửa Việt, để tạm dừng tất cả hoạt động kinh doanh cốt lõi rồi chuyển hẳn sang bán đặc sản địa phương nào đó là điều không tưởng.

Saigontourist huy động nhiều nhà hàng, khách sạn 4 đến 5 sao lấn sân mảng F&B online

Bắt đầu từ tháng 3/2019, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp ở Việt Nam, Saigontourist bắt đầu triển khai dịch vụ mới cho các nhà hàng – khách sạn từ 3 sao trở lên: giao thức ăn tận nơi ở nhiều tỉnh thành như TP. HCM, Quảng Trị, Buôn Ma Thuộc, Phú Thọ…

Tại TP. HCM, chương trình giao thức ăn tận nhà được áp dụng cho khách sạn 5 sao Grand và Rex, khách sạn Đồng Khánh, khách sạn Sài Gòn, Khách sạn Liberty Central Saigon Citypoint, nhà hàng Thủy tạ Đầm Sen…

"Điểm chung của hình thức phục vụ ‘outside cartering’ tại các khách sạn 5 sao kể trên là sản phẩm và chất lượng dịch vụ được đảm bảo đúng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các khách sạn sử dụng xe ôtô riêng để phục vụ tận nơi và đảm bảo đúng quy trình giao nhận.

Trong trường hợp phục vụ tận nơi với số lượng dưới 20 khách trong khuôn viên văn phòng, bộ phận F&B của khách sạn sẽ trang bị đủ công cụ, dụng cụ chuẩn của khách sạn như khi phục vụ tại chỗ. Trường hợp phục vụ số lượng dưới 5 phần, khách sạn sẽ sử dụng dụng cụ đựng thức ăn bằng hộp riêng, đảm bảo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo hình thức này, khách sạn còn phục vụ ẩm thực tận nơi dành cho các yêu cầu về điểm tâm sáng, phục vụ buổi trưa và buổi tối theo yêu cầu với những nhóm khách quy mô nhỏ", Saigontourist miêu tả cụ thể.

Trong khi đó, khách sạn Đồng Khánh cho biết đã treo bảng thông báo tạm ngưng phục vụ tại chỗ theo quy định và thay vào đó bằng bảng thông báo phục vụ theo hình thức take away - mang đi. Thời điểm này, khách hàng có thể tự đặt xe mang về hoặc khi đặt mua thông qua kênh trực tuyến, khách sạn sẽ đặt xe hộ, sau đó khách tự thanh toán các chi phí dịch vụ khi nhận hàng. Khách sạn Sài Gòn có chương trình độc đáo "Buffet ốc tại nhà", các món ốc sẽ được làm thành những combo với nhiều mức giá khác nhau theo yêu cầu, kèm ưu đãi miễn phí giao hàng trong cự ly 3 km.

Các đơn vị khách sạn thành viên thuộc Saigontourist Group tại các tỉnh, thành cũng nhanh chóng thích ứng với tình hình kinh doanh thời Covid-19 bằng hình thức giao hàng tận nơi.

Đơn cử như khách sạn Sài Gòn - Đông Hà (Quảng Trị) có chương trình "fast ship" (giao hàng nhanh) với thực đơn bao gồm những món ăn nóng sốt, giá cả phải chăng, thực hiện theo đơn đặt hàng từ xa. Với những đơn hàng theo hình thức này, khách sạn áp dụng ưu đãi miễn phí giao hàng cho khách ở khu vực nội thành thành phố Đông Hà với đơn hàng từ 200.000 đồng.

iVIVU kết hợp hệ thống nhà hàng Spice Viet mở dịch vụ "Bữa trưa thảnh thơi"

Cách đây vài hôm, iVIVU vừa chính thức giới thiệu dịch vụ mới: cơm trưa giao tận nhà.

Theo lời giới thiệu của iVIVU cũng như thông tin trên website của họ, thì hiện họ có 3 phong cách ẩm thực của 3 vùng Bắc – Trung – Nam lần lượt theo thực đơn của 3 đầu bếp Chu Anh Tiệp - Spice Viet Hà Nội, Huỳnh Văn Pháp – Spice Viet Huế và Nguyễn Tấn Trung – Spice Viet Sài Gòn.

