Doanh nghiệp bán lẻ tăng doanh thu nhờ “đi chợ hộ”

Trong khi hàng loạt các cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lại có “đất sống” nhờ chuyển đổi mô hình kinh doanh, kịp thời thích ứng các thay đổi từ thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Tăng doanh thu mùa dịch

Trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp bán lẻ như BigC hay Co.op, Vinmart... đã đẩy mạnh giao hàng online và dịch vụ “đi chợ hộ”, “đi chợ giùm bạn” kết hợp với các ứng dụng giao hàng Grab, Be hay Now cho những mặt hàng thiết yếu.

Để thích ứng với sự chuyển đổi trong xu hướng kinh doanh khi người tiêu dùng không thể đến tận nơi lựa chọn hàng, mua sắm, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, các đơn vị bán lẻ đã nâng cao chất lượng dịch vụ từ sản phẩm tới khâu giao hàng. Đồng thời, việc triển khai nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi giúp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ có doanh thu tăng vọt trong thời gian qua.

doanh nghiep ban le tang doanh thu nho di cho ho
Dịch vụ “đi chợ hộ”, giao hàng tại bùng nổ mùa dịch.

Theo Saigon Co.op - nhà bán lẻ có mạng lưới hơn 800 điểm (bao gồm Co.opmart, Co.opmart SCA, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife, Co.op Smile), để ứng phó kịp tình hình trong bối cảnh khó khăn chung doanh nghiệp đã tăng cường hệ thống, nhân lực phục vụ cho nhu cầu đặt hàng và giao hàng qua điện thoại của khách hàng kể từ ngày 16/3.

Kết quả kinh doanh của Co.op tới cuối tháng 3 đã ghi nhận 20.000 đơn hàng từ người tiêu dùng, trong đó 50% khách hàng đặt thông qua Zalo, Viber. Các đơn hàng tập trung chủ yếu vào nhu thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, mì gói, nước uống, nước giải nhiệt… với đơn hàng giá trị cao nhất lên tới 10 triệu đồng .

Bên cạnh Co.op, nhà bán lẻ BigC cũng đã kịp thời triển khai nhiều tiện ích mua sắm cho người dùng thông qua các ứng dụng mua sắm thông minh như Go! và BigC app - “trợ lý” mua hàng tiết kiệm thời 4.0. Cùng những cải tiến dịch vụ như giao hàng trễ nhất chỉ trong 4 tiếng, hàng hóa luôn đảm bảo chất lượng, giá cả cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn đã giúp BigC ghi nhận chỉ số tăng trưởng mạnh.

Theo đại diện của BigC cho biết, sau hơn 2 tháng áp dụng chương trình bán hàng qua điện thoại, giao hàng tận nhà, hệ thống siêu thị BigC đã tăng doanh số bán hàng rất khả quan. Tại các siêu thị BigC ở khu vực miền Nam, trong tháng 3/2020 ước đạt khoảng 3.000 đơn hàng; so với tháng 2/2020, tăng trưởng khoảng trên 200%. Khách hàng có phản hồi rất tích cực vì thời gian giao hàng nhanh, đảm bảo.

Tại các siêu thị BigC khu vực miền Bắc, lượng khách đặt hàng đang tăng lên nhanh chóng từng tuần, giá trị đơn hàng bình quân tăng 80-120% so với các tuần trước đó. Theo đánh giá của nhà cung cấp này, khách hàng khá hài lòng với giao dịch online, vừa được mang hàng tận nơi, không phải chờ đợi thanh toán lại không lo dịch bệnh.

Mặc dù có mặt trên thị trường sau so với các hãng dịch vụ khác nhưng Thế giới Di động cũng đã kịp thời thích ứng với sự đóng góp của dịch vụ “đi chợ giùm bạn” trong chuỗi Bách Hóa Xanh đã khiến thị trường mua bán online đối với các mặt hàng thiết yếu trở nên sôi động hơn.

Đồng thời, nhờ khắc phục được những hạn chế của nhiều hãng dịch vụ như áp giá đơn hàng quá cao từ 200.000 đồng - 500.000 đồng, hay như thời gian giao hàng chậm, nhờ dịch vụ giao hàng “thần tốc” chỉ từ nửa tiếng đồng hồ, cam kết giao hàng đúng giờ, nếu trễ sẽ đền 20.000 đồng, và áp dụng giao hàng với đơn hàng chỉ từ 45.000 đồng... đã giúp Bách Hóa Xanh nhận được những phản hồi tích cực của khách hàng và góp phần thúc đẩy doanh thu của TGDĐ tăng trưởng mạnh nhờ những kết quả kinh doanh trước đó.

