Giao thương trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản: Thêm cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Nhật Bản vào ngày 30/6/2020. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu cho hàng hoá Việt Nam được triển khai rầm rộ từ đầu năm tới nay.
Hội nghị đã thu hút sự tham gia của 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm tiêu dùng các loại của Việt Nam đến từ 8 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đông, Long An và Quảng Ngãi.
Theo ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong những năm qua, và cũng là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019, đạt 15,6 tỷ USD.
Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại: Việt Nam - Nhật Bản có nhiều tiềm năng hợp tác |
Cũng theo ông Vũ Bá Phú, Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác thương mại, cơ cấu hàng hóa của hai nước không cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau. Cụ thể, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng các loại… trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này. “Mới đây, hơn 2 tấn vải thiều Việt Nam đã được chính thức nhập khẩu vào Nhật Bản và được người tiêu dùng tại Nhật Bản đón nhận, tiêu thụ nhanh chóng tại hệ thống siêu thị ở Tokyo, Osaka và đánh giá cao về chất lượng”, lãnh đạo Cục XTTM cho hay.
Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản hiện đang là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Đây là điều kiện tốt cho mở rộng hợp tác giao thương giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những triển vọng hợp tác cùng gia nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.
Tiềm năng là vậy nhưng để hàng xuất khẩu của Việt Nam mở rộng được thị phần tại Nhật Bản, đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN, Nhật Bản cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những quy định của nước này khi nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng thực phẩm.
Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam- Nhật Bản lần đầu tiên được tổ chức |
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu đã cập cảng tại Nhật Bản, sau khi được kiểm dịch động, thực vật, báo cáo nhập khẩu thực phẩm và quá trình thẩm định cho thấy không có vấn đề gì thì mới được chuyển qua thủ tục nhập khẩu. Ngoài ra, khi thông quan, thực phẩm hay đồ đựng thực phẩm, bao bì phải được làm thủ tục báo cáo theo Luật vệ sinh thực phẩm. Đối với các mặt hàng như xà phòng, mỹ phẩm, dược phẩm thì phải áp dụng theo Luật dược phẩm.
Riêng đối với sản phẩm dệt may, doanh nghiệp Việt Nam cần thông báo cho nhà nhập khẩu về nguyên vật liệu và cách thức dệt may để thời gian thông quan được nhanh chóng.
Hơn 2 tấn vải thiều của Việt Nam đã được nhập khẩu vào Nhật Bản |
Ngay sau phiên hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam đã được sắp xếp vào 8 phòng giao thương trực tuyến với những nhà nhập khẩu của Nhật Bản. Tại đây, doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu, quảng bá và chào bán tới các nhà phân phối, nhập khẩu Nhật Bản đa dạng các sản phẩm gồm: Các loại rau quả, sản phẩm từ hạt mắc ca, gia vị, thực phẩm khô, bánh kẹo, đồ uống, thủy sản khô, đông lạnh và đóng hộp, tinh bột sắn…
Từ khóa : Giao thương trực tuyến, Việt Nam - Nhật Bản, hàng Việt xuất khẩu