Đây là giải pháp ‘một mũi tên trúng 2 đích’ của tập đoàn chuyên về du lịch Thiên Minh, bởi cả iVIVU và hệ thống nhà hàng 3 sao Spice Viet đều thuộc doanh nghiệp này.

Một bữa ăn trong combo cơm trưa của iVIVU.

"Đầu bếp Nguyễn Tấn Trung có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các khách sạn 5 sao, nhà hàng nổi tiếng tại TP.HCM như: Windsor Plaza hotel, Sofitel Saigon, MgallerySaigon… và hiện nay là bếp trưởng của Spice Viet Saigon. Đầu bếp Nguyễn Tấn Trung có thế mạnh với khả năng biến tấu các món ăn phong vị Âu, Á, Hoa và đặc biệt là khả năng thiết kế bữa trưa văn phòng đủ dưỡng chất, ngon miệng", iVIVI giới thiệu về một trong ba đầu bếp của mình.

Combo ăn trưa mà iVIVU giới thiệu gồm 3 mức giá 199.000 - 299.000 - 399.000 đồng và được đưa tới tận nhà trong 5 ngày/tuần. Tất cả đều không bao gồm cơm thêm và nước uống, cơm thêm sẽ được tính 2.000 đồng/ngày, cà phê và trà chanh sẽ tính thêm 10.000 đồng/ngày. Chương trình "Bữa trưa thảnh thơi" này cho phép thực khách đặt món ăn theo khẩu vị 'đậm đà' hoặc 'thanh đạm'.

Dù mới chính thức ra mắt dịch vụ mới khoảng 1 tuần, nhưng có vẻ nó rất được người tiêu dùng ủng hộ, bằng chứng là iVIVU đã mở rộng phạm vi giao hàng với tốc độ ‘tên lửa’: từ 6 Quận lên 15 Quận tại TP. HCM và đã kịp tiến quân ra Hà Nội, giao hàng trong 6 Quận trung tâm.

Các doanh nghiệp lữ hành nhỏ quyết liệt đóng cửa chuyển nghề bán đặc sản địa phương

Không phải đắn đo nhiều như các doanh nghiệp vừa và lớn, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã chọn đóng cửa công ty ngay từ đầu tháng 3, khi dịch Covid-19 lan rộng; ví dụ tiêu biểu là BI Travel và Huế Smile.

Anh Vạn Quang Vỹ - CEO của BI Travel chia sẻ cụ thể với chúng tôi: "BI Travel chủ yếu làm tour cho doanh nghiệp, vì thế trong giai đoạn I ảnh hưởng cũng không nhiều như các công ty lữ hành khác về khách ghép đoàn hay tour nước ngoài. Tuy nhiên, tại giai đoạn II, trước tình hình nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa ‘ngủ đông’ thì biện pháp đầu tiên của tôi là rút về quê Phan Rang tránh dịch một thời gian và theo dõi hành vi tiêu dùng của người dùng thời gian này".

Tranh thủ khoảng thời gian về quê Phan Rang để tránh dịch, anh Vạn Quang Vỹ đã đẩy mạnh việc bán các đặc sản quên nhà như nho, gà ta, măng tây, nước mắm cho khách hàng và người quen tại TP. HCM qua online.

BI Store là giải pháp kiếm thêm thu nhập của anh Vạn Quang Vỹ khi phải tạm thời đóng cửa BI Travel.

"Hiện tại mùa dịch, nên nhu cầu đặt hàng online của mọi người cũng nhiều và sản phẩm của BI Store rất được bạn bè ủng hộ; vì thế sản phẩm măng tây, gà ta Phan Rang cũng vào Sài Gòn thường xuyên. Dựa vào đó, tôi có thể có thêm ý tưởng các dòng sản phẩm cho BI Store để tạo thêm thu nhập mùa này, cũng như bước đệm nghiên cứu thêm sản phẩm kinh doanh mới. Phân khúc tôi chọn đựa vào các gia đình có nhu cầu dùng sản phẩm trực tiếp và sạch", anh Vạn Quang Vỹ nói về mảng kinh doanh mới.

