Cơ hội mới cho công nghiệp chế biến từ EVFTA
Nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu với mức thuế 0%, dễ dàng tiếp cận nhiều thị trường trong khối EU… là những cơ hội mới mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ đem đến cho ngành công nghiệp chế biến trong thời gian tới.
Cơ hội lớn
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại nông sản chế biến để xuất đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc…, bà Trần Thị Kiều Hương - Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm NFC (Đồng Nai) - bảy tỏ vui mừng khi Hiệp định EVFTA sắp đi vào thực thi. Theo bà Hương, EVFTA sẽ đem đến lợi thế lớn cho ngành công nghiệp thực phẩm. Bởi lẽ, khi các sản phẩm xuất khẩu được hưởng mức thuế 0%, những sản phẩm này sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các sản phẩm tương tự từ các nước khác. Cùng với đó là cơ hội tiếp cận thị trường, nhập khẩu máy móc hiện đại với mức giá rẻ hơn. “Trước đây, công ty phải nhập các loại máy móc hiện đại như hệ thống máy loại kim loại trong các sản phẩm bột với mức giá rất cao, song chi phí này sẽ được giảm xuống khi EVFTA đi vào thực thi. Từ đó mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất ứng dụng công nghệ, đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng tầm doanh nghiệp”, bà Hương chia sẻ.
EVFTA là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh |
Tương tự, ông Phạm Văn Hậu - Tổng giám đốc Công ty CP XNK Nguyên Hậu (Đồng Tháp) - cho biết, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm từ nông sản địa phương với sản lượng khoảng 5.400 tấn/năm. Doanh thu mỗi năm khoảng 60 tỷ đồng, trong đó có tới 90% doanh thu đến từ xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu lớn hiện nay là: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Malaysia... Chính vì vậy, khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa trong việc tiếp cận các thị trường nằm trong khối EU.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản - nhận định, EVFTA được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhờ vào những dây chuyền công nghệ hiện đại. Đồng thời, việc chế biến cũng sẽ giúp ngành nông sản rất nhiều trong việc tận dụng những sản phẩm không đạt yêu cầu về mẫu mã để làm nguyên liệu chế biến, khai thác tối đa giá trị sản phẩm.
Sẵn sàng tận dụng cơ hội
Theo ông Hòa, trong thời gian qua, hàng loạt nhà máy chế biến đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Trong đó, có nhiều nhà máy có quy mô, công suất lớn, dây chuyền hiện đại như: nhà máy Doveco (Gia Lai), Nhà máy chế biến rau quả Nafoods (Long An), Tanifood (Tây Ninh), Vina T&T… Mới đây nhất, Công ty Cổ phần tập đoàn Hanfimex cũng khánh thành nhà máy chế biến hạt điều tại Bình Phước. Với dây chuyền sản xuất khép kín, công nghệ hiện đại nhất của Đức, Hà Lan, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Trong khi đó, đại diện Công ty CP XNK Nguyên Hậu cho biết đã đầu tư trang thiết bị sản xuất tự động với công nghệ tiên tiến, dây chuyền khép kín cùng phương thức kỹ thuật hiện đại, hợp vệ sinh theo chương trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt có độ tin cậy cao được thế giới công nhận như: ISO, HACCP.
Cùng với việc đầu tư máy móc công nghệ, các doanh nghiệp cũng liên kết, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu an toàn để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Điển hình như nhà máy Tanifood đã ký hợp đồng trồng - tiêu thụ sản phẩm trên 500ha với nông dân và các tổ chức để trồng các loại cây ăn trái như xoài, khóm, thanh long. Hay như Công ty CP Nafoods cũng đã hợp tác với tỉnh Tây Ninh để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái an toàn (hữu cơ) theo chuỗi giá trị với quy mô diện tích khoảng 10.000 ha…
Công ty Thực phẩm NFC cũng tiến hành liên kết sản xuất với hàng nghìn người dân tại nhiều vùng trong cả nước nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững cho sản xuất. “Hiện nay công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, cũng như các nguồn lực về tài chính, lao động, các yêu cầu về nông nghiệp bền vững, môi trường, khí thải… sẵn sàng để mở rộng xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới”, bà Hương chia sẻ.
Từ khóa : công nghiệp chế biến, EVFTA