Phát triển thương mại điện tử gắn kết chiến lược đa ngành

Định hướng quan trọng đã được đưa ra trong việc triển khai “Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021 - 2025”, do Bộ Công Thương đề xuất, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, đó là phát triển TMĐT gắn kết và đồng bộ với chiến lược, kế hoạch... phát triển các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương và các lĩnh vực có liên quan khác.

Xây dựng thể chế, tạo hệ sinh thái

Trong văn bản trả lời chất vấn liên quan đến phát triển thương mại điện tử gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, Bộ Trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh, cho biết: TMĐT đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Để thúc đẩy TMĐT phát triển cũng như quản lý hiệu quả lĩnh vực này, Bộ Công Thương đã tích cực tham mưu cho Chính phủ, đồng thời theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Bộ Công Thương đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện và ban hành chính sách, pháp luật về TMĐT, xây dựng hệ sinh thái cho TMĐT và kinh tế số phát triển.

Đến nay, hành lang pháp lý cho TMĐT phát triển đang được điều chỉnh bởi Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư 47/2014/TT- BCT về quản lý Website thương mại và điện tử; Thông tư số 59/2015/TT-BCT về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động, do Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị định 52/2013/NĐ-CP.

Thực tiễn triển khai các văn bản pháp luật về TMĐT đã cho thấy, đó là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế của đất nước, góp phần thúc đẩy TMĐT phát triển, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Cùng với sự đổi mới liên tục của công nghệ, hoạt động TMĐT đã có những thay đổi nhanh chóng, để đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như quản lý nhà nước, trong chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2020, Bộ Công Thương đã đăng ký với Chính phủ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Dự kiến, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP sẽ được trình Chính phủ xem xét vào quý 4 năm 2020.

phat trien thuong mai dien tu gan ket chien luoc da nganh
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Cùng với xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ Công Thương đã nỗ lực xây dựng hệ sinh thái cho TMĐT phát triển. Kể từ năm 2014 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai các đề án thuộc Chương trình phát triển TMĐT và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT, với nhiều giải pháp tiên tiến về TMĐT được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại các địa phương. Hệ thống thanh toán thương mại và điện tử quốc gia KeyPay được triển khai cũng đã tiếp cận, hỗ trợ thêm hoạt động của một số bộ, ngành, địa phương như Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, kết nối với trục liên thông hệ thống nền tảng kết nối quy mô địa phương (LGSP) của thành phố Hải Phòng, thành phố Bắc Kạn...

Hệ thống Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store (www.erpstore.vn) đã được Bộ Công Thương triển khai theo chương trình định hướng văn bản, chứng từ điện tử, đã giúp các doanh nghiệp giải quyết tất cả các khó khăn liên quan đến quản lý và kết văn bản, chứng từ với các đối tác. Chương trình Một thẻ quốc gia (theViet) hướng tới xây dựng một hệ thống nền tảng kết nối các hệ thống thẻ liên kết thông minh, tích hợp thanh toán, quản lý giao dịch điện tử tại Việt Nam cũng đã được triển khai, trong năm 2019 đã đạt khoảng 107.216 thẻ...

Gắn kết với chiến lược đa ngành

Nghị quyết số 52 NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0)", trong đó nêu rõ chủ trương: “Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao (bao gồm TMĐT)”. Trên cơ sở những kết quả phát triển TMĐT đã đạt được trong các giai đoạn trước, rà soát, đánh giá hiện trạng, nhu cầu phát triển TMĐT giai đoạn tới, tham khảo, tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương có liên quan, Bộ Công Thương đã hoàn thiện xây dựng Kế hoạch tổng thể Phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 645/QĐ-TTg, phê duyệt kế hoạch vừa nêu.

Theo đó, TMĐT được xác định là một lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cách mạng 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả chu trình kinh doanh, hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mục tiêu phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 đạt ra là có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; doanh số TMĐT mô hình doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%; 70% giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử; 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng…

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Kế hoạch hoạnh tổng thể Phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã chỉ ra nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện chính sách cho TMĐT trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, đấu tranh ngăn chặn gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT; xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng với TMĐT; tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại các địa phương.

Kế hoạch tổng thể Phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, sẽ được tổ chức thực hiện gắn kết và đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch... phát triển các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương và các ngành kinh tế khác, đặc biệt là các lĩnh vực xuất khẩu, phân phối, dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, cải cách thủ tục hành chính…

Theo Ngọc Quỳnh (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Phát triển thương mại điện tử, chiến lược đa ngành