Ngày 11/3/2010, trên Facebook của Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh – CEO của Huế Smile có thông báo chính thức bán thêm đặc sản cố đô Huế, như các loại bánh lọc, nậm, ram, ít, tré. Cụ thể, các loại bánh sống nói trên sẽ được cấp đông, đóng gói hút chân không và có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Việc bán hàng sẽ được triển khai trên toàn quốc.

Cũng chỉ 2 ngày sau đó, vị nữ doanh nhân này đã thực hiện 1 clip và đăng lên website của Huế Smile, đơn vị lữ hành này sẽ tạm ngưng đón khách và nghỉ ngơi một thời gian, cho đến lúc đại dịch Covid được kiểm soát.

"Huế Smile sẽ tạm ngừng đón khách nhưng vẫn tiếp tục làm marketing. Chúng tôi cũng giảm lương cơ bản của nhân viên, hướng dẫn nhân viên làm việc ở nhà. Doanh nghiệp sẽ dành phần tích luỹ để trả lương nhân viên. Về khách hàng, Huế Smile mạnh dạng đề nghị khách hàng hãy tạm hoãn các chuyến du lịch vì an toàn là trên hết.

Ngoài ra, Huế Smile cũng mở ra 1 dịch vụ mới: kinh doanh đặc sản tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm giúp nhân viên có thêm thu nhập và quảng bá ẩm thực Huế đến với khách hàng", chị Ngọc Quỳnh bày tỏ trong clip.

Cũng theo chị, dù biết dự án bán đặc sản Huế sẽ rất khó khăn nhưng đây là một kế hoạch dài hơi, rút kinh nghiệm từ những gì mà Huế Smile phải gánh chịu khi đại dịch Covid-19 kéo đến. Theo chị, rõ ràng chúng ta không nên ‘bỏ trứng vào một giỏ’ và Huế Smile đã không có phương án dự phòng khi khó khăn kéo đến. Ngành hàng mới này sẽ là phương án phòng tránh cho công ty sau này nếu lại rơi vào hoàn cảnh bế tắc lần nữa.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, các cửa hàng kinh doanh chuyển đổi mô hình từ truyền thống sang bán online chưa đủ, mà các cửa hàng nên tự xây dựng và quản lý một kênh bán độc lập do mình làm chủ. Nhờ đó, cửa hàng có thể duy trì mô hình bán online lâu dài, hợp tác song song với nhiều kênh bán và kênh giao hàng một lúc, tránh phụ thuộc vào đối tác hợp tác độc quyền, đồng thời đảm bảo giữ được data khách hàng.

Một giải pháp quản lý bán hàng nên dễ dùng, chi phí rẻ, giải quyết đồng bộ bài toán từ kinh doanh (tư vấn, chốt đơn, đặt hàng, giao hàng online) đến vận hành (quản lý kho, thống kê đơn hàng, lãi, lỗ,...).

Giải pháp BizFly Quản lý bán hàng của VCCORP có thể giải quyết được tất cả các vấn đề trên. Giải pháp dành riêng cho khối bán lẻ, giúp bất kỳ doanh nghiệp, cửa hàng chuỗi, chủ shop truyền thống nào cũng có thể tự triển khai một kênh bán thông qua:

1. Chatbot ảo thay thế nhân viên thực, trực chiến 24/7 giúp tư vấn và chốt đơn hàng tự động

2. Kết nối sẵn với các đơn vị giao hàng, order giao nhanh trong tích tắc

3. Gửi code giảm giá, flash sale tự động kích thích khách cũ mua thêm

4. Thống kê hàng tồn, hàng bán chạy,...

5. Quản lý hệ thống danh mục sản phẩm, nhập kho/ tồn kho/ xuất kho

Quỳnh Như

Theo Trí Thức Trẻ

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : ngủ đông, chết lâm sàng, doanh nghiệp lữ hành Việt, bán thức ăn, thực phẩm online