Sắp khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ, thời gian qua, Bộ Công Thương (Cục Công nghiệp) đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng thế giới và sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) triển khai xây dựng “cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực Cơ khí chế tạo, Ô tô, Điện tử, Dệt may, Da giày” nhằm hình thành mạng lưới liên kết giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.

Với mục đích quảng bá rộng rãi thông tin về hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các hiệp hội, ngành hàng trong và ngoài nước, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng thế giới và sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức “Lễ khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” vào ngày 19 tháng 06 năm 2020 tại Trụ sở Bộ Công Thương, số 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Lễ khai trương do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì, với sự tham gia của các chuyên gia thuộc Ngân hàng thế giới, đại điện các hiệp hội ngành hàng và một số doanh nghiệp lớn như Samsung Việt Nam, Thaco Trường Hải, Tập đoàn An Phát…. cùng trên 100 đại biểu tham dự khác. Sự kiện tập trung giới thiệu, quảng bá và chia sẻ thông tin, dữ liệu đến đông đảo các cơ quan, tổ chức, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp...về hệ thống Cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Trong thời gian qua, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT mặc dù đã đạt được một số bước tiến cả về chất và lượng, tuy nhiên khả năng cung ứng thực tế vẫn còn nhiều bất cập, nhập siêu linh kiện, phụ tùng còn rất lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do mối liên kết giữa các doanh nghiệp CNHT và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh còn lỏng lẻo, đặc biệt là với các doanh nghiệp FDI.

Việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ về doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, kết nối, giao thương; mang đến cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có cái nhìn tổng quan về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng, chất lượng sản phẩm và công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, đồng thời tăng cường khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư. Thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp FDI, các tổ chức, cá nhân…nâng cao hiểu biết, tận dụng hiệu quả các thông tin, dữ liệu từ hệ thống cơ sở dữ liệu trên trong việc trao đổi thông tin, liên kết giữa các doanh nghiệp, tăng cường hợp tác, kết nối giao thương.

Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống CSDL còn góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, theo dõi, giám sát và hoạch định chính sách phát triển ngành.

Hệ thống cơ sở dữ liệu trên là một bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả và tính thiết thực trong hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hoạt động giao thương trực tiếp gặp nhiều khó khăn, hệ thống này sẽ càng phát huy vai trò của mình, giúp doanh nghiệp kết nối và nắm bắt cơ hội từ những Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như CPTPP, EVFTA.

Theo Báo Công Thương Điện Tử

Từ khóa : hệ thống cơ sở dữ liệu, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam