Nông thủy sản sẽ tận dụng lợi thế EVFTA thế nào?

(thegioitiepthi.vn) - Ngày 28/5 tới đây Quốc hội sẽ “bấm nút” phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Trong thời gian chờ Quốc hội thông qua hiệp định này, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản và nông sản đã có nhiều chuẩn bị để có thể tận dụng được lợi thế mà EVFTA mang lại.

Theo trình bày báo cáo tóm tắt về Hiệp định EVFTA mà Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại phiên họp đầu tiên kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV diễn ra ngày 20/5, việc thực thi Hiệp định EVFTA sẽ là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Đồng thời, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Cũng theo Bộ Công thương thì các nhóm hàng xuất khẩu sẽ hưởng nhiều lợi thế khi EVFTA thực thi gồm có dệt may, da giày, thủy sản, nông sản… Để tận dụng triệt để hiệp định này, các ngành hàng như thủy sản, rau quả đã và đang có những bước chuẩn bị cụ thể, rõ ràng.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, với EVFTA để tận dụng được lợi ích về thuế quan thì sản phẩm thủy sản phải đáp ứng an toàn về vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, các yếu tố môi trường cho hoạt động sản xuất, các vấn đề liên quan đến lao động trong nhà máy, nuôi trồng cũng rất quan trọng. Do đó, việc đồng bộ các khâu liên quan này là rất cần thiết và bắt buộc doanh nghiệp trước tiên phải củng cố chất lượng mới đáp ứng được EVFTA.

Nông sản và thủy sản đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chơi hội nhập. Ảnh minh họa

Tuy nhiên theo ông Hòe, hiện nay các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.

“EU là thị trường quan trọng với thủy sản. Chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu vào thị trường này trong năm 2020 khoảng 2 tỷ USD với kỳ vọng EVFTA sớm thực thi. Song từ đầu năm tới nay do yếu tố dịch bệnh và nếu sắp tới được Quốc hội phê chuẩn thì cũng cần có thời gian để hiện thực hóa. Vì thế chúng tôi bắt buộc dời mục tiêu này qua năm 2021 và có những bước chuẩn bị để đưa thị trường này thành thị trường chủ lực phù hợp với năng lực cung cấp, khả năng chế biến của thủy sản Việt Nam”, ông Hòe cho biết thêm.

Trong khi đó, với ngành hàng rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ rằng, để xuất khẩu vào EU doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về Global GAP cho vùng trồng và tiêu chuẩn này đang được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này áp dụng.

Lý giải cụ thể, ông Nguyên cho hay, năm 2019 vừa qua những biến động về thị trường Trung Quốc đã buộc doanh nghiệp phải thích ứng. Theo đó, để tránh phụ thuộc vào nước này, nhiều doanh nghiệp đã nâng cao chất lượng vùng trồng theo tiêu chuẩn Global GAP, đồng thời đáp ứng yêu cầu đòi hỏi kỹ thuật cao tại các thị trường khó tính như EU. “Trước đây trồng theo GlobalGAP chỉ khoảng 3-5% thì nay đã tăng lên trên 15% trên tổng diện tích rau quả. Chúng tôi cũng nhận thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đầu tư bài bản hơn cho việc này”, ông Nguyên chia sẻ.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Nông thủy sản, EVFTA