Lựa chọn nào của doanh nghiệp thời hậu Covid-19?

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, doanh nghiệp (DN) phải tiếp tục cân bằng chiến lược, cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới DN, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng để chuẩn bị cho những khủng hoảng trong tương lai.

Đây là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp “lựa chọn nào thời hậu Covid” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều ngày 2/7.

Phát biểu tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế - cho biết, Covid-19 là cuộc khủng hoảng tác động cả cung và cầu. Về phía cung, các doanh nghiệp nhất là dệt may da giày mất ngay nguồn cung trong những tháng đầu tiên của dịch bệnh. Về phía cầu nhu cầu rất yếu.

lua chon nao cua doanh nghiep thoi hau covid 19

GDP 6 tháng năm 2020 của Việt Nam tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trong đó, dịch vụ tăng trưởng thấp. Bán lẻ, du lịch, lưu trú - ăn uống, vận tải - kho bãi, dịch vụ bất động sản phục hồi chậm. Xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, trong đó xuất khẩu giảm 1,1%, nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước gặp khó khăn, thâm hụt ngân sách tăng mạnh. Tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu dự kiến tăng mạnh. Khối doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số DN tạm ngừng hoạt động tăng 38,2%, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Vốn FDI suy giảm, trong đó, FDI đăng ký giảm 15%.

"Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng phục hồi tốt. Giải ngân đầu tư công tăng 20% so với cùng kì năm trước, sự quyết liệt của Chính phủ đã đưa đến kết quả khả quan", TS Cấn Văn Lực nói.

Nói rõ hơn về dòng vốn FDI, ông Lực cho biết, theo nghiên cứu FDI đầu tư vào các nước mới nổi giảm 40%. Việt Nam 6 tháng đầu năm giảm 15% như vậy vẫn khả quan. Bởi trong bối cảnh hiện nay các nhà đầu tư thận trọng hơn, chuyển dịch vào nơi trú ẩn an toàn.

Trong một thế giới biến đổi việc lựa chọn đối tác chiến lược, đối sách DN là vấn đề được đặt ra. TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý trung ương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cho rằng, DN cần tìm kiếm cơ hội kinh doanh, xét theo lợi thế so sánh và phí tổn tuân thủ. Cơ hội kinh doanh phải gắn với thị trường, với hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, cần chuyển động cùng cách mạng công nghiệ 4.0 và chuyển đổi số. Cần quản trị sự bất định, ứng biến tốt với những trường hợp bất ngờ….

Theo TS Võ Trí Thành, để sáng tạo sản phẩm mới và truyền thông, bán hàng tốt, cần đáp ứng xu hướng phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội cùng cuộc cách mạng tiêu dùng: xanh, thông minh, nhân văn, biểu tượng và cá tính. 

Đặc biệt, doanh nghiệp không chỉ bán cái thị trường cần mà phải biết tạo dựng thị trường. Ngoài ra, phải thay đổi kỹ năng và ứng xử người lao động, đối diện với lựa chọn thay đổi để có việc làm mới hay bị bỏ lại phía sau.

“DN cần định hình lại phương thức sản xuất kinh doanh, chú trọng thông tin, dịch vụ gắn với xử lý dữ liệu và kết nối để thông minh hóa nhà quản trị, quy trình sản xuất và tối ưu hóa chuỗi giá trị. Cần lưu ý lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, những ngành nghề có lợi thế so sánh truyền thống, lĩnh vực phục vụ, hỗ trợ mạng sản xuất, chuỗi giá trị, kết cấu hạ tầng và bất động sản, những ngành/lĩnh vực mới nổi”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Để quản trị sự bất định và rủi ro, DN cần học hỏi, chuẩn bị, sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động giá, tận dụng bảo hiểm, tăng nhận thức pháp lý, thu nhập, phân tích thông tin, đánh giá rủi ro, dành nguồn lực tốt nhất có thể.

Tại hội nghị, chuyên gia kinh tế cũng góp ý, DN cần phải đổi mới mô hình kinh doanh. Đồng thời kết nối, xác lập và chủ động định vị trong chuỗi giá trị. Với mô hình 5 chữ R: Respond (ứng phó với đại dịch), Recover (phục hồi); Re-invent (đổi mới, sáng tạo trong mô hình/chiến lược kinh doanh); Restructure (tái cơ cấu) và Resilience (tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài), TS Cấn Văn Lực cho rằng, DN cần đáp ứng ít nhất 3 yếu tố đầu tiên.

Gợi ý một số chính sách đối với DN nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới để bù đắp cho những tổn thất do đại dịch vừa qua, TS Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường còn tiềm năng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát; giải ngân đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tận dụng cơ hội thu hút có sàng lọc đầu tư nước ngoài; kích cầu tiêu dùng nội địa; phát triển kinh tế số, kinh doanh số và Chính phủ điện tử. Cải cách thể chế và môi trường kinh doanh lúc nào cũng quan trọng và năm nay càng quan trọng.

Cùng với sự nỗ lực từ phía DN, Chủ tịch VCCI - ông Vũ Tiến Lộc - cho rằng, thực tiễn chỉ ra rằng, động lực lớn nhất của tăng trưởng là cải cách thể chế, dư địa lớn nhất cũng là cải cách thể chế. Năm 2016 có làn sóng xóa bỏ điều kiện kinh doanh trong thông tư của bộ ngành. Đây là làn sóng cắt giảm điều kiện kinh doanh đầu tiên. Làn sóng cắt giảm điều kiện kinh doanh thứ hai là xóa bỏ 50% điều kiện kinh doanh trong năm 2018. Năm nay khởi động làn sóng cắt 20% điều kiện kinh doanh để đưa môi trường kinh doanh vào nhóm 4 ASEAN. “Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã ban hành để hỗ trợ DN. Đồng thời, trong quá trình đó, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai giải pháp mới và tính đến hỗ trợ các lĩnh vực có tiềm năng là du lịch và hàng không. Đồng thời, cũng cần hỗ trợ cho các dự án có tiềm năng và chịu ảnh hưởng nhiều”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Hạnh (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : hậu Covid-19