Đà Nẵng: Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu “sống tốt” nhờ chủ động thích ứng

Dù duy trì đà xuất siêu nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Đà Nẵng quý I/2020 giảm so với cùng kỳ năm 2019. Đi ngược với đà giảm tăng trưởng, một số doanh nghiệp xuất khẩu của Đà Nẵng đã chủ động thay đổi thích ứng, nắm bắt cơ hội từ Covid-19 để đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng.

Quý I/2020, Đà Nẵng vẫn duy trì đà xuất siêu

Do sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng, giao thương với Trung Quốc bị “ách” lại, sức tiêu thụ tại thị trường EU, Mỹ, Nhật… chững lại do dịch Covid-19 vì vậy các hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố có chiều hướng giảm mạnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn TP. Đà Nẵng tháng 3/2020 ước đạt 195,9 triệu USD, giảm sâu tới 22,8% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 110 triệu USD, giảm 23,7%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 85,9%, giảm 21,5%. Cộng dồn quý I/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 589,6 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 332,9 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 256,7 triệu USD, giảm 14,7%.

da nang nhieu doanh nghiep xuat khau song tot nho chu dong thich ung
Dệt may Đà Nẵng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid - 19

Như vậy, dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, nhưng Đà Nẵng vẫn duy trì đà xuất siêu với hơn 76,2 triệu USD.

Chịu tác động rõ nét do ảnh hưởng của Covid-19 là các doanh nghiệp dệt may. Chỉ số sản xuất công nghiệp của các đơn vị dệt may trên địa bàn TP. Đà Nẵng quý I đã giảm mạnh tới 36,1% so với cùng kỳ do bị hụt nguồn nguyên liệu đầu vào. Tại nhiều doanh nghiệp may mặc lớn như Công ty TNHH may mặc Ba Sao, Công ty CP Dệt may 29/3, Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ…. phụ thuộc từ 30-50% nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Một số doanh nghiệp đã bị đối tác hủy đơn hàng xuất khẩu do không đảm bảo tiến độ giao hàng như Công ty CP Dệt may Hòa Khánh….

Một số lĩnh vực cũng chịu tác động tiêu cực của Covid-19 như đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm xuất khẩu phục vụ du lịch…. Ông Huỳnh Trinh - Giám đốc Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng - cho biết, các đơn hàng của công ty chủ yếu sang thị trường châu Âu. “Từ khi EU bùng dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của các đối tác tại nước sở tại bị ngưng trệ. Tất cả các đơn hàng đều phải giãn tiến độ giao hàng, một số đơn hàng bị hủy do tình hình dịch bệnh tại EU còn rất phức tạp”, ông Trinh cho hay và nói thêm “Thậm chí một số đơn hàng đã được ký kết, làm xong sản phẩm mẫu mà giờ dịch bệnh, đối tác không thể qua Việt Nam để kiểm tra mẫu và xúc tiến đơn hàng chính thức”.

Ông Trinh cho biết, dự kiến dịch Covid-19 sẽ khiến doanh thu quý I và quý II/2020 của công ty giảm khoảng 40-50%. “Hiện chúng tôi đã cho 1 nửa nhân viên tạm nghỉ việc (có phụ cấp, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ) đến tháng 6/2020. Mong là tình hình dịch bệnh tại EU sớm được kiểm soát và khả quan hơn”, ông Trinh chia sẻ và cho biết, công ty luôn chuẩn bị sẵn sàng để khi thị trường có dấu hiệu phục hồi là bắt tay vào sản xuất các đơn hàng còn đang dang dở và xúc tiến đơn hàng cho cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

da nang nhieu doanh nghiep xuat khau song tot nho chu dong thich ung
Doanh thu quý I/2020 của Công ty Thuận Phước tăng 10% so với cùng kỳ 2019 nhờ nhanh nhạy cung ứng đơn hàng cho EU dự trữ phục vụ tiêu dùng mùa dịch

