Đổi mới công nghệ để tăng năng lực cạnh tranh
Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành Công Thương thời gian qua tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, để tạo ra hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng cao.
Năm 2019, Bộ Công Thương đã phê duyệt và giao Công ty Cổ phần Trà Than Uyên thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất nguyên liệu và quá trình sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn chất lượng cao”. Thông qua dự án giúp làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo hệ thống giám sát điều khiển tự động cho dây chuyền sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn theo hướng nhà máy thông minh, khẳng định được trình độ nghiên cứu khoa học của đội ngũ trong nước với việc giải quyết những bài toán phức tạp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tự động hóa. Đặc biệt, dự án góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Việc làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo hệ thống giám sát điều khiển tự động cũng tạo điều kiện giảm giá thành sản phẩm, chi phí bảo trì cho doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chè xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ |
Hay, Dự án “Phát triển dịch vụ ứng dụng công nghệ GPS trong quản lý, giám sát, điều phối và tối ưu hóa kế hoạch sử dụng phương tiện”, do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chủ trì thực hiện, đã được nghiệm thu và xếp loại xuất sắc. Các sản phẩm của dự án đã được đơn vị chủ trì và nhóm tác giả trực tiếp chuyển giao cho Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh đầu tư, thương mại hóa sản phẩm cho 14 hãng taxi triển khai ứng dụng trên 5.000 xe trong 12 tháng. Sản phẩm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải trong nước cũng như tạo cơ sở phát triển các dịch vụ ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực logistics và vận tải.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng đã đạt được nhiều thành công trong triển khai các nhiệm vụ, dự án KH&CN, nhằm thúc đẩy ứng dụng các công nghệ vi sinh, enzyme, protein để phát triển ngành công nghiệp chế biến. Nhiều sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh (giảm khoảng 60 - 70%) so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, dần chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng trong nước như: Thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ phòng và điều trị ung thư, các bệnh nhiễm HIV/AIDS, viêm gan (Spobio Immunobran Kid, Spobio Immunobran) của Công ty Cổ phần ANABIO R&D được sản xuất từ cám gạo Việt Nam; isoflavon có tác dụng hỗ trợ điều trị rối loạn mỡ máu, tim mạch, điều hòa hoocmon của Công ty Cổ phần thực phẩm quốc tế sản xuất từ đậu tương; hoặc các sản phẩm surimi của Công ty Seaprodex Hải Phòng đã đem lại lợi nhuận khoảng 5.000 triệu đồng/năm (cho 1 dây chuyền sản xuất 1.000 tấn/năm)…
Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), thời gian qua, ghi nhận nhiều chuyển biến cải tiến tích cực trong công tác quản lý KH&CN của Bộ, với mục tiêu nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong sản xuất. Vụ đã hoàn thiện và thống nhất đưa vào áp dụng các quy định về quản lý KH&CN cấp Bộ. Theo đó, thời gian đăng ký các nhiệm vụ KH&CN được đẩy sớm từ cuối năm trước năm kế hoạch và chia theo đợt, tăng tính chủ động cho đơn vị đề xuất lẫn đơn vị quản lý; hoàn thiện đưa vào sử dụng thử nghiệm hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nhiệm vụ KH&CN; tiếp tục giảm dần số lượng, tăng quy mô đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ; đã xuất hiện những đề tài nghiên cứu có quy mô về kinh phí và sản phẩm tương đối lớn, có sự tham gia đối ứng của doanh nghiệp, đơn vị; đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong triển khai nghiên cứu ứng dụng KH&CN...
Thời gian tới, Vụ KH&CN sẽ cơ cấu lại các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; phát huy các nguồn lực xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ. |
Từ khóa : Đổi mới công nghệ, năng lực cạnh tranh