Doanh nghiệp tìm cách “trở mình” sau dịch bệnh
(CL&CS) - Dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn. Việc đầu tiên cần thiết làm sau dịch là phục hồi tình trạng kinh doanh sản xuất.
Khó khăn chồng chất
Do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 tăng trưởng kinh tế quý 1 năm 2020 của nước ta đạt 3,82%, đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 10 năm 2011-2020 với sự sụt giảm tăng trưởng ở cả ba khu vực. Cũng trong quý 1/2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, giữ tốc độ tăng trưởng.
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% số doanh nghiệp được khảo sát có thể sẽ phá sản, gần 30% số doanh nghiệp mất 20 - 50% doanh thu, 60% số doanh nghiệp giảm hơn một nửa doanh thu.
Vào cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khảo sát nhanh gần 13.000 doanh nghiệp, theo đó có khoảng 84% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Doanh thu trong 4 tháng đâu năm 2020 dự kiến giảm mạnh còn 70% so với cùng kì năm 2019.
Thống kê tại TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, sức mua ở cả mạng lưới chợ truyền thống và hệ thống kênh bán lẻ hiện đại trong thời điểm này giảm khoảng 30-40% so với ngày thường. Báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM cho thấy, người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng lựa chọn kênh mua sắm hiện đại thay vì kênh truyền thống, do được hỗ trợ nhiều tiện ích (giao hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ cộng thêm...). Ngoài ra, ảnh hưởng tâm lý bởi tình hình dịch bệnh, người dân có xu hướng sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến nên hệ thống siêu thị hoạt động theo phương thức đa kênh (Omni-channel) sẽ được hưởng lợi, tăng sức mua so với cùng kỳ.
Nhiều cơ hội để vươn lên sau đại dịch, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự liên kết kinh doanh để cùng phát triển.
Nổ lực trở mình và sự hỗ trợ của Chính phủ
Chịu tác động làm giảm hơn 80% doanh thu so với dự định, ông Phan Chí Hiếu, Giám đốc công ty du lịch H&T cho biết "dù gặp muôn vàn khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, có lúc tưởng chừng sẽ đóng của công ty nhưng với tâm huyết hơn 20 năm và những mối quan hệ khó khăn lắm mới gây dựng được nên ông Hiếu quyết định tiếp tục tìm cách vực dậy công ty".
Còn theo bà Trần Thị Thủy, Phó Tổng Giám đốc doanh nghiệp thủy sản Bình Phú chia sẻ với những chính sách giảm, gia hạn thu thuế của nhà nước đã giúp doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn và có động lực vực dậy sau mùa dịch.
Trên thực tế, ngoài việc đẩy mạnh phòng chống, chữa trị Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ các đối tượng bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19.
Theo đó Bộ Tài chính đề xuất gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp với số tiền hơn 61.600 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 11.100 tỷ đồng; thuế của nhóm cá nhân, hộ kinh doanh là hơn 3.000 tỷ đồng; tiền thuế thuê đất hơn 4.500 tỷ đồng. Tổng số tiền gia hạn nộp thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính là 80.200 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đề nghị để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Theo ý kiến của các chuyên gia, những đề xuất và giải pháp như dự thảo nghị định gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 là cực kỳ cần thiết.
TS Huỳnh Thanh Điền chia sẻ: “Để khôi phục được hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần tái cấu trúc theo hướng chuyển đổi số trong quản trị sản xuất và phân phối sao cho tương thích với hoàn cảnh mới. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ cung ứng, thiết kế sản phẩm, chào hàng, bán hàng và thanh toán. Những doanh nghiệp nào không chuyển đổi số sẽ rất khó hợp tác làm ăn với những doanh đang đi theo xu hướng này. Chuyển đổi số là đặc trưng cốt lõi của doanh sau thời gian diễn ra dịch bệnh”.
Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc
Theo www.chatluongvacuocsong.vn
Từ khóa : Doanh nghiệp, dịch bệnh