Kích cầu thị trường nội địa
Doanh thu thị trường trong nước đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau thời gian giãn cách xã hội, đặc biệt là doanh thu bán lẻ hàng hóa. Trong khi xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn, thị trường trong nước đang là động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Tiêu thụ nội địa tăng
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường nội địa đang phát triển có thể bổ sung một phần hoặc thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài. Đến nay, gần 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu (với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày). Với tốc độ hiện tại, mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu người Việt Nam tham gia nhóm này. Tầng lớp trung lưu mới nổi này sẽ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ không chỉ nhiều hơn, mà còn chất lượng tốt hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực thông qua sử dụng các nguồn lực hiệu quả và đổi mới, sáng tạo hơn.
Thị trường nội địa là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp khai thác |
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2020 - tháng đầu tiên nền kinh tế ở trạng thái “bình thường mới”, ước đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước tính đạt 1.543,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm tăng nhẹ do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.
Thị trường nội địa được nhận định là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, nhiều hoạt động kích cầu nội địa đã và đang được doanh nghiệp triển khai. Đơn cử, trong thời gian qua, hàng loạt các hoạt động kết nối nông đặc sản đã được tổ chức tại chuỗi siêu thị của Tập đoàn Central Retail.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết, thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được đưa vào phân phối tại hệ thống siêu thị GO/Big C. Thông qua sự kiện này, Big C sẽ tìm kiếm thêm được nhiều nhà cung cấp mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng hóa đặc sản vùng miền ngày càng tăng cao của người tiêu dùng. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, Hợp tác xã kết nối với Big C để đưa các sản phẩm nông sản địa phương vào bày bán tại hệ thống siêu thị của Big C lâu dài và ổn định.
Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) cho biết, trong thời gian qua, nhiều chương trình được liên kết, đưa các đặc sản vùng miền vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart - Haprofood - Intimex. Bên cạnh đó, Hapro chủ trương phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích bám theo khu vực dân cư và khu vực ngoại thành. Việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, người dân bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thu nông sản xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường nội địa
Thị trường nội địa được nhận định vẫn là động lực chính cho doanh nghiệp phát triển. Do đó, thời gian tới, nhiều giải pháp để phát huy hiệu quả khu vực thị trường nội địa sẽ tiếp tục được triển khai.
Đơn cử, trong khuôn khổ thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian tới, bên cạnh các giải pháp xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) sẽ triển khai mạnh các nhiệm vụ chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm, vi phạm an toàn thực phẩm… từ đó góp phần ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia ngành bán lẻ cho rằng, những thủ tục hành chính thành lập các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần thông thoáng, tốn ít chi phí và thời gian. Nhà nước cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.
Thúc đẩy tiêu thụ nội địa, Bộ Công Thương cũng vừa có Công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề, các Doanh nghiệp phân phối phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hậu Covid-19.
Theo đó, từ ngày 1/7/2020 đến ngày 31/12/2020 sẽ tổ chức các sự kiện như: Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 – Vietnam Grand Sale 2020; Tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam của các doanh nghiệp Việt Nam; quảng bá các sản phẩm thực phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thông qua các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm.
Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức các hoạt động kết nối trực tiếp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng; giữa các đơn vị sản xuất với nhau; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại một số địa phương.
Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” sẽ tiếp tục được tổ chức để quảng bá các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tới người tiêu dùng.
Từ khóa : Kích cầu, thị trường nội địa