Doanh nghiệp xuất khẩu làm gì với lượng hàng tồn kho
(thegioitiepthi.vn) - Covid-19 buộc các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… đóng cửa đường biên, kinh tế thế giới đóng băng trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp. Không xuất khẩu được, nhiều doanh nghiệp Việt buộc lòng phải lưu kho hàng hóa tồn đọng.
Lo chôn vốn vì lượng tồn kho tăng
Cuối năm 2019, công ty TNHH Việt Thắng Jean nhận hàng loạt đơn hàng từ các nước tại EU và Mỹ. Dịch Covid-19 bùng phát, lần lượt EU và Mỹ đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch. Giao thương đình trệ, các đơn hàng mà Việt Thắng Jean đã ký phải hủy hoặc hoãn ngày giao.
Các đơn hàng đã ký phải hủy hoặc hoãn ngày giao
Tính tới thời điểm hiện tại, số lượng sản phẩm mà doanh nghiệp này tồn đọng đã lên đến con số 1 triệu. Thời điểm các thị trường này mở cửa chưa được xác định, đồng nghĩa số lượng hàng tồn này vẫn phải lưu kho khiến doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí.
“Bình quân mỗi sản phẩm có giá từ 15 đến 20 USD, với số sản phẩm tồn đọng hơn 1 triệu khiến doanh nghiệp chúng tôi gặp khó trong việc xoay vòng nguồn vốn. Bên cạnh đó, việc lưu kho, bảo quản… số sản phẩm này mất thêm nhiều chi phí. Theo tính toán, mỗi sản phẩm sẽ phải mất thêm 10% giá thành sản xuất, trong khi không thể tăng giá bán. Chưa nói đến việc thu lãi, chỉ mong giao thương trên thế giới mau chóng bình thường trở lại để chúng tôi giải quyết số hàng này”, ông Phạm Văn Việt, chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết.
Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Tập đoàn này chuyên sản xuất các mặt hàng giày dép để xuất khẩu, nên khi kinh tế thế giới đình trệ vì đại dịch các đơn hàng của doanh nghiệp này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
“Hiện tại có hơn 100 nghìn đôi giày chúng tôi sản xuất ra không thể xuất khẩu. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục sản xuất theo các đơn hàng để khi hết dịch sẽ bàn giao cho đối tác. Điều đó đồng nghĩa số lượng hàng tồn kho sẽ ngày càng nhiều hơn. Chi phí lưu kho, bảo quản và nếu để lâu chúng tôi còn phải tái chế lại mới giao được, dẫn đến mỗi đôi giày tăng thêm 10% giá thành”, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cồ phần tập đoàn Gia Định chia sẻ.
Doanh nghiệp dệt may gặp khó với lượng hàng tồn kho. Ảnh minh họa
Xuất khẩu khó khăn, nhiều ông lớn thua lỗ
Theo nhận định của các chuyên gia, với tình hình hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đang loay hoay để giải bài toán tồn đọng hàng. Cái khó lớn nhất là dù việc xuất khẩu trở lại bình thường cũng chưa chắc ngành dệt may đỡ khó.
Đơn cử như Việt Thắng Jean, đơn vị chuyên sản xuất hàng thời trang theo mùa đang gặp phải tình cảnh tréo ngoe. Trong 1 triệu sản phẩm tồn kho, hầu hết là các mặt hàng thời trang sản xuất cho mùa hè. Dịch bệnh còn chưa biết thời điểm khống chế, các thị trường nhập khẩu chưa thấy có dấu hiệu mở cửa trở lại. Do đó chắc chắc số hàng này sẽ không còn phù hợp trong thời điểm tới.
“Ít nhất là tới tháng 9, Mỹ và các nước khác mới mở cửa trở lại. Lúc đó đã vào mùa đông thì rõ ràng các mặt hàng hiện tại chúng tôi tồn đọng sẽ rất khó để tiêu thụ”, ông Việt nói.
Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định cũng gần như bế tắc trong việc giải quyết 100 nghìn đôi giày tồn kho.
Với một số ngành hàng như gỗ, nông sản, nếu xuất khẩu gặp khó thì thị trường nội địa sẽ là một giải pháp tạm ổn. Tuy nhiên các sản phẩm da giày mà đơn vị này đang làm lại khó bán nội địa. “Từ nguyên liệu cho đến mẫu mã chúng tôi đều làm theo tiêu chuẩn mà đối tác yêu cầu. Trong khi đó thị hiếu của khách hàng trong nước lại khác nên sẽ không phù hợp bán nội địa”, ông Trung chia sẻ.
Việc đơn hàng bị sụt giảm mạnh đến 80% trong các tháng đầu năm nay khiến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may sụt giảm. Kết thúc quý I/2020, nhiều doanh nghiệp ngành này đã báo lỗ kỷ lục hàng tỷ đồng. Đơn cử như tổng Công ty May Nhà Bè lỗ thuần hơn 2 tỷ đồng trong quý I/2020, trong khi cùng kỳ lãi gần 8,7 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Thập, Phó Tổng giám đốc của May Nhà Bè cho biết, đây là bức tranh chung bởi hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trong thời gian qua: "Dịch Covid-19 đã càn quét, làm cho nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn và khiến các hợp đồng đã ký của chúng tôi đều bị hủy hoặc không giao hàng, giao được hàng thì không nhận, nhận được thì không thanh toán tiền”.
Một ông lớn khác trong ngành dệt may là Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến cũng thua lỗ hơn 22 tỷ đồng trong quý I/2020. Nguyên nhân chính là do việc các đơn hàng bị giảm hoặc hủy bởi các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp này là Mỹ, Trung Quốc và EU.
Sức mua trong nước giảm và chi phí cho người lao động như lương tối thiểu, BHXH… đều tăng làm ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, kết thúc quý I/2020, May Việt Tiến ghi nhận lỗ hơn 22 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 85 tỷ đồng.
Không riêng doanh nghiệp trong ngành dệt may, hầu hết doanh nghiệp đều bị tác động tiêu cực từ dịch này. Tổng hợp kết quả kinh doanh quý I của gần 570 doanh nghiệp từ hai sàn HOSE và HNX (tương đương 90% vốn hóa hai sàn) mà Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt vừa công bố cho thấy, lợi nhuận ở cả hai sàn lần lượt giảm 13% và 7% so với cùng kỳ. Các nhóm cổ phiếu cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : Doanh nghiệp xuất khẩu, lượng hàng tồn kho