Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào ASEAN
(CL&CS) - ASEAN không chỉ là thị trường gần gũi với Việt Nam về địa lý mà còn có sự tương đồng về văn hóa và thói quen tiêu dùng. Khu vực này còn có dung lượng tiêu thụ hàng hóa lớn với tổng dân số 636 triệu người, GDP đạt 2.760 tỷ USD. Từ năm 2010, sau khi FTA ASEAN chính thức có hiệu lực, hầu hết các dòng thuế về 0% đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN đạt 57,3 tỷ USD, chiếm 12% trong tổng số kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới. ASEAN là thị trường không khó tính như các nước phát triển khác tại Đông Bắc Á, EU, Hoa Kỳ. Các nước ASEAN có thể nhập khẩu đa dạng các nhóm mặt hàng, phù hợp với sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn được đánh giá sẽ là cửa ngõ để EU đến với ASEAN khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) dự kiến có hiệu lực sớm trong tháng 7 hoặc tháng 8 năm 2020. Đây cũng là cơ hội lớn của Việt Nam phát triển quan hệ thương mại với các nước ASEAN.
Trong những năm gần đây, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN có sự tăng trưởng nhanh. Những Hiệp định thương mại Việt Nam với các nước ASEAN đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho DN xuất khẩu. Theo đó, nhiều ngành nghề khi xuất khẩu vào thị trường ASEAN được hưởng rất nhiều ưu đãi, nhất là về thuế.
Sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành thì lộ trình giảm thuế, xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước trong AEC được thực hiện và giảm xuốngmức 0-5% theo ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN). Đây được cho là môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Chính vì vậy mà kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đang có đà tăng trưởng mạnh. Hiện rất nhiều ngành nghề, nhất là các mặt hàng nông, lâm thủy sản Việt Nam đang chuyển hướng xuất khẩu và coi ASEAN là thị trường trọng điểm trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ASEAN hiện đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của thủy sản Việt Nam. Do được hưởng những ưu đãi từ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và những Hiệp định liên quan nên một số mặt hàng xuất khẩu thủy sản như tôm, cá ngừ, cá tra… đang tăng cả về sản lượng và giá trị.
Theo đánh giá từ VASEP, với nhiều lợi thế về thuế suất khi thực hiện các hiệp định thương mại, ASEAN đang được kỳ vọng là thị trường xuất khẩu thủy sản tiềm năng. Hiện nay, ASEAN đang là một trong những thị trường xuất khẩu cá ngừ quan trọng của Việt Nam. Năm 2018, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN đã tăng gần 3 lần so với năm 2010 lên hơn 50 triệu USD.
Hiện ASEAN là khu vực xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, đứng sau thị trường EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Năm 2018, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với tất cả 9 thành viên ASEAN đạt 56,3 tỷ USD, chiếm 11,7%. Cho đến nay, Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan trong AEC, năm 2018 đã hoàn tất lộ trình loại bỏ thuế. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, đồng thời mở rộng thị trường trong khu vực AEC.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường ASEAN và duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu, các doanh nghiệp phải tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do trong khu vực, đặc biệt là tiếp cận và mở rộng thị trường mới.
Hiện nay việc mở rộng thị trường xuất khẩu vào khu vực ASEAN được coi như là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt có điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và khẳng định vị thế mới của mình trong khu vực. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này vẫn còn ở mức thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Nguyễn Ngọc
Theo www.chatluongvacuocsong.vn
Từ khóa : xuất khẩu hàng hóa, ASEAN