Ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19, Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang dần chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 khiến đơn hàng giảm mạnh. Song tín hiệu mừng là Việt Nam vẫn duy trì được xuất siêu sau 5 tháng đầu năm 2020.

Xuất siêu là điểm sáng

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các thị trường là đối tác thương mại chính của nước ta, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7%; nhập khẩu đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8%. Chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bị nhiều đối tác cắt đơn hàng, xuất khẩu của Việt Nam càng ngày càng gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu khó thì nhập khẩu cũng sẽ giảm theo, bởi tỷ trọng hàng nhập khẩu là nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn.

anh huong manh boi covid 19 viet nam van duy tri da xuat sieu
Xuất siêu là điểm sáng trong những tháng đầu năm

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 4/2020 chỉ đạt 17.583 triệu USD, thấp hơn 2.117 triệu USD so với số ước tính trước đó Trong đó, xuất khẩu dầu thô thấp hơn 100 triệu USD; xuất khẩu đồ điện tử, máy tính và linh kiện thấp hơn 264 triệu USD; hàng dệt may thấp hơn 290 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 798 triệu USD…

Sang tháng 5, con số ước tính tích cực hơn, với 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 1,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 11,9 tỷ USD, tăng 7,6%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2020 đã giảm tới 15,5%.

Thực tế, xu hướng giảm kim ngạch xuất khẩu đã được Bộ Công Thương dự báo trước đó. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, Covid-19 là đại dịch toàn cầu và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó xuất khẩu bị ảnh hưởng rõ nét.

Cụ thể, ngay khi xảy ra, dịch bệnh đã khiến hoạt động giao thương tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc gần như tê liệt. Trung Quốc vốn là đối tác thương mại lớn nhất của ta, rất nhiều ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ quốc gia này nên trong tháng 2, khi đại dịch mới xảy ra, việc áp dụng các giải pháp phòng dịch tại cửa khẩu đã gây nên khó khăn cho lưu thông hàng hóa giữa hai nước, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu.

Ngay sau đó, dịch bệnh tại nhiều thị trường khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông chưa được kiểm soát, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Từ tháng 3, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm, Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng tiêu dùng như: dệt may và giày dép, đồ gỗ… tại nhiều thị trường giảm.

Xuất khẩu giảm khiến nhập siêu đã quay trở lại. Tháng 4/2020, Việt Nam nhập siêu 940 triệu USD. Tháng 5/2020, ước tính nhập siêu 900 triệu USD.

Tuy vậy, tin vui là tính chung 5 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD. Đây là con số đáng ghi nhận trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

Kỳ vọng nửa cuối năm

Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cũng dự báo, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020, dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm và tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại cộng với những lợi thế cạnh tranh khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.

Bên cạnh đó, trên toàn cầu, nhiều nền kinh tế đã tung các gói kích cầu quy mô lớn trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nền kinh tế. Đa phần các nước đều tăng cường chi tiêu tài khoá để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ban ngành cũng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19.

Hiện nay, tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc có kết quả tích cực; các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh… do đó, nhu cầu được dự báo sẽ dần tăng trở lại trong thời gian tới.

Ông Trần Thanh Hải cho hay, hiện nay, Bộ Công Thương đang tập trung vào các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc ở khu vực biên giới, đặc biệt là biên giới phía Bắc với Trung Quốc. Bởi xuất khẩu hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là tại tỉnh Lạng Sơn vẫn đang tương đối chậm và lượng xe tồn đọng ở cửa khẩu còn tương đối lớn. Do đó tháo gỡ khó khăn cho khu vực này vẫn là giải pháp trọng tâm.

Bên cạnh đó, nhằm chuẩn bị cho sự hồi phục của các thị trường thì hoạt động xúc tiến thương mại ũng là giải pháp quan trọng được Bộ Công Thương đặt ra. Trong đó, tập trung khai thác tốt việc xúc tiến qua thương mại điện tử.

Với các FTA sắp có hiệu lực như EVFTA hay FTA Việt Nam-Cuba thì việc tuyên truyền về lợi ích cũng như cách tận dụng các lợi ích này, đặc biệt là thông qua quy tắc xuất xứ. Bộ Công Thương cũng dự kiến làm việc với các hiệp hội để rà soát các kiến nghị cho các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo Bảo Ngọc (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Covid-19, xuất siêu