Làm gì để phát triển du lịch Đông Nam Bộ?
(CL&CS) - Để phát triển du lịch toàn vùng Đông Nam Bộ cần đẩy hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh còn lại trong vùng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong việc hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng…
Đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch; thúc đẩy du lịch nội địa, hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đông Nam Bộ bao gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và được đánh giá là vùng rất phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch với nhiều địa danh nổi tiếng như: Núi Bà Đen, Tòa thánh Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), Bãi Sau, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), tòa nhà Landmark 81 (TP.HCM) cao nhất Việt Nam… Tuy nhiên việc phát triển những sản phẩm du lịch này còn riêng lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ để phát huy hết tiềm năng.
Tại hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ ngày 28/6 tại Tây Ninh, bên cạnh giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch mới của các tỉnh thành, chính sách kích cầu của địa phương... và công bố ba tuyến sản phẩm liên vùng mới nhằm tạo sự kết nối, hình thành các tuyến du lịch các tỉnh, nhằm kích cầu du lịch, tạo bước đột phá cho du lịch cấp vùng Đông Nam Bộ. Lãnh đạo các địa phương đã ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025; phối hợp triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2021.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, lợi thế liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh còn lại của Đông Nam Bộ chính là có sự khác biệt, có tính bổ trợ cho nhau. TP.HCM có sản phẩm chủ lực là du lịch mua sắm, ẩm thực... Trong khi thế mạnh của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ là du lịch văn hóa, tâm linh, danh lam thắng cảnh, sinh thái, ẩm thực và du lịch biển. Vì vậy, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến, sự liên kết du lịch của cả vùng không những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến mà còn phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách một cách dễ dàng hơn.
Cũng theo ông Trần Văn Chiến, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành kinh tế trong đó có du lịch. Tuy nhiên Việt Nam đã có thành công trong kiểm soát dịch bệnh, được thế giới đánh giá cao và trở thành một điểm đến an toàn. Đây là thời điểm vàng để Việt Nam nói chung, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ nói riêng tận dụng nhiều nhất những cơ hội trong giai đoạn khó khăn này để quảng bá, xây dựng các chương trình kích cầu để lấy lại sự tin tưởng của khách du lịch về hình ảnh điểm đến an toàn và hấp dẫn.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM, thời gian qua Sở này cùng 9 công ty du lịch tại TP.HCM đã tổ chức các đoàn đi khảo sát tại các địa phương. Sau đó, các công ty du lịch này đã xây dựng 3 chương trình kích cầu liên tour liên tuyến mới với các sản phẩm được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều khách du lịch với các tour như: Tour TP.HCM - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Nam Bộ". Tour TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông” và cuối cùng là tour TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu với chủ đề “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca”. Tất cả các tour đều giảm giá 30%.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc 9 doanh nghiệp du lịch TP.HCM như: Lữ hành Saigontourist, Vietravel, Bến Thành… ký kết hợp tác với 20 doanh nghiệp du lịch của các tỉnh càng có ý nghĩa quan trọng.
Cũng theo ông Lê Thanh Liêm, Đông Nam Bộ có nhiều thế mạnh tiềm năng về du lịch. Thời gian tới các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đã hình thành và phát triển thêm sản phẩm mới. Các địa phương cần mở rộng số lượng doanh nghiệp trong vùng tham gia các chương trình kích cầu, tăng cường liên kết với các tỉnh, thành khác… để có những tour kích cầu nội địa hấp dẫn với chất lượng, giá hợp lý. Triển khai hoạt động dịch vụ, du lịch trong giai đoạn bình thường mới, các địa phương cần phải đáp ứng điều kiện đảm bảo an toàn cho du khách, cho đội ngũ nhân lực ngành, cũng như cộng đồng xã hội.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Đông Nam Bộ có lợi thế tiềm năng lớn nhưng sự liên kết trước đây dừng lại song phương, giữa cấp sở chưa toàn diện cụ thể. Do vậy, lần này để các tuyên bố không chỉ dừng lại khuôn khổ hội thảo, thời gian tới, 6 sở du lịch của các địa phương cam kết đồng hành với doanh nghiệp, cùng nhau đề ra những kế hoạch cụ thể để hiện thực hoá những giải pháp nội dung được cam kết.
Theo Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, để phát triển du lịch toàn vùng Đông Nam Bộ cần đẩy hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh còn lại trong vùng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong việc hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng. Thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch; tăng cường phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch; thúc đẩy du lịch nội địa, hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
T. Lợi
Theo www.chatluongvacuocsong.vn
Từ khóa : phát triển du lịch, du lịch Đông Nam Bộ?