Mục tiêu 25 năm nữa Việt Nam có doanh nghiệp lớn mạnh tầm thế giới

(thegioitiepthi.vn) - Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp diễn ra sáng 9/5 theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp để 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi đã diễn ra tốt đẹp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP

Hội nghị được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao trong bối cảnh nền kinh tế đang tái khởi động khi dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản được đẩy lùi.

Thủ tướng nêu 6 điều doanh nghiệp cần làm

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, hiếm có biến cố y tế nào tác động đến đời sống, kinh tế lớn như đại dịch Covid-19. Gần nửa dân số thế giới bị ảnh hưởng, hàng tỷ người bị ảnh hưởng sức khoẻ, mạng sống. Bất kể quy mô kinh tế nhỏ hay lớn đều không tránh khỏi tác động.

Tuy nhiên theo Thủ tướng, ở biến cố nào của lịch sử thì loài người vẫn chiến thắng, đặc biệt là những đối tượng chủ động thích nghi sẽ chiến thắng. Và đến nay những doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có năng lực thích nghi tốt nhất.

Dẫn chứng Việt Nam đã có một số tập đoàn lớn vươn tầm cạnh tranh quốc tế như: Viettel, TH True Milk, Thaco, Vingroup… vai trò của doanh nghiệp Nhà nước cũng đã phát huy như giảm giá điện, cung cấp gạo đầy đủ. 

Nhưng Thủ tướng cho rằng, chưa có doanh nghiệp nào tầm cỡ thế giới trong top 500 doanh nghiệp, nên mục tiêu đặt ra là 25 năm nữa (năm 2045), Việt Nam có thể đủ thời gian để có doanh nghiệp Việt lớn mạnh tầm thế giới “Made in Vietnam”.

Theo người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam cần nghĩ lớn, làm lớn đừng sợ thất bại, có ước mơ và hành động, biến ước mơ thành hành động.

Thủ tướng cũng nêu ra 6 điều các doanh nghiệp cần làm, đó là: Yêu Tổ quốc, thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ; đoàn kết, hợp tác với nhau; không nản trí bởi như vậy là tự mình bỏ cuộc, môi trường kinh doanh khó khăn thách thức; năng động và quyết đoán; sáng tạo bởi thiếu sáng tạo tự mình tụt lại; cần có niềm tin vì thiếu niềm tin tự mình trói bỏ mình.

Ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp

Cũng tại hội nghị, ngành ngân hàng khẳng định cam kết sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là sự chủ động đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp. 

Đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng đã dự báo tình hình, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong thời gian qua. 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, kiểm soát lạm phát, không để tỷ giá biến động, đảm bảo thanh khoản nền kinh tế, giảm lãi suất, giữ nền tảng vĩ mô và môi trường kinh doanh ổn định, tạo điều kiện giảm thiểu tác động của dịch. 

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành Thông tư 01, có hiệu lực từ ngày 13/3/2020 với cơ chế rất mạnh, tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng.

Trong khi đó, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank, cho biết, đến hết tháng 4/2020, VietinBank đã giải ngân cho hơn 6.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, với doanh số giải ngân mới trên 130 nghìn tỷ đồng. 

                

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV

Hạ lãi suất cho vay khách hàng, giảm từ 2 - 2,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế. 

Năm 2020, VietinBank dự kiến dành khoảng 3 – 4.000 tỷ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm phí, đồng hành, chia sẻ khó khăn với các khách hàng…

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Thọ cũng đề nghị các doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai các phương án, dự án thực sự khả thi, tập trung các nguồn lực thực hiện có kết quả, cân đối được nguồn trả nợ. 

“Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với ngân hàng thương mại, minh bạch tài chính, chứng minh khó khăn, thiệt hại để đúng đối tượng hỗ trợ, không trục lợi chính sách đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng. Đây là cơ sở để doanh nghiệp phục hồi và phát triển, bảo đảm chất lượng, hiệu quả tín dụng, phục hồi phát triển nền kinh tế”, ông Thọ nói.   

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : doanh nghiệp lớn, mạnh tầm thế giới