Trong tháng 03/2020, số lượng hóa đơn theo tháng của BHX tăng đến 5 triệu (17 triệu hóa đơn trong tháng 3/2020 so với 12 triệu hóa đơn trong tháng 2/2020), và lưu lượng khách hàng tại các cửa hàng (600-800 người mua sắm hàng ngày trong tháng 3/2020 so với mức 500 người/ngày thông thường). Nhờ đó, doanh thu/tháng/cửa hàng đạt mức kỷ lục từ 1,53-1,62 tỷ đồng.

Anh Phạm Thanh Phong, đại diện của Thế giới Di động (TGDĐ) cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng công ty luôn có đề ra những phương án kinh doanh dựa trên tình hình thực tế phù hợp. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo nguồn hàng cung ứng, đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng luôn được công ty chú trọng”.

Thúc đẩy xu hướng bán hàng đa kênh

Dịch vụ “đi chợ giùm” bùng nổ mạnh mùa dịch song một điều dễ nhận thấy là niềm tin của các bà nội trợ đặt phần nhiều vào các chuỗi siêu thị có tên tuổi, với giá cả hợp lý, nguồn gốc rõ ràng, giao hàng nhanh chóng… Đó là một lợi thế lớn thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ trên kênh mua bán trực tuyến.

Cũng theo nhận định của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, mua sắm online, thanh toán trực tuyến đang đem đến cho người dân sự tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ, thì hình thức đặt hàng qua điện thoại đang là xu hướng mua sắm mới, phù hợp trong giai đoạn dịch bệnh Covid – 19, và sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng kể cả sau mùa dịch.

Đánh giá về sự nhập cuộc của các doanh nghiệp bán lẻ trong thị trường thương mại điện tử thời gian qua, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: “Trước tình hình khó khăn của dịch bệnh, trong điều kiện sống còn của doanh nghiệp, tôi đánh giá cao sự chuyển mình kịp thời, đúng hướng của các doanh nghiệp bán lẻ. Thực tế ghi nhận từ đầu mùa dịch tới nay họ đã làm khá nhanh và đang làm rất tốt. Chính điều này giúp các doanh nghiệp bán lẻ duy trì được hoạt động kinh doanh trong thời kỳ đang có dịch. Cụ thể, tất cả các cửa hàng, siêu thị bán nhu yếu phẩm đã chuyển qua bán online với nhiều hình thức sáng tạo, thu hút người tiêu dùng”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, để xu hướng mua bán online thực sự bền vững và có thể phát triển trong tương lai thì chính các doanh nghiệp phải có sự kết hợp cả kênh truyền thống và kinh online, rút kinh nghiệm, cải thiện dịch vụ từ chính những trải nghiệm, đánh giá của người tiêu dùng trong thời gian vừa qua như vấn đề thanh toán, chất lượng hàng hóa, phương thức giao hàng cầng được nâng cao.

doanh nghiep ban le tang doanh thu nho di cho ho
Dịch vụ “đi chợ giùm bạn” trong chuỗi Bách Hóa Xanh của Thế giới Di động.

Đặc biệt, các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần phát huy hơn nữa những lợi thế của kinh doanh online như tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ môi trường. Điều này cũng phù hợp với xu hướng về việc bán hàng đa kênh mà các doanh nghiệp hướng đến. Chính từ sự trải nghiệm tốt hơn từ phía người tiêu dùng và doanh nghiệp có những cải thiện dịch vụ thương mại điện tử đáp ứng sự hài lòng cao của khách hàng sẽ thúc đẩy mua bán điện tử duy trì và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương cũng đã có những chỉ đạo Cục TMĐT và Kinh tế số có những phương án hỗ trợ đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp như: tập trung giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng hiểu biết hơn về thương mại điện tử, phát triển tốt hơn hệ thống giải quyết được các khiếu nại và thanh toán trực tuyến. Đối với doanh nghiệp cũng sẽ có những hỗ trợ ngay từ đầu, từ việc thành lập webside, đến hướng dẫn bán, kết nối với các sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm lớn.

Ngoài việc thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Chính phủ trong việc người dân giãn cách xã hội và đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu đối với người tiêu dùng, việc chuyển mình kịp thời, đúng lúc, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ đã bước đầu mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.

Theo Đỗ Nga (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Doanh nghiệp bán lẻ, tăng doanh thu, đi chợ hộ