Khắc phục điểm nghẽn thu hút dòng vốn FDI chất lượng

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang định hình lại sau đại dịch Covid-19. Các nhà đầu tư đang đa dạng hoá thị trường đầu tư. Việt Nam cần khắc phục những điểm nghẽn để thực sự thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng.

Chia sẻ tại Diễn đàn doanh nghệp (DN): “Lựa chọn nào thời hậu Covid” diễn ra ngày 2/7, ông Vũ Tú Thành- Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN- cho hay, trong năm 2019, kim ngạch hàng hoá Mỹ nhập khẩu từ các nước châu Á đạt giá trị 31 tỷ USD, trong đó, Việt Nam chiếm 46%. Điều này cho thấy Việt Nam đang hưởng lợi từ dòng dịch chuyển, mở rộng đầu tư, đa dạng hoá ngoài Trung Quốc. “Việt Nam luôn luôn đứng đầu trong 13 nước châu Á đón nhận dòng đầu tư từ Mỹ. Đây là một tin vui cho Việt Nam”, ông Vũ Tú Thành nói.

khac phuc diem nghen thu hut dong von fdi chat luong
Khắc phục các điểm nghẽn để thu hút dòng đầu tư FDI chất lượng

Theo ông Vũ Tú Thành, xu hướng đầu tư của các DN Mỹ cho thấy, các nhà đầu tư đang đa dạng hoá thị trường. Tức đưa việc sản xuất ra các thị trường ngoài Trung Quốc. Xu hướng này đã bắt đầu 6 năm trước, thương chiến Mỹ - Trung khiến xu hướng này trở lên mạnh mẽ và càng mạnh mẽ hơn trong đại dịch Covid-19.

Theo đó, chi phí là yếu tố mà DN quan tâm nhất khi xem xét một thị trường mới cho đầu tư. Sau thương chiến Mỹ - Trung, yếu tố rủi ro được đưa vào là yếu tố xem xét bên cạnh chi phí. Còn sau Covid-19 thêm một yếu tố được xem xét đó là khả năng chống chịu với các cú sốc. 

“Nếu đặt tất cả các yếu tố chi phí, rủi ro, khả năng chống chịu vào Trung Quốc thì không đáp ứng được, Việt Nam theo đó trở thành mảnh đất màu mỡ, tiềm năng cho các nhà đầu tư Mỹ”, ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh. 

Làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam được nhắc nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các DN FDI nói chung và DN Mỹ nói riêng đang đưa phần mở rộng của mình từ Trung Quốc sang thị trường khác ngoài, chứ không phải là dịch chuyển hoàn toàn. Bởi lẽ, thị trường nội địa Trung Quốc cũng là mảnh đất màu mỡ cho các DN mà họ không thể nào từ bỏ hoàn toàn.

Riêng đối với DN Mỹ, phần mở dự định sẽ đầu tư vào các thị trường bên ngoài Trung Quốc, theo nhận định của ông Vũ Tú Thành, đây là lĩnh vực công nghệ, điện tử bán dẫn với các thương hiệu lớn như Apple, Samsung, đến các lĩnh vực hoá chất, hàng tiêu dùng...

Việc dịch chuyển là có, nhưng Việt Nam có thực sự nắm được cơ hội này hay không lại là chuyện khác. Yêu cầu đặt ra là làm sao đáp ứng được đòi hỏi của các nhà đầu tư. Bởi lẽ, hiện các DN FDI lo lắng về môi trường kinh doanh của Việt Nam, trong đó là vấn đề ổn định chính sách mà đặc biệt là chính sách về thuế, kinh tế số... còn sơ khai và chưa nhất quán; hay vấn đề điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, họ cũng lo ngại vấn đề hạ tầng bao gồm cả hạ tầng cứng và mềm.

Mặt khác, các DN FDI ở Việt Nam đang được hưởng lợi rất lớn từ nhiều chính sách thu hút đầu tư như thuế, đất đai, nguồn nhân lực giá rẻ… Tuy nhiên, hiện Việt Nam có nhiều đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong khu vực Đông Nam á như: Thái Lan, Malaysia, thậm chí Myanmar “trải thảm đỏ” đón tiếp nhà đầu tư nhờ ngoại giao, chuẩn bị quỹ đất lớn, chính sách tốt….

Tính chung cả 6 tháng, theo số liệu đến ngày 20/6, tổng FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019. Điểm đáng chú ý là dòng FDI FDI vào Việt Nam trong tháng 6/2020 đã tăng trở lại nhưng chưa thấy rõ được làn sóng chuyển dịch.

Theo các chuyên gia, hiện có 3 xu hướng dịch chuyển vốn FDI: Dịch chuyển nhà máy khó thực hiện vì phức tạp; công ty mẹ đầu tư thêm cũng không khả thi do bản thân công ty mẹ cần bảo toàn; dịch chuyển đơn hàng là làn sóng dễ nhất. Trên thực tế việc chuyển hướng đầu tư từ quốc gia này sang quốc gia khác không hề đơn giản vì nhà đầu tư sẽ phải xem xét, cân nhắc chi phí chuyển giao tài sản, kể cả những ưu đãi được hưởng ở quốc gia sẽ đầu tư. Đặc biệt, với các DN sản xuất, quá trình chuyển dịch vốn có thể mất từ 2 đến 5 năm do các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện.

Tại Tọa đàm "Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển FDI: Cơ hội và thách thức" vừa được tổ chức chiều 30/6, TS. Phan Hữu Thắng - Nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)- dự báo, sẽ không có sự nhảy vọt như sau WTO 2007, nhưng Việt Nam có duy trì được mức thu hút FDI không phụ thuộc vào giải pháp sắp tới. Việc khắc phục những điểm nghẽn trên sẽ giúp Việt Nam thực sự thu hút được dòng đầu tư chất lượng.

Ông Phan Hữu Thắng cho rằng, đầu tư nước ngoài phải có chỉ đạo sát. Bên cạnh đó, cần có “màng lọc” nhà đầu tư nước ngoài chất lượng. Đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai như Trí tuệ nhân tạo, robot, như big data, fintech… và tiếp cận được nhà đầu tư châu Âu và Mỹ sẽ phải là mục tiêu hướng tới. 

Về phía các DN phải có tầm nhìn và lớn lên để hội nhập. Phải tăng cường hệ thống quản lý chất lượng, tạo ra sản phẩm phục vụ tập đoàn đa quốc gia; quản lý toàn diện; tuân thủ luật pháp; nâng cao năng lực người lao động; chuẩn bị mặt bằng hệ thống sản xuất. 

Ông Nguyễn Văn Toàn- Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài- cho rằng, Việt Nam cần tiếp thu luồng vốn mới nhưng có cách tiếp cận khác mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị. Và cần tham gia vào các chi tiết có hàm lượng công nghệ cao. Phải làm được những chi tiết mà nếu không có nó thì không thành sản phẩm được.

Theo Nguyễn Hạnh (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : điểm nghẽn, FDI chất lượng