Ngành công nghiệp thuộc da: Lời giải của "bài toán" chi phí

Ngành công nghiệp thuộc da đang đứng trước thử thách lớn do gây ô nhiễm môi trường, trong khi chi phí để xây dựng một hệ thống xử lý nước thải cho lĩnh vực này có khi còn cao hơn đầu tư một nhà máy mới. Để giải quyết "bài toán" nan giải trên, Viện Nghiên cứu Da Giày (LSI) - Bộ Công Thương đã nghiên cứu nhằm tìm ra công nghệ xử lý nước thải cho ngành thuộc da với chi phí hợp lý và đảm bảo yêu cầu về môi trường.

Theo đó, LSI đã xây dựng và vận hành thành công hệ thống xử lý nước thải công nghiệp ngành thuộc da áp dụng các phương pháp hóa lý, sinh học - công nghệ AAO xử lý nước thải đạt cột A QCVN 40:2011/BTMT. Đầu năm 2019, hệ thống xử lý nước thải có công suất 40m3/ngày, đêm với công nghệ mới của LSI đã được đưa vào khai thác tại Xưởng sản xuất thuộc da thử nghiệm thuộc LSI (Từ Sơn, Bắc Ninh); các chỉ số nước thải đo được sau khi qua xử lý đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo Cột A QCVN 40:2011/BTMT. Hệ thống có chi phí đầu tư, quản lý vận hành khá phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ, được coi là lời giải cho "bài toán" về chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải trong các cơ sở thuộc da của Việt Nam hiện nay.

Theo ông Nguyễn Hải Trung - Viện trưởng LSI, ngành sản xuất da thuộc thải ra môi trường ở ba dạng: Chất thải rắn, chất thải khí và nước thải với các chỉ số ô nhiễm cao. Trong khi đó, công nghệ thuộc da ở Việt Nam còn ở mức trung bình so với các nước tiên tiến trên thế giới; mức tiêu thụ nước, năng lượng, hóa chất cao hơn so với nhiều nước khác... Do vậy, để tiết giảm chi phí trong sản xuất, đảm bảo xử lý môi trường với chi phí hợp lý cho doanh nghiệp là trăn trở của những nhà khoa học LSI trong nhiều năm qua. "Đến nay, chúng tôi có thể tự tin chuyển giao công nghệ xử lý nước thải cho các cơ sở sản xuất thuộc da với chi phí hợp lý, đảm bảo tiêu chuẩn xả thải theo quy định của pháp luật" - ông Nguyễn Hải Trung khẳng định.

Từ năm 2009, LSI đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Da trung ương Ấn Độ (CLRI) để nghiên cứu, áp dụng công nghệ sạch trong sản xuất thuộc da và xử lý nước thải thuộc da vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Hai bên đã nghiên cứu xây dựng thành công quy trình công nghệ sạch trong sản xuất da thuộc, sản phẩm tạo ra đạt tiêu chuẩn châu Âu - EU Directive 76/769/EEC. Đồng thời, quy trình công nghệ xử lý nước thải trong công nghiệp thuộc da cũng đã được xây dựng, cụ thể hóa qua mô hình xử lý nước thải công suất 0,5m3 nước thải/giờ tại LSI; nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT.

Trong những năm qua, LSI đã nghiên cứu rất nhiều phương pháp xử lý môi trường như: Triển khai nghiên cứu tái sử dụng chất thải crôm bằng phương pháp quay vòng trực tiếp và thu hồi crôm sa lắng, áp dụng công nghệ thuộc da sinh thái, phương pháp thuộc thảo mộc; sử dụng chế phẩm enzym thay thế hóa chất là hướng nghiên cứu quan trọng cho nhiều công đoạn thuộc da… Một số nghiên cứu và dự án sản xuất thử nghiệm gần đây đều theo hướng sử dụng công nghệ thuộc da tiên tiến, thân thiện môi trường và tạo ra sản phẩm chất lượng tốt. Ngoài ra, đội ngũ nhà khoa học của Viện đề cập đến 9 giải pháp tái chế có thể áp dụng cho chất thải rắn ngành thuộc da làm gielatin, thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ sinh học, khí bio-gas, bạc nhạc, mỡ có thể thu hồi làm chất ăn dầu cho da, chất hoạt động bề mặt; chất thải rắn đã qua thuộc có thể dùng làm vải giả da, lót giầy, bìa carton, gạch block…

Thành công của nghiên cứu đã khẳng định được tính khả thi của công nghệ sạch trong sản xuất da thuộc thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy hoạt động khoa học - công nghệ; từng bước nâng cao trình độ công nghệ, tạo ra các loại sản phẩm chất lượng cao và an toàn môi trường, nâng cao sức cạnh tranh của thuộc da Việt Nam.

Theo Thu Hường (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : công nghiệp thuộc da, bài toán chi phí