Từ “ATM gạo” đến nhà thông minh của doanh nhân 8X

(CL&CS) - Những ngày đầu tháng 4/2020, khi hàng trăm ngàn người lao động nghèo còn đang bối rối vì chỉ thị giãn cách xã hội từ đầu tháng, thì có một cây “ATM gạo” thình lình xuất hiện trên một con đường nhỏ ở Q. Tân Phú, TP.HCM. Người đứng sau cây “ATM gạo” giúp gỡ mối ngổn ngang những ngày qua là doanh nhân 8X Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh.

Ấm lòng dòng gạo trắng

Là một doanh nhân kinh doanh sản phẩm khóa điện tử và chuông cửa thông minh, Tuấn Anh từng nhiều lần trải lòng với người lao động nghèo Sài Gòn. Anh cho biết, thấy người lao động mất việc nhiều nên muốn giúp đỡ. Nhưng nếu tụ tập đông người lại dễ lây lan bệnh dịch. Sau khi suy nghĩ, anh chỉ đạo nhân viên tận dụng máy kiểm tra khóa điện tử để chế thành “ATM gạo” trong vòng 8 giờ.

Sáng ngày 6/4/2020, 500kg gạo từ cây ATM có chi phí hơn 10 triệu đồng, nhanh chóng được phát hết. Mỗi người được nhận 1,5kg gạo, đứng cách nhau 2m, khi nhấn nút sẽ có dòng gạo trắng tự động chảy ra. Đến nay, Tuấn Anh cho biết, số gạo phát mỗi ngày đã tăng lên khoảng 4-5 tấn, giúp được hơn 3.000 người mỗi ngày.

Sau khi cây “ATM gạo” xuất hiện, hàng trăm người khắp nơi đổ về góp gạo, người vài chục ký, người 1-2 tấn. Không chỉ vậy, ý tưởng của doanh nhân trẻ này đã nhanh chóng lan tỏa đến nhiều địa phương khác. Nhiều mạnh thường quân nối bước Tuấn Anh, lập nhiều “ATM gạo” ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Đắk Lắk và Cà Mau để giúp đỡ người khó khăn. Tuấn Anh cho biết, sau hai điểm mới là Nhà Thiếu nhi quận 12 và UBND xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh), anh sẽ tiếp tục hỗ trợ cây “ATM gạo” mini đến những tỉnh vùng sâu vùng xa. Mục tiêu của anh là đạt 100 điểm phát gạo miễn phí và phát cho đến khi hết dịch.

Không phải đợi đến khi ảnh hưởng của dịch bệnh lên đến đỉnh điểm, Tuấn Anh mới xuất hiện giúp đỡ người khác để tô vẽ cho điều gì đó. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và lây lan, anh đã âm thầm góp sức chống dịch. Đầu tháng 2/2020, khi bệnh viện dã chiến chống dịch mở cửa tại huyện Củ Chi (TP.HCM), Tuấn Anh đã nhanh chóng hỗ trợ 100 chuông cửa thông minh.

Tuấn Anh cho biết, chuông cửa này có tích hợp camera và kết nối với điện thoại của y bác sĩ. Khi cần, người cách ly có thể nhấn chuông và nói chuyện trực tiếp với bác sĩ. Đội ngũ y bác sĩ cũng có thể theo dõi bệnh nhân qua camera, hạn chế tối đa việc tiếp xúc để tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Hỗ trợ trăm bộ chuông cửa có giá trị hàng trăm triệu đồng, ngoài tình thương giữa người với người, với Tuấn Anh còn vì nỗi tâm tư về người mẹ quá cố. Vài năm trước, khi mẹ anh trị bệnh ở Úc, anh không thể ở lại nên đã nhờ chuông cửa này để theo dõi mẹ liên tục. “Khi mẹ đói bụng, khát nước hay muốn nói chuyện đều có thể nói với tôi qua chuông cửa này, dù tôi đang ở Việt Nam. Tôi đã chăm sóc mẹ suốt 3 năm như vậy” - Tuấn Anh bồi hồi kể.

Tâm huyết với từng chiếc khóa

Chỉ 10 ngày từ khi cây “ATM gạo” tại quận Tân Phú được ấn nút, các mạnh thường quân đã góp hơn 200 tấn gạo. Người khó khăn đến nhận gạo chỉ biết có một thanh niên trẻ đầy lòng nhân ái tổ chức việc này, chứ ít người biết thân thế của Hoàng Tuấn Anh ra sao.

Sinh ra trong một gia đình khá giả tại TP.HCM, Tuấn Anh đi du học tự túc tại Úc từ những năm cấp 3. Vốn có máu kinh doanh từ nhỏ, anh tập tành kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ và kiếm được khá nhiều tiền. Đến năm 2007, khi mới 23 tuổi, anh tham gia vào dự án lắp đặt tấm cách nhiệt cho người dân do chính phủ Úc tài trợ. Cũng từ dự án này, anh kiếm được hơn 1 triệu đô la Úc nhưng cũng nhanh chóng mất trắng.

Đến năm 2010, chắt chiu hết số tiền kiếm được, anh về Việt Nam mở Công ty Vũ Trụ Xanh để phân phối độc quyền khóa điện tử PHGLock của Úc. Anh tâm sự: “Thị trường Việt Nam còn nhiều thứ chưa có so với thế giới. Đây là cơ hội lớn để khởi nghiệp”.