Tăng trưởng tốt nhờ chủ động thay đổi, thích ứng

Mặc dù nhiều công ty, doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn về nguyên liệu hoặc sức tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu hoặc cả hai yếu tố trên, thì tại TP. Đà Nẵng vẫn có những doanh nghiệp xuất nhập khẩu “sống tốt” nhờ chủ động thay đổi, thích ứng.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - cho biết, dịch Covid-19 có tác động nhưng hầu như không đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. “Chi phí gia tăng chủ yếu là để đảm bảo thực hiện đúng các quy định phòng chống dịch, như thay vì ăn 1 ca tập trung thì giờ phải chia làm 2 ca để công nhân luân phiên ăn trưa, còn lại mọi hoạt động sản xuất của công ty vẫn diễn ra bình thường, không những vậy kim ngạch xuất khẩu của công ty vẫn tăng tới 10% so với cùng kỳ năm 2019. Duy trì việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định, phúc lợi xã hội đảm bảo cho 1.800 người lao động”, ông Lĩnh nói và cho biết tất cả nhờ công ty đã chủ động thích ứng.

Theo ông Lĩnh, các sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU. Trong tháng 1 và đầu tháng 2 các đơn hàng xuất sang EU thực hiện theo tiến độ cam kết. Tuy nhiên, bắt đầu từ thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 khi dịch Covid-19 tràn qua đến EU thì lượng đơn hàng tăng mạnh. Cũng như ở Việt Nam, người châu Âu cũng tràn đến các siêu thị để dự trữ thực phẩm, vì vậy, các đối tác tại EU đã tăng sản lượng để dự trữ trong kho hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. “Tận dụng cơ hội này, Thuận Phước đẩy mạnh sản xuất, kịp thời cung ứng đủ số lượng và chất lượng theo đơn hàng cho các đối tác, nhờ vậy, doanh thu quý I của công ty không những không giảm mà còn tăng so với cùng kỳ năm trước”, ông Lĩnh nói.

Còn tại Công ty TNHH Chế biến, kinh doanh & xuất nhập khẩu Hương Quế, ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc công ty cho biết, dịch Covid-19 đã làm doanh thu của công ty giảm tới 90%. “Sản phẩm của Hương Quế phục vụ du lịch, Covid-19 khiến du lịch toàn cầu “đứng bánh”, kéo theo hoạt động kinh doanh của chúng tôi cũng ngưng trệ”, ông Sơn nói.

Nhận thấy thị trường trong nước và quốc tế đang thiếu một lượng lớn khẩu trang để phòng chống Covid-19, ông Sơn đã ngay lập tức tìm kiếm nguồn nguyên liệu vải kháng khuẩn để chuyển hướng sản xuất kinh doanh từ sản phẩm du lịch sang sản phẩm khẩu trang vải kháng khẩu. Tìm được đối tác cung ứng vải kháng khuẩn tại Nhật Bản. Sau khi nhập khẩu nguyên liệu về Việt Nam, Hương Quế bắt tay vào sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. “Đến thời điểm hiện tại sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn của Hương Quế đã có mặt tại nhiều trung tâm y tế, nhà thuốc, cửa hàng phục vụ thị trường trong nước và đáp ứng xuất khẩu lên tới 270.000 cái/tháng, xuất khẩu chủ yếu sang EU”.

da nang nhieu doanh nghiep xuat khau song tot nho chu dong thich ung
Công nhân của Công ty Hương Quế may khẩu trang vải kháng khuẩn cung cấp cho đối tác tại Đức

Nhờ nhanh nhạy chuyển đổi, thích ứng, ông Sơn cho biết, đến thời điểm hiện tại việc sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn đã bù lại toàn bộ phần doanh thu bị tụt giảm (90%) do Covid-19. “Chúng tôi đảm bảo việc làm cho 100% người lao động. Ở thời điểm hiện tại người lao động làm việc ở Hương Quế còn thường xuyên tăng ca để đảm bảo tiến độ giao hàng cho các đối tác. Như chiều ngày 28/4, chúng tôi vừa xuất đi Đức lô hàng 72.000 khẩu trang”, ông Sơn chia sẻ và nói thêm, ngay sau khi thị trường có chiều hướng phục hồi công ty sẽ bắt tay vào sản xuất các sản xuất truyền thống, còn trước mắt, công ty đang nỗ lực tăng công suất để sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, tận dụng triệt để được cơ hội xuất khẩu thêm các đơn hàng khẩu trang sang EU.

Theo Vũ Lê (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Đà Nẵng, doanh nghiệp xuất khẩu, chủ động thích ứng