Thị trường nội địa sẽ vực dậy du lịch Việt Nam

Với sự kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, dự báo hai tháng tới đây, khách nội địa sẽ chiếm 95% các hoạt động du lịch Việt Nam, và sẽ là thị trường chính để vực dậy ngành kinh tế mũi nhọn sau một thời gian bị tê liệt bởi dịch bệnh.  

Thời điểm vàng khám phá du lịch Việt

Ngày 16/5, tại Thanh Hóa, để triển khai kế hoạch “Người Việt Nam di du lịch Việt Nam” đã diễn ra Hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt” với sự tham gia của hơn 550 khách mời, gồm: đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không, vận chuyển, các chuyên gia từ Google, TikTok... Đây là sự kiện được Ban Kinh nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), Tổng cục Du lịch phối hợp với Vnexpess, Hội Đồng tư vấn du lịch (TAB), Hãng hàng không Bamboo Airway tổ chức.

thi truong noi dia se vuc day du lich viet nam
Ngành du lịch mong muốn sẽ sớm đi qua khó khăn, ổn định hoạt động

Ông Trần Trọng Kiên, Thành viên Ban IV, Chủ tịch TAB, cho biết, với mục tiêu "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", Hội nghị diễn ra với hai phiên nội dung: “Giải pháp kích cầu du lịch nội địa trong thời điểm vàng”; "Giới thiệu thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt" nhằm quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; các địa phương mở cửa lại du lịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch và sẵn sàng đón tiếp du khách. Xây dựng, triển khai các gói kích cầu du lịch chất lượng với giá hợp lý kèm theo những ưu đãi và cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình du lịch trọn gói hoặc từng phần dịch vụ; nhận diện nhu cầu, hành vi tiêu dùng của khách du lịch Việt Nam thời kỳ sau giãn cách xã hội cũng như tìm kiếm những giải pháp kích cầu du lịch hiệu quả; đánh giá xu hướng du lịch nội địa.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho hay, từ tháng 3/2020, Việt Nam đã hạn chế các đường bay quốc tế, giảm 18,1% so với cùng kỳ 2019. Việc tạm ngừng các hoạt động du lịch không chỉ tác động nặng nề tới người lao động trong ngành du lịch mà còn ở tất cả các ngành. “Trước bối cảnh đất nước dần trở lại bình thường, Tổng cục Du lịch nhận thấy đây là thời điểm vàng để “phá băng” cho du lịch. Mặt khác, việc kích cầu hiện nay giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn, đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, hãng hàng không, vận tải du lịch cùng hợp tác để khôi phục du lịch nội địa”- ông Khánh nhấn mạnh.

Để sớm phục hồi du lịch, hiện Tổng cục Du lịch đang kêu gọi từng doanh nghiệp cùng chung tay kích cầu; phát động chương trình Người Việt Nam du lịch Việt Nam, thông tin rộng rãi tới các địa phương, vận động các doanh nghiệp tham gia... xây dựng các chương trình khuyến mại, cung cấp thông tin về dịch vụ giá cả khuyến mại; xây dựng sản phẩm du lịch mới, các hãng hàng không doanh nghiệp vận tải, điểm đến triển khai giảm giá vé .

thi truong noi dia se vuc day du lich viet nam
Liên kết và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là giải pháp quan trọng được đưa ra tại các phiên nội dung của hội nghị để ngành du lịch vượt bão khó khăn

Bà Emily Nguyễn – Giám đốc ngành Apps và Du lịch, Việt Nam (Google châu Á - Thái Bình Dương) cho biết, dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu du lịch đến các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 8,6% so với năm ngoái. Tuy nhiên, chúng ta bắt đầu thấy có sự phục hồi về nhu cầu du lịch ở Việt Nam từ giữa tháng 4 đến nay khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Sự phục hồi này đa phần nhờ vào nhu cầu du lịch nội địa.

Theo đại diện Google châu Á - Thái Bình Dương, hiện nhu cầu tìm kiếm liên quan đến chuyến bay nội địa chiếm 85% trong 30 ngày vừa qua và tăng 85% trong thời gian cùng kỳ. Các điểm đến được nhiều người tìm kiếm nhất trong 30 ngày qua lần lượt là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang, Huế, Quy Nhơn... Đồng thời, hiện khách du lịch Việt Nam quan tâm nhất hai vấn đề các sản phẩm bảo vệ và giảm giá khi đặt vé máy bay. Họ cũng quan tâm hai dịch vụ tương tự khi đặt phòng khách sạn. Trong 6 tuần gần đây, lượng tìm kiếm liên quan tới du lịch biển đảo ở Việt Nam tăng gấp đôi. Những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất là Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Vịnh Hạ Long...Một vài hãng máy bay và công ty du lịch đã có các chương trình hỗ trợ tốt cho khách hàng trong thời gian này là Bamboo Airways, Philippine Airlines, Traveloka.