Khóa điện tử là mặt hàng khá phổ biến trên thế giới hàng chục năm qua, nhưng mặt bằng thu nhập của Việt Nam khiến sản phẩm này chưa phổ biến. Nhận ra điều đó, Tuấn Anh xác định phải cung cấp sản phẩm chất lượng nhưng giá phải vừa phải. Vì vậy, trong khi giá sản phẩm cùng loại trên thị trường ở mức 5-10 triệu đồng thì khóa PGHLock chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/cái.

Thị trường khóa điện tử tại Việt Nam có quy mô không dưới 10.000 tỷ đồng, nếu mỗi nhà dùng nhiều hơn 1 khóa thì con số sẽ tăng thêm vài lần, lên tới hàng tỷ USD. Thị trường này 5 năm trước đang do các thương hiệu nước ngoài thống trị, chẳng hạn như Gateman (Hàn Quốc), Yale (Mỹ) và hàng loạt khóa Trung Quốc. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khóa PGHLock của Vũ Trụ Xanh đã đứng đầu thị trường bán lẻ trong nước.

Để giành được vị thế này, Hoàng Tuấn Anh buộc phải đổ tâm huyết vào từng chiếc khóa. Chi phí xây dựng cũng không phải ít, anh đã tốn hơn 30 căn nhà mặt tiền trong 10 năm đầu tư.

Bình thường, các hãng khóa điện tử bảo hành 2 năm, nhưng Tuấn Anh tính toán phải bảo hành đến 5 năm. Vì khi công trình xây xong phần thô, chủ đầu tư phải lắp khóa ngay và xây khoảng 3 năm mới xong dự án chung cư. Thêm 2 năm bảo hành nữa là 5 năm. Vì thế, Tuấn Anh dùng chất liệu inox mà các hãng khác ở Việt Nam chưa có (như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan), để tăng độ bền.

Trước khi bán ra thị trường, anh cho kiểm tra độ bền với từng loại chất liệu khác nhau (cửa gỗ, nhôm, thép...). Trong mỗi lô hàng 10.000 bộ khóa, công ty lấy ra 1.000 bộ để kiểm tra ngẫu nhiên. Hiện Vũ Trụ Xanh có đến 12 máy chạy liên tục 24/24. “Cửa phòng ngủ thường đóng mở 10 lần/ngày, nhưng cửa bệnh viện có thể là 500 lần. Vùng có khí hậu nóng sẽ cần khóa khác với nơi lạnh. Nếu dùng khóa giống nhau để bán cho khách hàng có nhu cầu khác nhau thì mình vẫn có lời đó, nhưng khách hàng chịu thiệt. Tôi không làm được” - Tuấn Anh cười hiền lý giải.

Tương lai của nhà thông minh

Bên cạnh khóa điện tử, Vũ Trụ Xanh còn phân phối chuông cửa thông minh. Chuông cửa thông minh thì anh tặng cho bệnh viện dã chiến. Còn máy kiểm tra hoạt động khóa cùng chuông cửa được ứng dụng vào các cây “ATM gạo”.

Chuông cửa thông minh là sản phẩm Vũ Trụ Xanh mới ra mắt thị trường hồi giữa năm 2019 và được nhiều chủ đầu tư lớn đón nhận nhiệt tình. Tuấn Anh cho biết, ngoài yếu tố tiện lợi như không cần phải gắn thêm màn hình như chuông cửa cũ, kết nối trực tiếp với điện thoại và khóa thông mình, sản phẩm này còn là yếu tố giúp định hình tương lai của nhà thông minh.

Chuông cửa thông minh có thể giúp chủ nhà kiểm soát tình hình căn nhà khi đang đi xa (như chống trộm, nói chuyện và mở cửa cho người thân) và gửi báo cáo về điện thoại thông minh. Đặc biệt, hầu hết những người cho thuê nhà qua hệ thống Airbnb tại Mỹ, đều sử dụng thiết bị này để kết nối với người thuê mà không cần đến từng nhà.

Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng nhà thông minh đang tăng. Do đó, Tuấn Anh cho biết, anh đã thiết kế riêng gói nhà thông minh cho các công trình. Đó là xây dựng sẵn nền tảng kết nối thông minh, khi chủ nhà muốn, chỉ cần thao tác chuyển đổi đơn giản.

Với chi phí cũ, nhưng giá trị căn hộ sẽ tăng lên nhiều lần nhờ trang bị thêm các thiết bị thông minh. Đây cũng là xu hướng chung của các căn hộ đang được xây mới hiện nay. “Trước đây, nhà dễ mua dễ bán nên chủ đầu tư sử dụng khóa nào cũng được. Nhưng vài năm gần đây, khóa cơ trở thành lỗi thời và khóa thông minh được 90% các chủ đầu tư chọn lắp cho căn hộ. Nhà thông minh sẽ là xu hướng tiếp theo mà khóa và chuông cửa thông minh là thiết bị không thể thiếu” - doanh nhân 8X chia sẻ. 

 

Hoàng Yến

Theo www.chatluongvacuocsong.vn

Từ khóa : ATM gạo, nhà thông minh