TP. Hồ Chí Minh: Xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng trưởng tốt

Hoạt động xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng dù gặp nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong 6 tháng/2020 hoạt động xuất khẩu vẫn tăng cao so với cùng kỳ với 5,8%. Trong đó, các nhóm hàng có mức tăng trưởng tốt là linh kiện, sản phẩm điện tử, nông sản và rau quả. Khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dẫn đầu tăng trưởng xuất khẩu.

Xuất khẩu vẫn tăng trưởng trong khó khăn

Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các ngành dịch vụ trong đó có hoạt động xuất khẩu, nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn duy trì mức tăng trưởng. Tính chung 6 tháng/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN TP. Hồ Chí Minh tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô đạt 19,8 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

tp ho chi minh xuat khau 6 thang dau nam tang truong tot

Hoạt động xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh vẫn tăng trưởng trong nhiều khó khăn

Các nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng tốt là linh kiện, sản phẩm điện tử, nông sản và rau quả, do có đơn hàng từ trước dịch. Bên cạnh đó, trong ảnh hưởng khó khăn của dịch bệnh thì lại mở ra cơ hội xuất khẩu khi một số nhà máy ở Trung Quốc ngưng hoạt động do dịch bệnh nên đơn hàng được chuyển sang Việt Nam, cụ thể là về Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.

Một số mặt hàng xuất khẩu khác cũng duy trì mức tăng trong mùa dịch là ngành may mặc. Hàng dệt may chiếm hơn 12%, da giày chiếm hơn 14% tổng kim ngạch xuất khẩu qua EU trong 6 tháng/2020. Trong mùa dịch, các DN vẫn tăng trưởng nhờ đơn hàng cũ, dù thực tế có hơn 45% số DN bị ảnh hưởng khó khăn bởi dịch bệnh.

Cũng phải nhắc đến khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã góp phần tích cực trong việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu của thành phố trong 6 tháng qua. Nếu như khu vực kinh tế nhà nước xuất khẩu chỉ đạt 1,2 tỷ USD (giảm 23,3%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt khoảng 5,2 tỷ USD (giảm 6,4%) thì khu vực FDI đạt đến 12,6 tỷ USD (tăng 15,7%).

Trong 6 tháng/2020 Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với DN thành phố với kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 26,7% tỷ trọng xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai là Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,1 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 16,7%.

Đối với các thị trường mà Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì giá trị xuất khẩu trong 6 tháng/2020 sang các thị trường này nhìn chung có xu hướng giảm. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường châu Âu (Hiệp định EVFTA) trong 6 tháng/ 2020 đạt 2,2 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố. Điều này cho thấy đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu nhất là tại các thị trường trọng điểm của thành phố.

Nhiều giải pháp hỗ trợ DN xuất khẩu

Để hỗ trợ DN xuất khẩu vượt qua khó khăn và đạt được mục tiêu tăng trưởng, kế hoạch đề ra từ nay đến cuối năm thành phố sẽ thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN nói chung và các DN xuất khẩu nói riêng.

Theo tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh - cho đến nay, Bộ Công Thương đã chủ động, làm rất tốt vai trò mở cửa thị trường, ký kết và thực thi các FTA mà mới nhất là Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2020, mở ra nhiều kỳ vọng và cơ hội tăng xuất khẩu cho nhiều DN. Từ phía các Bộ ngành, địa phương trong nước cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN bằng thể chế (nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể); tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa khi tham gia xuất khẩu.

Hỗ trợ DN xúc tiến xuất khẩu, thành phố sẽ phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước sở tại và các cơ quan đại diện của các nước tại Việt Nam để nắm bắt thông tin về tình hình nhu cầu về hàng hóa, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm... của thị trường các nước để kịp thời hỗ trợ thông tin và giúp DN chuẩn bị chiến lược xuất khẩu phù hợp nhất là trong giai đoạn hậu dịch bệnh.

Theo bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh - thành phố sẽ tổ chức cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng xuất khẩu để hỗ trợ DN cập nhật thông tin thị trường một cách nhanh chóng nhất. Chọn lọc sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của thành phố tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu phù hợp với thị trường của từng quốc gia, đặc biệt là thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết các FTA.

Triển khai các khóa huấn luyện đào tạo nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến thiết kế bao bì cho phù hợp với văn hóa và tập quán tiêu dùng của thị trường xuất khẩu. Xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần hỗ trợ DN nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và đạt hiệu quả cao khi tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu.

Từ phía các DN cũng cần tận dụng cơ hội từ các FTA để phát triển thị trường xuất khẩu và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới, đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường... Đồng thời, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước.

Theo Thanh Thanh (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Xuất khẩu, tăng trưởng tốt