Nhiều thành tựu trong việc thanh toán không dùng tiền mặt
(CL&CS) - Ngày 12/6/2020, tại TP.HCM, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom), Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai”.
Chuỗi sự kiện của Ngày không tiền mặt năm nay sẽ tiếp nối thành công của năm 2019 trước đó, góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của các Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM); Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong những tháng đầu năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã cùng các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ đó đã tạo được những chuyển biến rõ nét trong hoạt động TTKDTM. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, những sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích cùng nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ thiết thực đã tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ TTKDTM, qua đó góp phần hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa sự lây nhiễm dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ. Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết: Chương trình Ngày không tiền mặt năm nay đánh dấu 5 năm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 31/12/2016.
Đây không những là dịp để nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của TTKDTM mà còn là để ngành ngân hàng cùng với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng và doanh nghiệp cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được, những hạn chế cần khắc phục và hướng tới các mục tiêu mới trong thời gian tới.
Theo Vụ Thanh toán - NHNN, những kết quả nổi bật trong hoạt động thanh toán hiện nay như: Khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại; Hạ tầng thanh toán (hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; hệ thống chuyển mạch, bù trừ tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện; Hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành với sự kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện,nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công,.; Hầu hết các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán; Vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được quan tâm; khách hàng được đặt là vị trí trung tâm ưu tiên trong việc quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, quyền lợi hợp pháp luôn được đảm bảo.
Nhờ đó, hoạt động TTKDTM có sự phát triển mạnh mẽ: Trong 4 tháng năm 2020, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn. Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường. Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) hoạt động ổn định, an toàn và thông suốt. Tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống TTĐTLNH tăng 18,30% so với cùng kỳ năm 2019. Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị sovới cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM hoạt động liên tục, thông suốt.
Triển khai nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, NHNN đã có những chỉ đạo kịp thời theo thẩm quyền về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó lần 1 là 517 tỷ và lần 2 là 487 tỷ).
Bên cạnh đó, NHNN có công văn chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương xem xét áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng. NHNN cũng đã kịp thời ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ngày 31/3/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2013/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống TTĐTLNH, áp dụng từ 01/4 -31/12/2020. Đồng thời, NHNN có công văn yêu cầu các ngân hàng phải điều chỉnh giảm phí chuyển tiền qua hệ thống TTĐTLNH cho khách hàng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN sẽ giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ cho các TCTD đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong quá trình giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng.
Theo bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN, Ngày không tiền mặt là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án nói trên và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Theo bà Sen, các đề án có đề cập đến 3 trụ cột cơ bản trong phát triển TTKDTM là: hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng tài chính (hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng thanh toán) và truyền thông. Để thực hiện tốt các mục tiêu của đề án trên cần sự đồng bộ của 3 trụ cột này. Trong đó, truyền thông, giáo dục tài chính có vai trò quan trọng. Bà Sen cho biết: đối với truyền thông về TTKDTM, NHNN đã chủ động, trách nhiệm và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình truyền thông đến công chúng về tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức TTKDTM đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật, đặc biệt truyền thông minh bạch về phí để người dân yên tâm sử dụng. Thực tế, để khuyến khích người dân sử dụng phương thức TTKDTM, các cơ quan đơn vị liên quan cần truyền thông để người sử dụng hiểu rõ tiện ích, an ninh, an toàn và chi phí thấp. Chính những điều đó là yếu tố quan trọng hình thành và thay đổi thói quen cộng đồng.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã phối hợp các đơn vị triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, “Đồng tiền thông thái”, phối hợp trường học tổ chức cuộc thi cho học sinh phổ thông “Hiểu đúng về tiền” được dư luận đánh giá cao. Thông qua các chương trình giáo dục tài chính đã góp phần thay đổi nhận thức và thói quen của người dân trong thanh toán, giúp giảm thiếu rủi ro cho người dân khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đối với công chúng, từ đó góp phần thúc đẩy TTKDTM và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Nguyễn Ngọc
Theo www.chatluongvacuocsong.vn
Từ khóa : thành tựu, thanh toán không dùng tiền mặt