Ngành dệt may: Loay hoay bài toán liên kết
Liên kết vẫn được nhắc đến như một giải pháp hữu hiệu giúp dệt may Việt Nam phát triển khâu thượng nguồn, lấp đầy nguồn cung thiếu hụt, tuy nhiên liên kết với ai, liên kết theo cơ chế nào vẫn là vấn đề khó khi lệch pha cung – cầu và chi phí sản xuất quá cao.
Trắc trở cung - cầu
Với nguồn vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng, Công ty CP Dệt Bảo Minh là một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong trong sản xuất nguyên phụ liệu của ngành dệt may với năng lực nhuộm sợi đạt 500 tấn/tháng, dệt 2,5 triệu mét vải/tháng, nhuộm hoàn tất 3 triệu mét vải/tháng. Đã vận hành chính thức được hơn 1 năm, ông Trần Đăng Tường- Tổng giám đốc điều hành Công ty CP Dệt Bảo Minh – kỳ vọng: “Bảo Minh mong muốn nằm trong chuỗi liên kết sản xuất để phát triển bền vững và đủ sức cạnh tranh với nguồn nguyên liệu nhập khẩu”.
Ở thời điểm ban đầu, Bảo Minh đã gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm. Đứng ở vai nhà mua hàng, lại cộng tác với Bảo Minh từ những ngày đầu sản xuất, ông Thân Đức Việt- Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ: Ngành may với hàng nghìn mẫu mã, chủng loại nguyên liệu, việc đáp ứng ngay được nhu cầu đa dạng của DN là điều không dễ dàng. Những ngày đầu, Bảo Minh và May 10 tuy có sự lệch pha cung-cầu nhưng sau nhiều trao đổi thẳng thắn, tìm hiểu nhu cầu của nhau 2 DN dần tìm được tiếng nói chung. Hiện Bảo Minh là nhà cung ứng nguyên liệu lớn của May 10. Cũng theo lãnh đạo May 10, sang năm 2021 đơn hàng xuất khẩu nhiều khả năng sẽ rất khó khăn, công ty có định hướng tăng cường phát triển thị trường nội địa và nguyên liệu của Bảo Minh vẫn là một trong những ưu tiên lựa chọn của May 10.
Ngành dệt may vẫn loay hoay tìm lời giải cho bài toán liên kết |
Thực tế, sự trắc trở trong hợp tác cung - cầu giữa DN dệt - may trong nước không hiếm. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của DN ngành may là rất khó và quá sức với một vài nhà sản xuất nguyên phụ liệu, chưa kể tới bài toán chi phí. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - dẫn chứng: “Mới đây, một DN đã từ bỏ ý định xây dựng nhà máy sản xuất vải tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nguyên do, để xử lý 1 khối nước thải ra nước sạch đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành DN mất tới 20.000 đồng, con số này quá lớn so với dự tính và có khả năng lỗ lớn”.
“Chi phí sản xuất cao khiến giá thành vải trong nước cao hơn nguồn nhập khẩu từ 10% tới 40%. Sự chênh lệch này còn lớn hơn cả lợi ích về thuế do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU mang lại", ông Bùi Đức Thịnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng - cho hay.
Phản ứng kịp thời của cơ quan quản lý
Lệch pha cung - cầu, chi phí sản xuất cao là nút thắt lớn khiến nguồn cung thiếu hụt của dệt may Việt Nam mãi chưa được lấp đầy. Liên kết giữa các DN ngành may, giữa DN may - DN sản xuất nguyên phụ liệu, giữa DN trong nước - DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… để thắt chặt nguồn cung ứng cũng là vấn đề lâu nay được đặt ra nhưng mãi chưa thành hình.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho hay: Liên kết chuỗi là nỗi trăn trở lớn của dệt may Việt Nam, các DN trong ngành không phải là không liên kết nhưng rất lỏng lẻo. “Kết nối là một chuyện, nhưng niềm tin và ý thức dân tộc quan trọng hơn rất nhiều. Có thể nguồn sợi, vải trong nước chưa đa dạng, chưa rẻ như nguồn nhập khẩu nhưng vì sự phát triển chung, DN may có thể ưu tiên sử dụng”, ông Trần Thanh Hải nói.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp. Mới đây, Bộ đã khai trương cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ, trong đó ngành công nghiệp dệt may có 1.400 DN được đưa vào hệ thống. Bộ cũng đang tích cực hoàn thiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2040, sớm trình Chính phủ để làm cơ sở xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm có quy mô lớn, có hệ thống xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn để thu hút nhà đầu tư. Đây là nỗ lực không nhỏ của đơn vị quản lý với mong muốn ngành dệt may sớm tháo gỡ được điểm nghẽn thiếu nguyên phụ liệu và tận dụng tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.
Đứng ở vị trí DN, ông Bùi Đức Thịnh đề xuất: Cần xây dựng mối liên kết giữa DN sợi - dệt - may để hiểu rõ và đáp ứng đúng nhu cầu của nhau, liên kết DN trong chính 1 công đoạn để có sự thống nhất chung về giá. Với định hướng xây dựng các khu công nghiệp dệt nhuộm, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, nhà nước đầu tư ban đầu và thu hồi vốn sau. Vitas xây dựng 1 nhóm nhân lực thực hiện nhiệm vụ khớp nối DN giữa các lĩnh vực, như vậy mới đảm bảo hiệu quả.
Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Vitas: Xây dựng liên kết chuỗi trên cơ sở các giải pháp về công nghệ, quản trị, giao hàng nhanh, giá cả cạnh tranh để phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang luôn thay đổi. |
Từ khóa : Ngành dệt may, bài toán liên kết