Còn nhiều khó khăn trong giao thương với khu vực ASEAN

(CL&CS) - Dù là thị trường truyền thống và có sự tương đồng về nhiều mặt với Việt Nam nhưng không vì thế mà việc xuất khẩu hàng hóa vào ASEAN là hoàn toàn dễ dàng.

Các nước ASEAN là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN đạt 57,3 tỷ USD, chiếm 12% trong tổng số kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới. ASEAN là thị trường không khó tính như các nước phát triển khác tại Đông Bắc Á, EU, Hoa Kỳ. Các nước ASEAN có thể nhập khẩu đa dạng các nhóm mặt hàng, phù hợp với sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn được đánh giá sẽ là cửa ngõ để EU đến với ASEAN khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) dự kiến sẽ có hiệu lực sớm trong tháng 7 hoặc tháng 8 năm 2020. Đây cũng là cơ hội lớn của Việt Nam phát triển quan hệ thương mại với các nước ASEAN.

Tuy nhiên với tác động từ dịch bệnh và nhiều yếu tố cạnh tranh khác đã khiến việc xuất khẩu hàng hóa vào ASEAN vốn không hề dễ dàng nếu doanh nghiệp không cố gắng.

Theo số liệu từ Tổng Cục thống kê, 5 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... vẫn tăng trưởng mặc dù chịu sự tác động của đại dịch Covid-19. Các thị trường khác lại giảm mạnh như: EU, giảm 12%; thị trường ASEAN giảm 13,4%; Hàn Quốc giảm 0,5%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu trong nội khối là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sức khỏe chưa hồi phục. Công nghệ sản xuất sản phẩm còn lạc hậu, chủ yếu phù hợp với Lào, Kampuchia, Myanmar. Các doanh nghiệp Việt chưa chú trọng xuất khẩu nội khối Asean dù có nhiều ưu đãi. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu nội khối là từ các doanh nghiêp FDA (điện thoại các loại, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện...) phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc và hàng công nghệ cao của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...

Theo kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:  57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết, thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% DN có hoạt động XK khẳng định hàng hóa sản xuất ra không XK được. Tuy vậy vẫn có những doanh nghiệp ổn định sản xuất và tăng sản lượng sản xuất. Tái cấu trúc lại doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình mới. Nâng cao chất lượng sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nguyễn Ngọc 

Theo www.chatluongvacuocsong.vn

Từ khóa : khó khăn, khu vực ASEAN