Sức mua suy giảm trong thời gian giãn cách xã hội

Thời gian giãn cách xã hội kéo dài 3 tuần đã khiến sức mua suy giảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng trưởng ở mức thấp.  

Đảm bảo đủ hàng hóa trong mọi tình huống

Chuẩn bị tốt nguồn hàng và bình ổn giá cho thời gian giãn cách xã hội là mục tiêu hàng đầu của chuỗi siêu thị Big C, Go!. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (chủ chuỗi siêu thị BigC, Go!) cho biết, từ khi có dịch bệnh, hệ thống bán lẻ thực phẩm Central Retail đã chủ động trữ lượng tồn kho tăng lên 3-4 lần. Công ty cũng làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng. Đồng thời cam kết tiếp tục bình ổn giá, không tăng giá bán hàng hóa thực phẩm thiết yếu.

Bức tranh hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định tại Big C là bức tranh chung trên thị trường hàng hóa tháng 4 và 4 tháng qua. Đảm bảo cân bằng, ổn định cung cầu và giá cả hàng hóa là mục tiêu hàng đầu được Bộ Công Thương đảm bảo trong suốt thời gian trước, trong, sau giãn cách xã hội.

suc mua suy giam trong thoi gian gian cach xa hoi
Hàng hóa dồi dào ở hệ thống siêu thị

Cụ thể, thị trường hàng hóa trong nước từ sau Tết Nguyên đán là giai đoạn bắt đầu bị tác động lớn bởi dịch Covid-19, nhu cầu hàng hóa tập trung cao vào các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh… và một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn. Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh ở trong và ngoài nước, người tiêu dùng có tâm lý hoang mang, lo ngại về nguồn hàng hóa thiết yếu nên đã có những thời điểm tập trung mua đông gây bất ổn thị trường và tăng khả năng lây lan dịch bệnh.

Do nhận định sớm tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động có phương án chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp sớm có kế hoạch ứng phó với các tình huống diễn biến của thị trường, kịp thời triển khai một số hoạt động.

Cụ thể, chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối có hệ thống siêu thị trên địa bàn khẩn trương triển khai phương án tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; Chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường; Có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh; Phối hợp ngay với cơ quan báo chí thông tin về nguồn cung và các biện pháp triển khai để nhanh chóng ổn định tâm lý thị trường.

Các biện pháp này đã thể hiện hiệu quả rõ rệt thông qua kết quả ổn định thị trường tại các địa phương xảy ra dịch bệnh trong thời gian vừa qua như Thành phố Hà Nội, các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Dương… Việc cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm gây gián đoạn nguồn cung cục bộ tại một số điểm bán hàng nhưng đã nhanh chóng được xử lý. Trước, trong và sau giãn cách xã hội, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Giá hàng hóa thực phẩm có biến động tăng tại các chợ trong những giai đoạn cầu tăng mạnh nhưng sau đó đã giảm trở lại. Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa đầy đủ và giá được giữ ổn định hơn ngoài thị trường tự do.

Tuy nguồn cung dồi dào và giá cả hàng hóa được duy trì ổn định, song dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 4. Hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 293,9 nghìn tỷ đồng, giảm 20,52% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3). Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.519,9 nghìn tỷ đồng, giảm 4,27% so với cùng kỳ năm trước.

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Thời gian tới, Bộ Công Thương xác định mục tiêu lớn nhất của thị trường nội địa là bảo đảm đầy đủ thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Do đó, Bộ đã, đang và sẽ phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, đặc biệt là các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành.

Xác định thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục là phương thức được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng vì tính tiện lợi, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Trong đó tập trung triển khai xây dựng Trục kết nối dịch vụ thương mại điện tử (giai đoạn I), nhằm hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến giới thiệu dịch vụ của mình trên hệ thống này. Ngoài ra, Trục còn được kết nối với các sàn TMĐT của địa phương nhằm liên kết giới thiệu các sản phẩm của địa phương; xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể khởi tạo mã QR Code, kết nối máy in tem truy xuất; giải pháp quản lý dữ liệu khách hàng trực tuyến cho các cá nhân/đơn vị (CRM giai đoạn 2); xây dựng cổng kết nối sản phẩm xuất khẩu cho hệ thống bán hàng trực tuyến toàn cầu Amazon.

Ngoài ra, tổ chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa thông qua các kênh TMĐT nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và các tình huống khẩn cấp. Phát động phong trào tiêu dùng hàng hoá, nông sản Việt qua thương mại điện tử trên “Gian hàng Việt”. Xây dựng "Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử" để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo Bảo Ngọc (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Sức mua, suy giảm, giãn cách xã hội