Ông Trần Trọng Kiên cho rằng, dự tính, năm 2020, thị trường người Việt có thể đi nước ngoài lên tới 16 triệu lượt khách, nhưng do dịch bệnh trên thế giới vẫn tê liệt nên sẽ đi du lịch trong nước. “Có rất nhiều các gói kích cầu của các hãng hàng không, lữ hành đang triển khai, vì vậy việc quyết định lựa chọn tham quan, du lịch thời điểm hiện nay sẽ sớm vực dậy một ngành kinh tế mũi nhọn mà trong 4 năm gần đây đã tạo ra hàng triệu việc làm mới”- ông Kiên nhấn mạnh

Tạo dựng niềm tin

Quảng Ninh là một trọng điểm du lịch của Việt Nam, năm 2019, Quảng Ninh đón trên 14 triệu khách, trong đó hơn 5 triệu khách quốc tế, gần 10 triệu khách nội địa. Mục tiêu 2020 là đón gần 16,5 triệu lượt khách, gồm 6,5 triệu lượt khách quốc tế và hơn 10 triệu khách trong nước. Tuy nhiên, ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong quý I/2020, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh giảm 72%, trong đó khách quốc tế giảm 70%, khách nội địa giảm 75%. Tổng thu từ du lịch giảm 72% so với cùng kỳ năm 2019.

Quảng Ninh xác định du lịch là một ngành mũi nhọn, nhưng với tình hình hiện nay đại dịch đang tác động tiêu cực đến lĩnh vực quan trọng này của địa phương. Nhận diện trước khó khăn đó, ông Cao Tường Huy cho hay, Quảng Ninh cũng như cả nước đã từng vượt qua những cuộc khủng hoảng như dịch Sars 2003, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, mỗi lần khó khăn thì chúng ta lại sáng tạo, vươn lên tìm ra những giải pháp căn cơ để vượt qua. “Quảng Ninh đã họp bàn đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể đối với du lịch, trong đó ban hành nghị quyết hỗ trợ kích cầu với rất nhiều ưu đãi, như miễn giảm lệ phí với tất cả khách đến tham quan; miễn thuế VAT cho các doanh nghiệp, giảm thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và doanh nghiệp, đề nghị cho phép chậm nộp thuế doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội; thuế đất với các khách sạn, nghỉ dưỡng, khu vui chơi; tăng cường quảng bà kích cầu du lịch, du lịch an toàn, thành lập Liên minh Kích cầu du lịch Quảng Ninh để phấn đấu Quảng Ninh luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn, hiếu khách trong mắt du khách. ...”- ông Huy cho biết.

thi truong noi dia se vuc day du lich viet nam
Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị

Còn theo ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, mục tiêu hướng đến là khách nội địa trong thời gian vắng bóng khách quốc tế là hết sức phù hợp, kích cầu nội địa để lấy đà khôi phục hoàn toàn, tạo ra một ưu thế mớ cho du lịch Việt Nam. Hiện tất cả các tỉnh, đặc biệt là địa phương có điểm du lịch trọng điểm của Việt Nam đưa ra các giải pháp tình thế rất kịp thời; cơ chế Nhà nước đã rất thông thoáng, doanh nghiệp của rất sáng tạo. Với cuộc khủng hoảng Formosa 2017, Quảng Bình chỉ mất 6 tháng để phục hồi hoàn toàn, nên không quá bi quan trong thời điểm hiện nay. “Khi mạng lưới quốc tế giảm, thì đường bay nội địa phải tăng cường và bước đầu phải chấp nhận lỗ, do đó sức khoẻ của các hãng vận chuyển nội địa rất quan trọng. Mong các hàng hãng không như Bamboo Airways tăng cường chuyến đến Đồng Hới, Quảng Bình”- ông Phong nói.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC cho hay, du lịch biển lúc nào cũng là thời điểm vàng, nhiều tiềm năng nhưng lại chưa được phát huy đúng mức; chưa thực sự tìm ra giải pháp để thu hút khách du lịch mà chỉ chờ đợi tìm đến với mình. Đối với FLC, luôn không ngừng tìm cách thu hút du khách tới với địa phương. Từ năm 2015, FLC đã không ngừng quảng bá hình ảnh du lịch Sầm Sơn, đầu tư có bài bản giúp tăng lượng du khách tới Thanh Hóa từ 3 triệu lên 9 triệu trong năm 2019. Hiện tại, để kích cầu du lịch, ngoài đưa ra các gói combo hấp dẫn cho khách hàng, FLC còn kết hợp với nhiều doanh nghiệp làm tour du lịch, quần thể nghỉ dưỡng, giúp những người không có điều kiện cũng có cơ hội đi du lịch. “Thời gian tới, người Việt sẽ có xu hướng đi du lịch trong nước nhiều hơn và chúng tôi mong muốn là những người làm du lịch hãy tuần thủ quy định, không "chặt chém" khách hàng, luôn lịch sự, niềm nở thì du lịch chắc chắn sẽ "cất cánh"- ông Quyết nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng nhận định: Tương lai của ngành du lịch sẽ khó khăn đến năm 2021 cho đến khi các ngành hoạt động lại bình thường. Do vậy, để người dân trong nước đi du lịch Việt Nam, chúng ta cần có chính sách an toàn, và các địa phương phải triển khai đầy đủ. Và làm thế nào để người dân có tiền đi du lịch mới là quan trọng. Ngoài ra, để kích cầu thị trường cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương với các bộ ban ngành để những chính sách hỗ trợ triển khai chặt chẽ; địa phương cũng cần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Hoa Quỳnh (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Thị trường nội địa, vực dậy, du lịch Việt Nam